Cần xử lý nghiêm tình trạng chăn dắt trẻ em đi ăn xin

Thứ tư - 27/05/2020 15:12
Đó là vấn đề do Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đặt ra khi tham gia thảo luận về kết quả giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Phiên thảo luận tổ chức ngày 27.5, được phát thanh, truyền hình trực tiếp đến cử tri và nhân dân cả nước.
ĐB Lý Tiết Hạnh phát biểu thảo luận ngày 27.5.
ĐB Lý Tiết Hạnh phát biểu thảo luận ngày 27.5.
Theo kết quả giám sát, từ ngày 1.1.2015 đến 30.6.2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, xâm hại tình dục có 6.432 trẻ em, chiếm 73,85%; bị bạo lực 857 trẻ em, chiếm 9,84%...

Đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh cho rằng, báo cáo kết quả giám sát chưa quan tâm đúng mức đến nhóm đối tượng trẻ ăn xin. Đây là đối tượng khó khăn, rất đáng thương, có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bắt cóc, mua bán người, lớn lên lại đối mặt với nguy cơ thất nghiệp, làm mẹ đơn thân, sa vào các tệ nạn xã hội.

“Báo cáo chưa chỉ rõ hành vi xâm hại đối với trẻ em ăn xin, cũng như chưa xác định rõ các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan”, ĐB Hạnh nói.

Đối chiếu với các quy định hiện hành, chỉ có Nghị định 144/2013/NĐ-CP (quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em) có quy định: người nào ngược đãi trẻ em vì mục đích trục lợi, tổ chức ép buộc đi ăn xin thì bị phạt hành chính 10 - 15 triệu đồng. Đây là mức phạt nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe.

ĐB Hạnh cũng cho rằng, xác định được hành vi vi phạm trong trường hợp trẻ ăn xin rất khó. “Một phụ nữ lam lũ bế một đứa trẻ đi ăn xin ngày qua tháng nọ, đập vào mắt người qua đường, chúng ta thương cảm, động lòng, cho tiền. Nhưng người phụ nữ đó có phải là mẹ đẻ? Đứa trẻ có phải là nạn nhân của xâm hại, ngược đãi hay không? Cơ quan nào, ai sẽ trả lời? Pháp luật nào bảo vệ cho đứa trẻ? Người phụ nữ này có vi phạm pháp luật hay không? Rà soát các quy định xử phạt hành chính lẫn hình sự đều chưa có đủ cơ sở để xử lý”, ĐB Hạnh phân tích.

Bên cạnh đó, dư luận xã hội cho rằng có hẳn các tổ chức, đường dây chăn dắt trẻ em ăn xin hoạt động rất tinh vi. Báo chí cũng đã chỉ rõ một số trường hợp cụ thể. Xong, kết quả xử lý rất hạn chế. “Phải chăng pháp luật hiện hành chưa đủ để xử lý, hay chúng ta chưa thật sự đánh giá xác đúng, đầy đủ về mức độ, tính chất nghiêm trọng của hành vi, chưa đủ quyết tâm để xử lý triệt để bằng pháp luật hình sự?”, ĐB Hạnh trăn trở.

ĐB Lý Tiết Hạnh kiến nghị Quốc hội xem xét bổ sung, làm rõ về tình trạng trẻ em ăn xin, tính chất, mức độ, tác hại. Đồng thời, bổ sung các giải pháp cụ thể, giao trách nhiệm cho ngành CA và chính quyền địa phương trong quản lý địa bàn, không để xảy ra tình trạng trẻ em bị lạm dụng xâm hại cũng như cưỡng bức lao động thông qua hình thức ăn xin.

Đối với những trường hợp thật sự khó khăn, cần phát hiện, can thiệp, hỗ trợ kịp thời, không để trẻ phải rơi vào hoàn cảnh lang thang xin ăn, tương lai không được đảm bảo.

Nguồn tin: Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây