TỔNG HỢP NỘI DUNG TRẢ LỜI MỘT SỐ Ý KIẾN KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

Thứ năm - 06/04/2023 09:16
TỔNG HỢP NỘI DUNG TRẢ LỜI MỘT SỐ Ý KIẾN KIẾN NGHỊ CỦA
CỬ TRI TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV
                                              (Theo Báo cáo số 43/BC- ĐĐBQH ngày 10/10/2022 của Đoàn ĐBQH tỉnh)
 
Câu 1: Cử tri kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu theo hướng phân cấp, phân quyền về đấu thầu thuốc cho các cơ sở y tế theo quy mô gói thầu một cách phù hợp, hiệu quả và xây dựng danh mục thuốc tương ứng nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm mua sắm kịp thời phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 118/BKHĐT-TH ngày 06/01/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như sau:
Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhằm xử lý những bất cập, vướng mắc hiện nay trong hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Quá trình rà soát cho thấy tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế (bao gồm cả hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế) chủ yếu là do những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định tại Nghị định 98/2021/NĐ-CP, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP, Thông tư số 14/2020/TT-BYT và Thông tư số 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế. Trong đó, Thông tư số 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế quy định giá thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng, nếu giá cao hơn thì phải giải trình nguyên nhân, quy định này dẫn đến bất cập là nếu cứ lấy bằng hoặc thấp hơn giá trúng thầu trong vòng 12 tháng thì mặc nhiên giá năm sau phải thấp hơn giá năm trước, ngược với quy luật thị trường là giá năm sau thường sẽ cao hơn năm trước và doanh nghiệp kinh doanh phải có lợi nhuận.
Để góp phần xử lý những bất cập nêu trên, ngoài việc sửa đổi các quy định tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP, Thông tư số 14/2020/TT-BYT và Thông tư số 15/2019/TT-BYT, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định như: (i) cho phép chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang bị, máy móc chỉ sử dụng được duy nhất loại hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế này mới vận hành được; (ii) cho phép chỉ định thầu, đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất (ngoài hình thức đấu thầu rộng rãi) để mua sắm thuốc, hàng hóa trong trường hợp dịch bệnh, cấp bách; (iii) trường hợp lựa chọn nhà thầu cung cấp vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, mua thuốc của cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thì cơ sở y tế ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong đơn vị trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế mà không bắt buộc phải tổ chức đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu; (iv) bỏ thủ tục phê duyệt quyết định mua sắm; không bắt buộc phải lập dự toán cho gói thầu, phân cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho các đơn vị trong mua sắm thường xuyên; (v) cho phép hồ sơ mời thầu được đưa ra yêu cầu hàng hóa phải có xuất xứ từ một nhóm quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể trong trường hợp cần mua hàng hóa có chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm đáp ứng yêu cầu sử dụng, trong đó có vật tư, trang thiết bị y tế.
Về việc làm sao để mua thuốc, trang thiết bị y tế vừa có giá cả phù hợp, vừa có chất lượng tốt, ngoài việc quy định chi tiết hơn về giá đánh giá trên cơ sở xem xét vòng đời của hàng hóa cũng như quy định được nêu xuất xứ của hàng hóa, lần đầu tiên dự thảo Luật đưa ra quy định về Hệ thống đánh giá chất lượng hàng hóa và Hệ thống đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng của nhà thầu. Theo đó, Hội đồng Khoa học của Bệnh viện sẽ đánh giá chất lượng của trang thiết bị y tế, thuốc trong quá trình sử dụng và đưa kết quả này làm tiêu chí lựa chọn hàng hóa của gói thầu sau này.
Câu 2: Tại điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về thời gian nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp như sau: “a) Thời hạn nộp thuế lần đầu: Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của cơ quan thuế. Từ năm thứ hai trở đi, người nộp thuế nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp một lần trong năm chậm nhất là ngày 31 tháng 10”. Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 126/2020/NĐ-CP theo hướng điều chỉnh thời hạn nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp một lần trong năm chậm nhất là ngày 31 tháng 12 để đảm bảo tính chính xác thông tin trong báo cáo thuế, phù hợp với thời điểm kết thúc của năm tài chính và thuận lợi cho người dân trong việc nộp thuế tránh bị phạt do nộp chậm.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 1335/BTC-TCT ngày 13/02/2023 của Bộ Tài chính như sau:
Tại điểm a khoản 1 Điều 18 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế quy định:
“Điều 18. Thời hạn nộp thuế đối với các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước từ đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, tài nguyên khoảng sản, tiền sử dụng khu vực biển, lệ phí trước bạ, lệ phí môn bài
1. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
a) Thời hạn nộp thuế lần đầu: Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của cơ quan thuế.
Từ năm thứ hai trở đi, người nộp thuế nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp một lần trong năm chậm nhất là ngày 31 tháng 10”.
Căn cứ quy định nêu trên thì thời hạn nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp một lần trong năm chậm nhất là ngày 31/10 hàng năm. Trong thời gian kể từ ngày 31/10 đến 31/12 cơ quan thuế tiếp tục đôn đốc thu nộp thuế, quyết toán biên lai do Uỷ nhiệm thu chuyển đến, quyết toán NSNN. Vì vậy, quy định thời hạn nộp tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp một lần trong năm chậm nhất là ngày 31/10 là phù hợp với thực tế.
Câu 3: Cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành Quy hoạch các vùng trong cả nước, trong đó có khu vực Vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên; đồng thời định hướng về tăng cường liên kết các địa phương trong vùng, để tỉnh Bình Định cũng như các tỉnh khác trong khu vực có cơ sở rà soát, hoàn thiện quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 118/BKHĐT-TH ngày 06/01/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như sau:
(1) Tại điểm c khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 61/2022/UBTVQH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, quy định cho phép Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch được thực hiện ngay các giải pháp sau để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch và bảo đảm chất lượng công tác quy hoạch lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh khác có quy định về quy hoạch; tập trung ưu tiên lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng. Quy hoạch được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn với quy hoạch cao hơn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.
Trường hợp có mâu thuẫn giữa các quy hoạch cùng cấp, căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các văn kiện của Đảng, chiến lược phát triển ngành và từ yêu cầu thực tiễn, cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch quyết định điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 trong trường hợp có mâu thuẫn được thực hiện như sau:
Cơ quan tổ chức lập quy hoạch rà soát nội dung mâu thuẫn cần điều chỉnh; lập báo cáo điều chỉnh quy hoạch kèm theo dự thảo văn bản quyết định hoặc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch gửi xin ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có liên quan;
- Cơ quan tổ chức lập quy hoạch cần điều chỉnh có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan có liên quan, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch và chịu trách nhiệm về nội dung điều chỉnh; trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch; công bố điều chỉnh quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.
(2) Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức lập quy hoạch 05 vùng (Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Đông Nam Bộ và Tây Nguyên) (dự kiến trình phê duyệt tháng 06/2023); Ngoài các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch ngành đã được phê duyệt; các Bộ ngành đang khẩn trương triển khai lập, hoàn thiện các quy hoạch ngành được giao (theo Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/8/2018) để đáp ứng tiến độ trình phê duyệt theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 760/TTg-CN ngày 31/8/2022.
(3) Do vậy, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định chủ động tăng cường phối hợp trao đổi thông tin với các Bộ ngành trung ương nhằm đảm bảo kết nối đồng bộ, tính thống nhất với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng trong quá trình lập quy hoạch tỉnh để bảo đảm nội dung quy hoạch tỉnh phù hợp và bám sát với định hướng của quy hoạch cấp cao hơn.
Câu 4: Bình Định là một trong các tỉnh Miền Trung đang tập trung phát triển du lịch và được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Để tạo điều kiện cho Bình Định đẩy mạnh, phát triển hiệu quả du lịch của tỉnh nói riêng, khu vực Miền Trung - Tây Nguyên nói chung, cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm, cho chủ trương xây dựng Cảng hàng không Phù Cát thành Cảng hàng không Quốc tế để sớm được đưa vào khai thác hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 408/BGTVT-KHĐT ngày 12/01/2023 của Bộ Giao thông vân tải như sau:
Cảng hàng không (CHK) Phù Cát có cấp sân bay 4C[1], kết cấu hạ tầng khu bay bảo đảm khai thác các loại tàu bay code C (như A320/321 và tương dương), nhà ga hành khách được mở rộng năm 2018 đáp ứng công suất khoảng 2,0 triệu hành khách/năm. Sản lượng hành khách thông qua CHK Phù Cát tăng trưởng tương đối tốt trong một vài năm gần đây[2] và đã thực hiện khai thác một số chuyến bay quốc tế không thường lệ.
Thực hiện Luật Quy hoạch, vừa qua Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triện hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch hệ thống cảng hàng không), trong đó CHK Phủ Cát tiếp tục được hoạch định là CHK quốc nội.
Quá trình nghiên cứu xây dựng Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, trên cơ sở quy định của ICAO và kết quả nghiên cứu kinh nghiệm các nước trên thế giới[3], hồ sơ quy hoạch đã xây dựng định hưởng chuyển CHK quốc nội thành CHK quốc tế, cụ thể “Các cảng hàng không quốc nội được khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ. Để bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống càng hàng không, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm tính linh hoạt và tính mở của quy hoạch, khi các hãng hàng không có nhu cầu mở các chuyển bay quốc tế thường lệ và có cơ sở hạ tầng đảm bảo, Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển thành cảng hàng không quốc tế”.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị địa phương nghiên cứu, kêu gọi, khuyến khích các hãng hàng không khai thác thêm các đường bay quốc tế không thường lệ đi/đến CHK Phù Cát nhằm mục đích phát triển thị trường bay quốc tế. Sau thời gian khai thác, nếu tần suất các chuyến bay quốc tế ổn định, Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo ngay cấp có thẩm quyền cho phép chuyển CHK Phù Cát thành CHK quốc tế.
Câu 5: Hiện nay, dọc theo tuyến QL1A có một số điểm tấm nắp sắt đậy mương thoát nước hai bên đường thường xuyên bị hư hỏng, sụp lún, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông, nhất là tại các điểm giao nhau giữa đường ngang nối với QL1A trên địa bàn thị trấn Bình Dương, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Cục Quản lý đường bộ III thường xuyên kiểm tra và có biện pháp sửa chữa, thay thế, khắc phục kịp thời khi có hư hỏng xảy ra.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 14053/BGTVT-KCHT ngày 30/12/2022 của Bộ Giao thông vân tải như sau:
Dự án mở rộng nâng cấp QL.1, đoạn qua tỉnh Bình Định đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng năm 2016, trong đó có xây dựng hệ thống rãnh dọc tại các vị trí đường ngang giao với với QL.1 với kết cấu thân rãnh bằng bê tông xi măng trên đậy tấm đan bê tông cốt thép xen kẹp giữa tấm đan dạng lưới thép hình để thu nước mặt trên đường QL.1 và trên các đường ngang.
Trong quá trình khai thác do ảnh hưởng của các phương tiện ra vào các đường ngang nên các tấm bê tông cốt thép nắp rãnh tại 04 đường ngang Km1161+780, Km1161+860, Km1162+115, Km1162+450 phát sinh hư hỏng. Để đảm bảo an toàn giao thông, Khu Quản lý đường bộ III đã chỉ đạo nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên thực hiện sửa chữa và hoàn thành công tác sửa chữa trong tháng 11/2022.
Câu 6: Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm sớm đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, góp phần phát huy các lợi thế về vị trí địa lý, tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên nói chung, các tỉnh Bình Định, Gia Lai, KonTum nói riêng.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 408/BGTVT-KHĐT ngày 12/01/2023 của Bộ Giao thông vân tải như sau:
Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài 180 km, quy mô 04 làn xe, tiến trình đầu tư sau năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ đã giao Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định nghiên cứu phương án đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku[4], trong đó ưu tiên phương án đầu tư theo phương thức đối tác công tư để huy động tối đa mọi nguồn lực; thống nhất với các cơ quan, đề xuất phương án đầu tư (tiến trình đầu tư, hình thức đầu tư, cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư) báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định về việc sớm đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku nhằm phát huy lợi thế vùng, tạo bước đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quá trình nghiên cứu phương án đầu tư tuyến cao tốc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để sớm triển khai dự án theo quy định.
Câu 7: Theo thực tế hiện nay, nguồn nhân lực về khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học ngày càng tăng nhưng số sản phẩm về khoa học, công nghệ tạo ra trong ngành này chưa nhiều và chưa kết nối với đời sống để giải quyết những vấn đề từ thực tiễn. Cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ sớm ban hành chính sách để thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các sản phẩm về khoa học, công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học hướng đến phục vụ cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 649/BGDĐT-VP ngày 21/02/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
Hiện nay, nguồn nhân lực KHCN trong cơ sở giáo dục ngày càng tăng (chiếm hơn 50% tổng số nhân lực KHCN trong cả nước, trong đó khoảng trên 30% có trình độ tiến sĩ). Giai đoạn 2016 - 2021, các sản phẩm KHCN của các CSGDĐH không ngừng tăng về số lượng và chất lượng, đa dạng về hình thức và có mặt ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, từ phát hiện tài nguyên, phát triển hạ tầng, y tế, trong môi trường, trong phát triển mô hình kinh tế, quốc phòng, an ninh đến lý luận phát triển về con người, xã hội, luật pháp và văn hóa. Công bố quốc tế của các nhà giáo tại các CSGDĐH chiếm 80% cả nước (riêng năm 2021 chiếm hơn 90% cả nước). Vấn đề thương mại hóa sản phẩm đã được các CSGDĐH quan tâm với hàng nghìn bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích được cấp cho các nhà giáo, nhà khoa học trong CSGDĐH và đã hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới thay thế nhập khẩu trong nông nghiệp, công nghiệp, y học và các ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, so với tiềm lực KHCN hiện có thì những kết quả đạt được về KHCN trong các CSGDĐH còn khiêm tốn và chưa giải quyết được nhiều những vấn đề từ thực tiễn. Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao KHCN còn thấp so với tổng nguồn thu của các CSGDĐH; hoạt động xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho KHCN còn hạn chế...
Để thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các sản phẩm về KHCN trong các CSGDĐH hướng đến phục vụ cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Bộ GDĐT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hoạt động KHCN trong CSGDĐH, trong đó tập trung vào các chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động KHCN trong CSGDĐH hướng tới ứng dụng thực tiễn theo xu hướng tự chủ; khuyến khích sử dụng phương thức khoán chi khi thực hiện nhiệm vụ KHCN và sử dụng nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ KHCN các cấp; khuyến khích khai thác tài sản trí tuệ, phân chia lợi ích khi chuyển giao kết quả nghiên cứu với doanh nghiệp; khuyến khích góp vốn vào doanh nghiệp bằng tài sản trí tuệ; khuyến khích thành lập doanh nghiệp KHCN; đẩy mạnh hợp tác và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và các cá nhân đầu tư cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong CSGDĐH, góp phần đẩy mạnh hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo tại CSGDĐH theo hướng tự chủ, giảm bớt phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, thúc đẩy nghiên cứu phát triển, chuyển giao tri thức vào thực tế, hướng đến phục vụ cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Câu 8: Hiện nay, tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở nhiều địa phương do tăng quy mô học sinh, chuẩn sĩ số học sinh trên lớp giảm so với trước đây. Trong khi đó, công tác tuyển dụng, hợp đồng giáo viên gặp nhiều khó khăn và ngành giáo dục đang phải đảm bảo tinh giản 10% biên chế nên số giáo viên đã thiếu nay lại càng thiếu hơn. Cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất Chính phủ xem xét, có cơ chế, chính sách phù hợp để đảm bảo đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng phục vụ cho sự nghiệp giáo dục nhất là hệ thống giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 649/BGDĐT-VP ngày 21/02/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026. Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập (Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026), trong đó tỉnh Bình Định được bổ sung 310 biên chế giáo viên năm học 2022-2023.
Trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026 báo cáo Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 theo Quyết định số 72QĐ/TW nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Các địa phương khẩn trương tổ chức tuyển dụng giáo viên theo chi đạo của Bộ GDĐT tại Công văn số 3585/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 02/8/2022 về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW, trong đó quan tâm tuyển dụng giáo viên đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đề nghị Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh có ý kiến với Ủy ban nhân dân tỉnh tập trung đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, địa bàn cụ thể; xây dựng nhà công vụ giáo viên để tạo điều kiện cho giáo viên dạy liên trường, giúp giáo viên yên tâm công tác, giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; thí điểm và đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Đặc biệt, ưu tiên biên chế giáo viên đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hoặc bố trí kinh phí để hợp đồng lao động đối với những trường còn thiếu biên chế để tuyển giáo viên.
Câu 9: Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành nông sản Việt Nam trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng hiện nay, hướng tới xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam trong thời gian tới, Cử tri kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách quy định bộ tiêu chí đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam về nông sản và hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, xây dựng thương hiệu quốc gia, tăng cường quảng bá thương hiệu, kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản Việt Nam thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá bán của nông sản Việt Nam, đem về nhiều giá trị hơn cho đất nước, doanh nghiệp và nông dân.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 347/BCT-KHTC ngày 19/01/2023 của Bộ Công Thương như sau:
Ngày 08 tháng 10 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (THQG). Trên cơ sở Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã quy định các tiêu chí đăng ký, xét chọn sản phẩm THQG Việt Nam tại Thông tư số 33/2019/TT-BCT ngày 22 tháng 11 năm 2019 về quy định hệ thống tiêu chí của Chương trình THQG Việt Nam và Thông tư số 25/2021/TT-BCT ngày 20 tháng 12 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2019/TT-BCT. Các tiêu chí đăng ký, xét chọn sản phẩm THQG Việt Nam quy định tại các Thông tư nêu trên được áp dụng chung cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, bao gồm các sản phẩm nông sản. Theo đó, tại kỳ xét chọn sản phẩm THQG lần thứ 8 năm 2022, đã có 43 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm được công nhận có sản phẩm đạt THQG.
Nhằm hỗ trợ công tác xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản, thực phẩm của Việt Nam, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành Quyết định số 3816/QĐ-BCT ngày 23 tháng 12 năm 2019 về phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, Đề án tập trung về quảng bá thương hiệu nông sản, thực phẩm của Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Theo đó, hình ảnh Thương hiệu thực phẩm Việt Nam (Foods of Vietnam) đã được sử dụng và quảng bá tại các hội chợ, triển lãm ở trong và ngoài nước, đặc biệt là tại các hội chợ, triển lãm quy mô lớn và uy tín, tiêu biểu như: Triển lãm Vietnam Foodexpo (Việt Nam), Hội chợ Gulfood Dubai (UAE), Hội chợ Biofach (Đức), Hội chợ Anuga (Đức), Hội chợ Sial Paris (Pháp), Triển lãm Seoul Food (Hàn Quốc), Triển lãm Foodex Japan (Nhật Bản),.. qua đó, giúp tăng cường nhận biết hình ảnh thương hiệu nông sản, thực phẩm Việt Nam tại thị trường nước ngoài cũng như quảng bá hình ảnh ngành hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam đến các thị trường xuất khẩu mục tiêu và đến các đối tác, nhà nhập khẩu nước ngoài.
Bên cạnh các hoạt động trên, trong khung khổ Chương trình cấp quốc gia về XTTM, hàng năm, số lượng các đề án XTTM nông sản chiếm khoảng 30 - 35% tổng số đề án của Chương trình được Bộ Công Thương phê duyệt nhằm ưu tiên hỗ trợ ngành hàng nông sản đẩy mạnh XTTM, phát triển xuất khẩu. Đồng thời, Bộ Công Thương đã triển khai đa dạng các hoạt động XTTM hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp mở rộng thị trường, nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam, cụ thể như sau:
- Hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, ngành hàng và chính sách quản lý xuất nhập khẩu của các thị trường, tiêu biểu là các hoạt động:
+ Tổ chức trên 120 phiên tư vấn xuất khẩu trong năm 2021 và 2022 theo hình thức trực tuyến với các nội dung thông tin liên quan đến các cam kết quốc tế về các sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu với các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh và tiềm năng xuất khẩu, đặc biệt là nông sản (như lúa gạo, chè, thanh long, hạt điều, thủy sản,...) của các nước/thị trường trên thế giới (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Nga, Thụy Sĩ, các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Phi...).
+ Tổ chức chuỗi chương trình giao ban XTTM với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài định kỳ hàng tháng bắt đầu từ tháng 7/2022 nhằm chủ động cập nhật kịp thời các yêu cầu xúc tiến xuất khẩu, nhập khẩu của các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, đồng thời phổ biến thông tin, chính sách, cơ hội thị trường, phục vụ công tác tham mưu, tư vấn chính sách và điều hành hoạt động XTTM, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp giải quyết những bất cập, khó khăn về thị trường, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường xuất nhập khẩu.
- Hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá nông sản và kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, đặc biệt là tại các thị trường đã có FTA với Việt Nam như EVFTA, CPTPP, RCEP... thông qua các chương trình giao thương trực tuyến, các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài, các hội chợ chuyên ngành nông sản quốc tế...
- Hỗ trợ các địa phương phát triển đa dạng các kênh phân phối truyền thống, kênh phân phối hiện đại thông qua kết nối với các nhà phân phối, sàn giao dịch thương mại điện tử và các kênh phân phối khác trên môi trường số để tiếp cận đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước một cách hiệu quả.
- Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản có tiềm năng của địa phương thông qua hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà cung ứng địa phương áp dụng truy xuất nguồn gốc của nông sản; tập huấn nâng cao kỹ năng XTTM, kỹ năng tham gia các sự kiện XTTM, nghiên cứu thị trường, thiết kế phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản; hỗ trợ kỹ thuật, kỹ năng về chuyển đổi số trong triển khai hoạt động XTTM.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương trong công tác XTTM, phát triển thương hiệu nông sản, thực phẩm của Việt Nam, cụ thể như sau:
- Tăng cường hợp tác, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Hiệp hội ngành hàng triển khai thực hiện hiệu quả Đề án Phát triển thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
- Tăng cường phối hợp với các Bộ/Ngành, cơ quan liên quan và các địa phương trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch, chiến lược tuyên truyền, quảng bá nông sản và thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam, đặc biệt là sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản xuất khẩu.
- Tăng cường hoạt động nâng cao năng lực xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm thực phẩm cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và các địa phương, đặc biệt là các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận là đặc sản các vùng miền trên cả nước.
- Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc tăng cường các hoạt động đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu tiềm năng ở thị trường nước ngoài.
- Thường xuyên cập nhật thông tin và quy định thị trường xuất khẩu với các mặt hàng nông sản thông qua hệ thống Thương vụ để các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, chuẩn bị và có định hướng phù hợp cho việc xuất khẩu hàng nông sản sang từng thị trường.
Câu 10: Tại điểm c khoản 2, Điều 4 Thông tư 44/2022/TT-BTC ngày 21/7/2022 của Bộ Tài chính quy định đối với: “Quân nhân, cán bộ đi chiến trường B, C, K trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng...” được hưởng chế độ trợ cấp một lần. Tuy nhiên, hiện nay sức khỏe của các đối tượng này ngày càng giảm nhưng chưa được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Cử tri kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu đề xuất Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung đối tượng này được hưởng chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe hằng năm hoặc hai năm một lần.
1. Nội dung trả lời tại Văn bản số 12620/BTC-HCSN ngày 01/12/2022 của Bộ Tài chính như sau:
1. Tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 23/1999/NĐ-CP ngày 15/4/1999 của Chính phủ quy định: “Chế độ một lần theo số năm công tác, chiến đấu được tính như sau: Cứ mỗi năm công tác, chiến đấu tại chiến trường, các đối tượng nêu tại khoản 1 Điều này được hưởng 500.000 đồng (năm trăm ngàn đồng). Mức hưởng chế độ một lần thấp nhất đối với những người có thời gian từ 02 năm trở xuống là 1.000.000 đồng/người (một triệu đồng/người).”
2. Tại khoản 1 Điều 84 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định về đối tượng được hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe như sau: “Người có công quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k khoản 1 Điều 3, khoản 1, khoản 2 Điều 38 và thân nhân liệt sĩ quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh[5]”, không bao gồm quân nhân, cán bộ đi chiến trường B, C, K trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước không có thân nhân phải trực tiếp nuôi dưỡng và quân nhân, cán bộ được Đảng cử lại miền Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 theo Nghị định số 23/1999/NĐ-CP.
3. Do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 ngày 09/12/2020 về Ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP và là cơ quan tổ chức triển khai thực hiện các chính sách nêu trên. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Ban Dân nguyện chuyển kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định nêu trên đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết, trả lời cử tri theo đúng thẩm quyền.
2. Nội dung trả lời tại Văn bản số 696/LĐTBXH-VP ngày 01/3/2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội như sau:
Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng không quy định chế độ ưu đãi đối với quân nhân (kể cả quân nhân đi chiến trường B, C, K). Các chế độ ưu đãi đối với quân nhân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc do Bộ Quốc phòng chủ trì, tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. Vì vậy, đối với các kiến nghị liên quan chính sách, chế độ ưu đãi đối với quân nhân thuộc thẩm quyền trả lời của Bộ Quốc phòng để kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 44/2022/TT-BTC nêu trên.
Câu 11: Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và đề cao vai trò của người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, đây là cầu nối của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể với đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực của công tác dân tộc. Tuy nhiên, các chế độ chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là chế độ thăm hỏi, tặng quà, động viên tinh thần, chưa có phụ cấp để hỗ trợ cho hoạt động đi lại thực hiện công tác vận động, tuyên truyền. Cử tri kiến nghị Ủy ban Dân tộc nghiên cứu đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ chế độ phụ cấp hằng tháng cho người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tạo điều kiện cho các cụ yên tâm hoạt động.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 24/UBDT-CSDT ngày 06/01/2023 của Ủy ban Dân tộc như sau:
Về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, hiện nay Ủy ban Dân tộc đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp, đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đánh giá những kết quả của chính sách, Ủy ban Dân tộc sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung thực hiện chính sách đối với người có uy tín cho phù hợp trong thời gian tới, trong đó có nội dung về chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động cho người có uy tín theo như kiến nghị của tỉnh Bình Định.
Câu 12: Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc xóa bỏ tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp can thiệp, bình ổn thị trường vàng. Tuy nhiên hiện nay, giá vàng lên xuống bất thường cao hơn thế giới trên 8 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua, bán lớn, sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng và làm nảy sinh tình trạng buôn lậu vàng khó kiểm soát. Cử tri kiến nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có giải pháp hiệu quả để bình ổn giá vàng trong nước và thế giới.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 9148/NHNN-VP ngày 23/12/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như sau:
* Về mục tiêu quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24):
Nghị định 24 được ban hành nhằm thực hiện 02 mục tiêu chính như sau: Một là: tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng, đặc biệt là thị trường vàng miếng; Hai là hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế.
* Về nguyên nhân còn chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước so với giá vàng nguyên liệu và các thương hiệu vàng miếng khác:
Hiện nay, giá các loại vàng khác vàng miếng SJC, giá vàng nữ trang 9999 tương đối sát với giá vàng thế giới quy đổi. Tuy nhiên, thị trường còn tồn tại chênh lệch cao giữa giá vàng miếng SJC trong nước so với giá vàng nguyên liệu và giá các thương hiệu vàng miếng khác. Nguyên nhân như sau:
(i) Về nguyên nhân khách quan: thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu uy tín, lâu đời, được khách hàng ưa chuộng; giao dịch vàng miếng SJC chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 90%) trong tổng giao dịch mua, bán vàng miếng từ trước khi Nghị định 24 được ban hành. Sau khi triển khai Nghị định 24, bản thân thị trường tiếp tục tin tưởng và lựa chọn thương hiệu này, khiến giá và tính thanh khoản của vàng miếng SJC luôn cao hơn các thương hiệu vàng miếng khác. Đối với các thương hiệu vàng miếng khác vàng miếng SJC, khách hàng mua loại vàng này của doanh nghiệp (DN) nào từng được sản xuất trước khi Nghị định 24 ra đời, phần lớn chỉ đưa đến bán tại các địa điểm kinh doanh vàng miếng của DN đó; trong khi vàng miếng SJC được chấp nhận giao dịch rộng rãi tại tất cả các địa điểm của các DN kinh doanh vàng miếng.
(ii) Về nguyên nhân chủ quan: nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường không được bổ sung mới, chỉ là nguồn vàng trong nước sẵn có từ năm 2013 trở về trước. Để thực hiện mục tiêu hạn chế “vàng hóa” trong nền kinh tế, từ khi Nghị định 24 ban hành, NHNN chỉ tổ chức sản xuất và bán vàng miếng ra thị trường vào năm 2013, từ năm 2014 đến nay NHNN chưa bán vàng miếng can thiệp thị trường.
(iii) Bản thân các tổ chức tín dụng (TCTD), DN kinh doanh vàng có tâm lý đề phòng rủi ro. Theo báo cáo của các DN, giá vàng biến động rất khó lường, các DN thường không dự trữ sẵn lượng lớn vàng SJC, không chủ động được nguồn cung vàng miếng SJC nên thường niêm yết giá mua, bán vàng miếng SJC ở mức cao để phòng ngừa rủi ro. Đặc biệt khi giá thế giới càng xuống, chênh lệch giá vàng thường giãn rộng do nếu hạ giá vàng miếng SJC sát với giá thế giới, tâm lý mua vàng có thể gia tăng, trong khi các DN không đảm bảo đủ nguồn cung vàng miếng SJC đáp ứng thị trường.
* Về cơ sở pháp lý liên quan đến giá vàng:
- Nghị định 24 quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, đồng thời, giao NHNN tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ. Căn cứ Nghị định 24, NHNN đã ban hành Quyết định số 1623/QĐ-NHNN ngày 23/8/2012 về tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN, trong đó NHNN thuê Công ty SJC gia công vàng miếng cho NHNN dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN. Bởi vậy, chỉ khi NHNN nhập khẩu vàng nguyên liệu về để sản xuất vàng miếng và bán vàng ra thị trường (bán trực tiếp, qua đấu thầu), NHNN mới công bố giá bán vàng (được quy định rõ tại Thông tư 06/2013/TT-NHNN ngày 12/3/2013 về hướng dẫn mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của NHNN). Tuy nhiên, từ năm 2014 trở lại đây NHNN không sản xuất và bán vàng miếng SJC ra thị trường.
- Khoản 1 Điều 15 Luật giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012 quy định: “1. Hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống”. Khoản 2 Điều 15 quy định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, trong đó, vàng không nằm trong Danh mục này. Khoản 3 Điều 15 quy định “Căn cứ vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định tại Điều 18 của Luật này quyết định loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể để áp dụng biện pháp bình ổn giá phù hợp trong từng thời kỳ.”
Khoản 1 Điều 11 Luật giá số 11/2012/QH13 quy định quyền của tổ chức, cá nhân kinh doanh được: “Tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá".
Căn cứ các quy định nêu trên, giá mua, giá bán vàng miếng SJC do DN, TCTD kinh doanh vàng miếng tự niêm yết.
* Về giải pháp can thiệp thị trường vàng:
Thời gian qua, NHNN luôn theo dõi sát diễn biến thị trường vàng và đã chuẩn bị sẵn sàng giải pháp can thiệp để triển khai khi cần thiết. Tuy nhiên, qua theo dõi báo cáo của TCTD, DN kinh doanh vàng miếng, mặc dù còn chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC so với giá vàng các thương hiệu khác nhưng cung cầu vàng miếng SJC trong hệ thống thời gian qua vẫn tương đối cân bằng, người dân có xu hướng bán vàng miếng cho hệ thống TCTD và DN (theo báo cáo của TCTD và DN, trong 10 tháng đầu năm 2022 khách hàng cá nhân có xu hướng bán ròng khoảng 41.000 lượng cho toàn hệ thống). Người mua vàng miếng SJC với mức giá cao thì lúc bán cũng được giá cao; người mua các thương hiệu khác vàng miếng SJC thì mua giá thấp và bán giá thấp (giá các loại vàng này không chênh lệch nhiều so với giá vàng quốc tế). Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá có áp lực tăng nhưng chủ yếu do biến động về cung cầu ngoại tệ trong nước và diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ thế giới như chỉ số USD, lãi suất. Tuy nhiên, hoạt động trên thị trường ngoại tệ chính thức vẫn diễn ra cơ bản ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Việc NHNN can thiệp trên thị trường vàng cần được cân nhắc kỹ lưỡng vì phải sử dụng ngoại tệ từ Dự trữ ngoại hối Nhà nước để nhập khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, trên cơ sở tình hình thực tế, hiện nay NHNN chưa thực hiện can thiệp bình ổn thị trường vàng miếng SJC.
NHNN sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường vàng và triển khai can thiệp khi cần thiết; phối hợp với các Bộ, ngành chức năng có liên quan tổng kết Nghị định 24, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp, báo cáo với các cấp có thẩm quyền.
 

[1] Theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO
[2] Năm 2017 là 1,117 triệu hành khách; năm 2018 là 1,206 triệu hành khách, năm 2019 là 1,571 triều hành khách, năm 2020 là 1,502 triệu hành khách (trong đó phục vụ khoảng 1.960 khách quốc tế)
[3] Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản,…
[4] Thông báo số 173/TB-VPCP ngày 15/6/2022 của Văn phòng Chính phủ
[5] Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ điều dưỡng phục hồi sức khỏe bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993; người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày, Thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ; Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huân chương Kháng chiến

Tác giả bài viết: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây