Sự ổn định và phương hướng phát triển rõ ràng là điều nhân viên y tế cần nhất

Thứ tư - 01/06/2022 15:46
Sau ĐBQH Lý Tiết Hạnh, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đã tham gia nhiều ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường vào sáng 1.6.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết: Đến sáng 1.6, Bệnh viện Covid-19 Hoàng Mai chỉ còn 10 bệnh nhân. Đây là cơ sở có nhiệm vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch của khu vực Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Có thời điểm lên đến hơn 300 bệnh nhân. Các cơ sở khác của Hà Nội và các tỉnh khác hiện nay số lượng bệnh nhân Covid còn rất ít. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 gây ra trong nhiều ngày nay gần như là không có. Trong trận chung kết bóng đá tại SEA Games, 4 vạn người đã ra đường không mang khẩu trang. Trong hội trường Quốc hội hôm nay, cũng không nhiều người mang khẩu trang.
 
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu thảo luận, gửi gắm các kiến nghị liên quan đến lĩnh vực y tế tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 1.6. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
“Tôi nghĩ là các vị đại biểu cùng suy nghĩ với tôi là hiện nay Covid-19 đã đi sang giai đoạn thoái trào. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không tuyên bố là chính thức kết thúc bệnh truyền nhiễm nhóm A. Theo quy định, bệnh truyền nhiễm nhóm A được khám và điều trị miễn phí. Nếu chuyển Covid-19 sang trạng thái bệnh truyền nhiễm nhóm B thì việc thanh toán, chi trả tiền khám, điều trị Covid-19 sẽ như các bệnh lý khác, có thể do BHYT chi trả hoặc người dân chi trả theo khám dịch vụ. Khi coi Covid-19 là một chuyên khoa, không có nghĩa là ta hạ thấp sự nguy hiểm của dịch bệnh này mà chúng ta theo dõi thật sát và phản ứng linh hoạt”, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu phân tích.
Có 3 chỉ số cần theo dõi, đó là xét nghiệm thăm dò phát hiện sớm các biến chủng mới; ghi nhận sự lây lan đột ngột của dịch bệnh trong một cộng đồng; tình hình bệnh nhân chuyển nặng phải nhập viện. Những chỉ số này nếu phát sinh vấn đề cần lưu ý thì cơ quan quản lý Nhà nước chuyển trạng thái chống dịch, nghĩa là chúng ta không ngồi chờ diễn biến của Covid-19 mà phải phản ứng linh hoạt.
Đã đến lúc trở lại “bình thường cũ” để hướng đến 2 mục tiêu: Phục vụ cho lộ trình mở cửa, phục hồi kinh tế thời kỳ hậu Covid-19; tránh quá tải cho hệ thống y tế. Các bệnh viện đủ sức điều trị các bệnh lý thông thường và bệnh lý Covid-19. Nếu có gì khác với trước khi bùng dịch, chúng ta cần phải khuyên người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng, rửa tay thường xuyên. Những ai nhiễm Covid-19 thì nên ở nhà, có dấu hiệu chuyển nặng thì vào bệnh viện để chữa. Các trường hợp bệnh nhẹ, không có triệu chứng thì vẫn nên hạn chế tiếp xúc để giảm nguy cơ lây nhiễm cho nhóm nguy cơ cao như người già, trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai… Việc cách ly người bệnh dứt khoát không cực đoan như trước. Bất cứ ai xét nghiệm nhanh âm tính đều có thể đi làm trở lại như bình thường.
Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều lĩnh vực. Nhưng lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, để lại hậu quả nặng nề nhất chính là ngành Y tế. Hệ thống Y tế đã trải qua những giờ phút không thể nào quên, những thành công được xã hội ghi nhận bằng nhiều hình thức, những sai lầm đã phải trả giá đúng theo nguyên tắc “công, tội phân minh”.
Vấn đề đặt ra là sau cơn bão lớn, việc phục hồi và phát triển tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội sẽ diễn ra như thế nào? Không thể vì những vi phạm dễ xảy ra mà chúng ta để cả một hệ thống tê liệt. Những khó khăn trước đây như thu nhập nhân viên y tế, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư thuốc men không được cải thiện mà thậm chí còn tệ hơn bao giờ hết. Nếu các vị ĐBQH có thời gian đi thăm bệnh viện ở tại địa phương mình thì sẽ thấy tình hình có thể coi là nguy hiểm này.
Rất nhiều nhân viên y tế, cán bộ BHXH, cử tri, người bệnh đã gửi gắm cho tôi nỗi lòng về những khó khăn hiện nay và tương lai của hệ thống y tế Việt Nam. Tìm được câu trả lời, theo tôi là không dễ dàng vì những vướng mắc đã kéo dài nhiều nhiệm kỳ, ai cũng nhận ra, nhưng ngày càng nhiều hơn, phức tạp hơn.
Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị thuốc men là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện công và tư. Nguồn nhân lực chất lượng cao đã thiếu nay lại càng ít hơn vì mức lương không tăng và có xu hướng giảm theo thống kê của các bệnh viện công. Không đủ phương tiện, cơ sở vật chất để triển khai các kỹ thuật mới, hiện đại, bác sĩ giỏi đến đâu cũng phải đành bó tay, nản lòng.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đã đề nghị Quốc hội rà soát, cho ý kiến chi tiết, cụ thể để sớm hoàn thiện Dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) trong kỳ này và thông qua ở kỳ họp tiếp theo. Đồng thời, giám sát Chính phủ ban hành sớm các nghị định, thông tư then chốt nhằm tháo gỡ vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế như: Quyết nghị giảm tốc độ dịch Covid-19, hướng dẫn quyết toán các chi phí chống dịch, thống nhất thanh toán chi BHYT cho một số lĩnh vực cụ thể.
Ngoài ra, có nguồn ngân sách cụ thể trong gói hồi phục kinh tế cho y tế tuyến cơ sở, đầu tư các kỹ thuật cao cho các bệnh viện chuyên ngành; chính sách đào tạo nâng cao chất lượng thu hút tài năng, nhân lực cho ngành Y tế.
“Với tư cách là một bác sĩ đang thường xuyên, trực tiếp điều trị cho người bệnh, tôi rất mong rất lãnh đạo, các ĐBQH hiểu được phần nào những khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải, nó không chỉ là về vật chất mà chủ yếu là về tinh thần. Sự ổn định và phương hướng phát triển rõ ràng là điều nhân viên y tế chúng tôi cần nhất lúc này”, đại biểu Hiếu gửi gắm.
Đại dịch Covid-19 vừa qua đã chứng minh khả năng vượt khó của ngành Y tế Việt Nam. Đại biểu Hiếu tự hào khi trực tiếp chứng kiến vị Chủ tịch Trường ĐH Y khoa Stanford (Mỹ) chia sẻ với Thủ tướng Chính phủ trong chuyến đi vừa qua về sự khâm phục hình mẫu chống dịch của Việt Nam. Với nguồn lực hạn chế nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia giàu có. Công đầu chắc chắn là thuộc về những cán bộ, nhân viên y tế Việt Nam.
“Nhưng chính họ trong thời bình lại vô cùng hoang mang khi những biến cố dồn dập xảy ra. Những con sâu đã bị gạt bỏ khỏi hệ thống. Nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi cho đúng. Vì đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi mà hệ thống pháp luật hiện nay chưa hoàn chỉnh”, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ.
Chúng ta luôn coi an sinh xã hội là mục đích để phấn đấu. Y tế và Giáo dục là hai trụ cột của hệ thống an sinh xã hội nhưng cả hai lĩnh vực này đang gặp vô vàn khó khăn. Sự ảnh hưởng không chỉ một vài năm mà sẽ nhiều năm, qua nhiều thế hệ, để lại những hậu quả vô cùng khó lường mà thiệt hại nhất chính là người dân.
 

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây