Đại biểu Lý Tiết Hạnh: Cần “lành mạnh hóa” thị trường vốn, thị trường chứng khoán

Thứ tư - 01/06/2022 15:43
Sáng 1.6, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận ở hội trường, đại biểu Lý Tiết Hạnh tham gia một số vấn đề.
Thứ nhất, để đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường vốn, trong đó có thị trường chứng khoán và trái phiếu DN là một nhu cầu tất yếu. Thời gian qua, thực hiện các quy định của pháp luật, thị trường chứng khoán và huy động vốn của DN thông qua thị trường trái phiếu đã có bước phát triển nhất định, góp phần tạo thị trường vốn để phát triển kinh tế, phát triển DN.
Tuy nhiên, gần đây, thị trường chứng khoán, một số giao dịch trong thị trường chứng khoán, việc phát hành trái phiếu DN có những biểu hiện không lành mạnh. Cá biệt, đã có những cá nhân, tổ chức, DN có hành vi thao túng, che giấu thông tin, trục lợi, gây bất ổn cho thị trường chứng khoán, làm thiệt hại đến những người tham gia đầu tư, phần nào đó ảnh hưởng đến an toàn tín dụng, an toàn tài chính đất nước.
 
Đại biểu Lý Tiết Hạnh tham gia một số vấn đề tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 1.6. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Đại biểu ghi nhận và đánh giá cao Chính phủ, các bộ ngành liên quan, đặc biệt Ngân hàng nhà nước và Bộ Tài chính đã triển khai nhiều biện pháp để làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán và việc phát hành trái phiếu DN. Các cơ quan hữu quan đã phát hiện, xử lý kịp thời hành vi thao túng, trục lợi thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu.
Đây là vấn đề mới, sức ảnh hưởng rất rộng. Đại biểu đề nghị tiếp tục giải quyết tình trạng trên một cách triệt để; kiến nghị các bộ, ngành cần rà soát các quy định pháp luật về chứng khoán và việc phát hành cổ phiếu DN, quản lý chặt chẽ việc phát hành trái phiếu DN riêng lẻ thông qua sửa Luật Chứng khoán, Luật DN và các nghị định liên quan.
“Tôi cũng kiến nghị phải có giải pháp phát triển cân đối thị trường vốn, thị trường tiền tệ, làm lành mạnh hóa thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ để vừa tạo điều kiện phát triển thị trường chứng khoán, tạo điều kiện cho các DN huy động vốn thực hiện các dự án đầu tư, phát triển DN, phát triển KT-XH, nhưng phải đảm bảo chặt chẽ, nhất là đảm bảo quyền lợi của người tham gia thị trường chứng khoán, hạn chế tối đa những hành vi trục lợi như thời gian qua”, đại biểu Hạnh nhấn mạnh.
Chính phủ tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và phát hành trái phiếu DN. Bên cạnh đó, cần tăng cường công khai, minh bạch thông tin đến người dân, định hướng cung cấp thông tin, trang bị kiến thức cho người dân trên lĩnh vực này; tránh việc người dân, nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực mới mẻ này mà không có thông tin, không được định hướng, chỉ tham gia theo “hội chứng đám đông”, bị lợi dụng.
Vấn đề thứ hai liên quan đến giao thông. Hiện nay, Chính phủ tập trung xây dựng, hoàn thiện các tuyến đường giao thông huyết mạch dọc theo chiều dài đất nước. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả các tuyến đường theo trục dọc, đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu đầu tư các tuyến đường Đông - Tây để tạo lợi thế, phát huy tiềm năng cho các tỉnh phía Tây của đất nước. Trong khu vực Duyên hải miền Trung -Tây nguyên, ngoài tuyến đường cao tốc Nha Trang - Buôn Mê Thuột hiện đang triển khai thực hiện, thì rất cần các tuyến đường nối các tỉnh Tây Nguyên rộng lớn, giàu tiềm năng với Cảng Quy Nhơn và các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ. Trong hệ thống giao thông của đất nước, đây cũng là tuyến đường nối với Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Đông Bắc Campuchia. Không chỉ phát huy lợi thế về kinh tế, các tuyến đường này còn có ý nghĩa chiến lược trong quốc phòng và an ninh. 
Thứ ba, đã qua một nửa thế kỷ đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn rất nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt,  chưa xác định được tên tuổi. Vẫn còn rất nhiều gia đình, thân nhân liệt sĩ đang miệt mài trên hành trình tìm kiếm người thân; còn nhiều hồ sơ tồn đọng về giải quyết chế độ chính sách đối với liệt sĩ, kể cả hồ sơ công nhận liệt sĩ. Đây đều là những trường hợp rất khó.
Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực này. Bộ LĐ-TB&XH đang tiếp tục rà soát lần thứ ba đối với hồ sơ tồn đọng. “Nhưng, tôi khẳng định lại: Đây là những hồ sơ rất khó, những trường hợp rất khó, cần có sự tập trung đầu tư rất lớn. Chính vì vậy, tôi kiến nghị Chính phủ và Quốc hội cần có chương trình đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, có giải pháp hiệu quả hơn nữa. Trong đó, có hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối thông tin, ứng dụng các kỹ thuật hiện đại trong tìm kiếm, xác định danh tính liệt sĩ nhằm sớm nhất có thể đưa những liệt sĩ còn nằm trên mọi miền đất nước về với gia đình, quê hương của họ; giải quyết dứt điểm những trường hợp tồn đọng trong giải quyết chế độ chính sách đối với liệt sĩ, người có công với cách mạng”, đại biểu Lý Tiết Hạnh nói.
 

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây