Trong Luật Trẻ em có nêu: “Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác”. Thử hỏi chúng ta bao nhiêu người trong xã hội hiểu đúng về xâm hại trẻ em? Ngay trong các báo cáo, chúng ta ghi nhận có 2.000 vụ xâm hại trẻ em/năm. Tôi có hỏi đồng chí ở Tòa án, Viện kiểm sát là nên dùng những từ gì cho chuẩn, phải chăng đây chỉ là những vụ xâm hại nghiêm trọng đã được phát hiện và xử lý? Theo nghiên cứu của tổ chức quốc tế, số liệu nêu trên của chúng ta là chưa đúng. Trên thế giới, qua nhiều khảo sát, một nửa số trẻ em bị xâm hại; ở nước ta, con số khảo sát là 60 - 70%. Để xét về số liệu này, chúng ta cần nhìn thẳng vào 3 vấn đề: thứ nhất, trong chương trình khảo sát về bạo lực gia đình, qua phỏng vấn, 3% số phụ nữ được hỏi chia sẻ mình bị bạo lực khi dưới 15 tuổi. Thứ hai, là khảo sát học sinh tiểu học từ 8 tuổi trở xuống thì 20% các cháu nói rằng đã nhận hình thức kỷ luật có xâm hại đến thân thể, đấy là chưa kể hình thức kỷ luật có xâm hại đến tinh thần. Thứ ba là theo nghiên cứu sơ bộ, chúng ta có 200.000 trẻ tự kỷ; trong đó có hơn nửa là tự kỷ tăng động và phần nhiều các cháu bị bỏ mặc, bỏ rơi. Những con số này lớn hơn so với con số 2.000 trường hợp một năm mà báo cáo nêu ra… Rõ ràng đó không chỉ là số liệu mà còn phản ánh nhận thức. Chúng tôi kỳ vọng, qua đợt giám sát này, sẽ có sự chuyển biến mạnh mẽ hơn về nhận thức.
Trong báo cáo, tôi cho rằng nên phân tích thêm đặc điểm của nước ta mà quốc tế nhận định có liên quan đến đặc điểm trẻ em và xâm hại trẻ em. Đó là truyền thống, thói quen quá ôm chặt trẻ, nên quyền trẻ em được tham gia, được bày tỏ còn khá khó khăn; nói cách khác là chưa coi trọng quyền trẻ em. Tư tưởng yêu cho roi, cho vọt, ghét cho ngọt, cho bùi. Trên thực tế, thử hỏi có bao nhiêu người từ nhỏ tới giờ không từng bị ông bà, bố mẹ đánh, không bị đay nghiến? Bên cạnh đó, còn tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Đặc biệt, do tác động của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhiều người ở nước ta phải làm việc xa nhà, con không được sống với bố mẹ, thậm chí cũng không được sống với ông bà. Khảo sát sơ bộ ở khu công nghiệp có đến 10.000 trường hợp con không được sống với bố mẹ. Chúng ta cần phân tích cái khó này so với thế giới.
Về giải pháp, tới đây, cần nâng cao nhận thức các cấp, ngành; siết trách nhiệm, phổ biến pháp luật đi kèm với đó là thanh tra, kiểm tra. Thành lập mạng lưới bảo vệ trẻ em, không chỉ là cơ quan chính quyền mà còn là cả cộng đồng, gắn với đó là phổ biến kiến thức để bảo vệ trẻ em. Xây dựng quy trình xử lý, can thiệp trong những trường hợp nghiêm trọng và bị phát hiện, chúng ta rất cố gắng rồi, nhưng còn tâm lý e ngại trình báo. Lồng ghép về phòng, chống xâm hại trẻ em qua các chương trình mục tiêu quốc gia, hay qua giám sát chúng ta có đặt ra một chương trình mục tiêu quốc gia riêng không? Các vấn đề khác mà các đại biểu có nêu trong cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ, Chính phủ xin tiếp thu và nghiên cứu, hoàn thiện.
Tác giả bài viết: Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ Anh Thảo ghi
Nguồn tin: Theo http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=76&NewsId=433273
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn