Sẽ có chế tài xử lý tin giả trên mạng xã hội

Thứ sáu - 08/11/2019 01:56
Tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 8.11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng là bộ trưởng cuối cùng đăng đàn trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
viewimage(16)
viewimage(16)

Tham gia chất vấn, đại biểu (ĐB) Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) nêu vấn đề, hiện nay người dùng mạng xã hội (MXH) ở Việt Nam có thể tạo ra một “cơ quan truyền thông”, nhiều người gọi là “báo chí nhân dân”. “Trong đó, có nhiều trang mạng xấu độc nhưng có lượng độc giả lớn, tác động xấu đến đời sống xã hội, ví dụ trang của Khá Bảnh. Giải pháp nào để khắc phục tình trạng nêu trên, không bị động chạy theo xử lý hậu quả?”, ĐB Nhường hỏi.

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, tin xấu, độc trên MXH là câu chuyện mang tính toàn cầu. Để ngăn chặn, Bộ trưởng cho rằng, yếu tố đầu tiên cần có chính là hành lang pháp lý. Bộ trưởng cho biết, hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng. Các quốc gia đều có quy định riêng để xử lý tin rác, tin giả. Chẳng hạn, Singapore đã có luật về xử lý tin giả với chế tài xử lý rất mạnh; người tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD, thậm chí đi tù. Người đứng đầu MXH tung tin giả cũng vậy.

Do đó, Việt Nam sẽ phải ban hành quy định pháp luật về vấn đề này. “Hiện Thủ tướng đã giao Bộ CA chủ trì, phối hợp với Bộ TT&TT sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Bộ trưởng cũng cho biết, thông tin xấu độc chủ yếu trên các nền tảng MXH nước ngoài, còn nền tảng trong nước thì cơ bản quản lý được. Bộ đã làm việc với Tổng cục Thuế, Bộ CA, Ngân hàng Nhà nước để tìm cách xác định danh tính các tài khoản trên MXH.

Bộ trưởng thẳng thắn chia sẻ: “Phải nói thật là tin xấu độc cũng có khi phát sinh từ chính chúng ta”. Bởi nếu như chúng ta đọc một tin xấu là vô hình trung nuôi tin xấu, mỗi lần đọc tin xấu là một lần họ có view, người đưa tin đấy được hưởng lợi, tức là quảng cáo tăng lên. Do đó, vấn đề quan trọng là giáo dục, nâng cao nhận thức sống trên không gian mạng. Bộ TT&TT đang làm việc với Bộ GD&ĐT để có chương trình giáo dục cách ứng xử, cách sống trên không gian số cho học sinh.

Thế nhưng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, người sử dụng mạng nếu không đọc thì làm sao biết tin đó là “xấu, độc”. Vấn đề là người đọc làm thế nào để tự bảo vệ mình, phân biệt được cái nào đúng, cái nào sai sự thật.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân trần: “Chúng ta xem một lần, vài lần thấy thông tin không đúng thì nên thể hiện thái độ. Trong các thông tin trên MXH thì thường có phần dislike, chúng ta nên thể hiện thái độ bằng việc đó”.

 

Xem xét hạn chế giờ chơi game

ĐB Lê Công Nhường đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết quan điểm về xu hướng giới trẻ chạy theo điện thoại thông minh, các đô thị đua nhau xây dựng thành phố thông minh. Trong khi đó, một số nước trên thế giới đã nhận thấy mặt trái của điện thoại thông minh ảnh hưởng đến phát triển nhân cách, sức khỏe nên đã cấm trẻ sử dụng tại trường học. TP Yokohama (Nhật Bản) năm 2010 đăng ký xây dựng thành phố thông minh thì nay không theo đuổi nữa.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, Việt Nam đang thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ người dân sử dụng smartphone và MXH ở mức cao. “Thời gian chúng ta dành cho smartphone, mạng xã hội cũng cỡ khoảng 2,5 - 3 tiếng một ngày, vào loại cao trên thế giới. Cái gì cũng có 2 mặt, nếu chúng ta lạm dụng sẽ có nhiều vấn đề, hệ lụy. Một số nước ra quy định tuổi dùng smartphone, số khác quy định trẻ em chơi game với giờ giấc hạn chế. Đây là vấn đề mà Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu”, Bộ trưởng chia sẻ.

 
Theo Báo Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây