Trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt PCCC đối với 58.504 dự án, công trình; tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho hay, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Tính đến tháng 7.2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
Đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh đặt vấn đề, vì sao qua gần 10 năm thực hiện Luật PCCC, cùng với đó là rất nhiều văn bản dưới luật, nhưng đến nay vẫn còn nhiều công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
“Do buông lỏng quản lý trên lĩnh vực này, do thủ tục rườm rà, hay chủ DN cố tình chây ỳ, lách luật? Và liệu hàng nghìn công nhân lao động, người dân đang sinh sống, lao động, học tập ở những công trình, dự án đó có được an toàn không?”, ĐB Hạnh nêu vấn đề.
Để có phương án xử lý chính xác, nghiêm minh để làm gương, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, ĐB Hạnh kiến nghị Báo cáo giám sát của Quốc hội cần thống kê cụ thể danh sách công trình vi phạm. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các địa phương có biện pháp khắc phục đối với từng công trình cụ thể, xử lý dứt điểm những “quả bom nổ chậm” này. Đây cũng là vấn đề quan trọng, nên Quốc hội cần giám sát kết quả xử lý.
Về thanh tra, kiểm tra công tác PCCC, ĐB Hạnh cho rằng, không cần quá nhiều đoàn đến cơ sở, mà quan trọng là có cơ chế xử lý kết quả nghiêm túc, đến nơi đến chốn. Trong đó, việc gắn trách nhiệm của các cơ quan chức năng (cụ thể là chính quyền địa phương các cấp), vai trò giám sát của các cơ quan dân cử là rất quan trọng.
“Các thành viên tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát phải nắm rất vững quy định của pháp luật, nhưng đồng thời phải có chuyên môn kỹ thuật. Có vậy mới phát hiện được những vấn đề từ thực tiễn, vừa chỉ ra được vi phạm nhưng đồng thời cũng đưa ra hướng dẫn, cảnh báo xác đáng. Trong thực tiễn, nhiều DN rất cần các thông tin này, giúp họ tâm phục, khẩu phục, tự giác chấp hành. Ngược lại, nếu làm việc sơ sài, yếu về chuyên môn, có dấu hiệu tiêu cực thì dễ dẫn đến coi thường, nhờn luật”, ĐB Hạnh nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn