TỔNG HỢP NỘI DUNG TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI
SAU KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV
(Theo Báo cáo số 48/BC- ĐĐBQH ngày 06/12/2022)
Câu 1: Trong thời gian qua, thực hiện việc chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi theo quy định tại Điều 21 Luật người cao tuổi như sau: “1. Người thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chúc thọ và tặng quà; 2. Người thọ 90 tuổi được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chúc thọ và tặng quà. 3. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với Hội người cao tuổi tại địa phương, gia đình của người cao tuổi tổ chức mừng thọ người cao tuổi ở tuổi 70, 75, 80, 85, 90, 95 và 100 tuổi trở lên…” dẫn đến quá tải ở ở cấp xã. Cử tri kiến nghị xem xét sửa đổi Điều 21 Luật người cao tuổi theo hướng bổ sung, phân bổ cho Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện chúc thọ và tặng quà cho người cao tuổi ở độ tuổi phù hợp để giảm gánh nặng cho cấp xã.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 723/LĐTBXH-VP ngày 01/3/2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội như sau:
Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Người cao tuổi, làm cơ sở xây dựng hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi trong thời gian thích hợp.
Câu 2: Luật Bảo hiểm y tế hiện hành quy định: “Hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú”, nội dung này đã gây khó khăn cho các hộ gia đình đông nhân khẩu, có hoàn cảnh khó khăn, không có tiền để cho tất cả các thành viên trong hộ tham gia BHYT nên không tham gia BHYT. Cử tri kiến nghị xem xét, sửa đổi quy định này của Luật Bảo hiểm y tế cho phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có điều kiện tham gia BHYT góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 849/BYT-VPB1 ngày 23/02/2023 của Bộ Y tế như sau:
Hiện nay, Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Do đó, việc người dân không tham gia bảo hiểm y tế là vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Đối với nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình theo quy định tại Điều 15 Luật Bảo hiểm y tế và khoản 7 Điều 9 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế: Quy định, định kỳ 03 tháng, 06 tháng hoặc 12 tháng người đại diện hộ gia đình hoặc thành viên hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế đóng đủ số tiền thuộc trách nhiệm phải đóng vào quỹ bảo hiểm y tế; Theo quy định Luật Bảo hiểm y tế (người thứ 2 thứ 3 thứ 4 đóng lần lượt bằng 70/60/50% mức đóng của người thứ nhất từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng người thứ nhất) nếu các thành viên hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính góp phần tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội bền vững. Mặt khác, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 7 Luật Bảo hiểm y tế việc giảm từ mức đóng của đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia được thực hiện khi các thành viên tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.
Bộ Y tế đề nghị cử tri thông tin cho người dân hiểu về chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế và vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình để được hưởng mức giảm trừ theo quy định Luật Bảo hiểm y tế.
Câu 3: Điều 18 Pháp lệnh 02/2020/UBTVQH14 của UBTVQH ngày 09/12/2020 ưu đãi người có công với cách mạng quy định các chế độ ưu đãi đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Chính sách này được các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, Pháp lệnh chỉ quy định chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ, chưa quy định chế độ thờ cúng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng khi qua đời. Cử tri kiến nghị xem xét bổ sung chế độ chính sách hỗ trợ thờ cúng Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng khi qua đời như chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 709/LĐTBXH-VP ngày 01/3/2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội như sau:
Liệt sĩ là người đã trực tiếp hy sinh bản thân vì Tổ quốc khi chưa được hưởng chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, chính sách ưu đãi người có công có những quy định riêng biệt mà không nhóm đối tượng người có công nào có như: lễ an táng, truy điệu liệt sĩ, xây dựng, quản lý các công trình ghi công liệt sĩ (nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm...) cùng với đó là chế độ thờ cúng liệt sĩ hàng năm. Bà mẹ Việt Nam anh hùng là thân nhân liệt sĩ, khi còn sống được hưởng đầy đủ chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ, ngoài ra Bà mẹ Việt Nam anh hùng được công nhận khi còn sống được hưởng thêm ưu đãi như phụ cấp, trợ cấp người phục vụ đối với người được phong tặng danh diệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Khi bà mẹ từ trần thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng phí và trợ cấp một lần.
Việc xem xét, bổ sung thêm chế độ thờ cúng đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng như chế độ thờ cúng liệt sĩ là chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong tổng thể mặt bằng chính sách chung giữa các đối tượng.
Câu 4: Theo quy định tại Điều 38 và Điều 39 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 thì “người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huân chương Kháng chiến được hưởng trợ cấp hằng tháng, trường hợp sống cô đơn thì được hưởng thêm trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng”; nhưng “người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huy chương Kháng chiến thì chỉ được hưởng trợ cấp một lần”. Cử tri kiến nghị xem xét, điều chỉnh quy định, tạo điều kiện cho người được tặng Huy chương kháng chiến được hưởng trợ cấp hằng tháng như người được tặng Huân chương kháng chiến.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 709/LĐTBXH-VP ngày 01/3/2023 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội như sau:
Chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng được xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, theo mức độ đóng góp, công lao cống hiến, hy sinh của từng diện đối tượng và cân đối trong mặt bằng chính sách nói chung.
Do vậy việc xem xét, điều chỉnh quy định, tạo điều kiện cho người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Huy chương kháng chiến được hưởng trợ cấp hằng tháng như người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Huân chương kháng chiến theo cử tri kiến nghị là chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong tổng thể mặt bằng chính sách chung giữa các đối tượng.
Câu 5: Hiện nay, những người được hưởng chế độ theo Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế, khi đi khám bệnh, chữa bệnh có mức hưởng bảo hiểm y tế là 80% (mã hưởng bảo hiểm y tế là 4) chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh nâng mức hưởng bảo hiểm y tế cho đối tượng này là 100% (mã hưởng bảo hiểm y tế là 2) chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế như đối với người có công với cách mạng, cựu chiến binh.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 849/BYT-VPB1 ngày 23/02/2023 của Bộ Y tế như sau:
Theo quy định khoản 5, Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, các đối tượng thanh niên xung phong; cán bộ, chiến sĩ Công an, dân công hoả tuyến... đã được giải quyết hưởng chế độ theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật được ngân sách nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế, khi đi khám chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 80% chi phí khám chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi được hưởng.
Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có đề xuất nâng mức hưởng bảo hiểm y tế từ 80% lên 100% của đối tượng quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính tiếp thu hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Câu 6: Theo quy định tại điểm a, Điều 5, Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, mỗi học sinh được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm/học sinh, mức hỗ trợ này chia cho mỗi bữa ăn là quá thấp, trong khi giá cả sinh hoạt ngày càng tăng cao, khó đảm bảo chất lượng mỗi bữa ăn cho học sinh bán trú. Cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm, sửa đổi chính sách theo hướng nâng mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú đang học tại Trường phổ thông dân tộc bán trú đảm bảo phù hợp với thời giá hiện nay.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 1167/BGDĐT-VP ngày 21/3/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023; Quyết định số 4626/QĐ-BGDĐT ngày 29/12/2022 của Bộ GDĐT về việc ban hành Chương trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề án và quyết định cá biệt của Bộ GDĐT năm 2023, Bộ GDĐT đang xây dựng Nghị định quy định chính sách cho học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có học sinh hưởng chính sách (thay thế Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT).
Trong quá trình xây dựng Nghị định, Bộ GDĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ cho phù hợp với thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách của Nhà nước.
Câu 7: Trong năm học 2022-2023, mức đóng bảo hiểm y tế cho đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV) là 563.220 đồng/năm/HSSV. Tuy nhiên, đối với các em HSSV thuộc hộ gia đình ở vùng nông thôn, miền núi có mức sống trung bình (không thuộc các hộ nghèo, gia đình chính sách) thì mức đóng bảo hiểm y tế như trên là quá cao. Đề nghị Chính phủ quan tâm, xem xét giảm mức đóng bảo hiểm y tế hoặc có chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thuộc các gia đình ở vùng nông thôn, miền núi có mức sống trung bình để góp phần đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia bảo hiểm y tế.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 849/BYT-VPB1 ngày 23/02/2023 của Bộ Y tế như sau:
Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng (trong đó có học sinh, sinh viên) thì không áp dụng giảm trừ mức đóng theo quy định đối với nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình. Pháp luật về bảo hiểm y tế hiện nay cũng chưa quy định về hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế đối với học sinh, sinh viên thuộc các gia đình ở vùng nông thôn, miền núi có mức sống trung bình (không thuộc các hộ nghèo, gia đình chính sách). Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, trình cấp có thẩm quyền khi xây dựng Đề án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.
Câu 8: Tuyến đường tránh của Quốc lộ 1A đi qua xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định có một số cầu, cống với khẩu độ hẹp. Khi vào mùa mưa lũ thường tạo dòng chảy xiết gây ngập úng, sa bồi, thuỷ phá diện tích đất lúa của nhân dân và hệ thống kênh mương thuỷ lợi. Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, mở rộng khẩu độ, xây dựng bể tiêu năng một số cầu, cống trên tuyến tránh Quốc lộ 1A nhằm giảm sa bồi thủy phá khi vào mùa mưa lũ.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 2094/BGTVT-KCHT ngày 03/3/2023 của Bộ Giao thông vận tải như sau:
Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2023[1], trong đó có dự án sửa chữa hư hỏng, xử lý chống ngập đoạn Km1203+500-Km1204, tuyến tránh thị xã An Nhơn, QL.1, tỉnh Bình Định. Hiện Khu Quản lý đường bộ III đã phê duyệt dự án[2], trong đó thực hiện giải pháp cải tạo trắc dọc, nâng cao độ mặt đường đoạn Km1203+200 – Km1204+240 để đảm bảo cao độ mặt đường sau khi cải tạo cao hơn mực nước lũ lớn nhất, kết hợp cải tạo khẩu độ cống ngang tại Km1203+338 và Km1203+963 bằng cống hộp 2 cửa kích thước (2x2)m; bổ sung cống ngang tại Km1203+862 bằng cống hộp 2 cửa kích thước (2x2)m và nối dài cống tròn D100 tại Km1203+630 và Km1203+716.
Theo báo cáo của Cục ĐBVN, hiện nay trên đoạn tuyến QL.1 (tuyến tránh và tuyến cũ) thuộc địa bàn thị xã An Nhơn tình trạng san lấp mặt bằng, phát triển hạ tầng, khu đô thị ở khu vực hai bên thượng, hạ lưu QL.1 làm thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến khả năng tiêu thoát nước của khu vực, gây ngập úng QL.1. Mặc dù, các đơn vị quản lý đường bộ đã có văn bản đề nghị và địa phương xử lý đối với các công trình vi phạm trong HLATĐB, nhưng tình trạng trên vẫn chưa được xử lý triệt để, còn tồn tại và tiếp diễn. Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo kiểm tra xử lý triệt để vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời, có giải pháp thoát nước đảm bảo ổn định, lâu dài cho khu vực hai bên tuyến QL.1 qua địa bàn thị xã An Nhơn.
Câu 9: Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét cho đấu nối đường đi từ Quốc lộ 1A vào khu tái định cư khu phố 5 phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và lưu thông hàng hoá; đồng thời, chỉ đạo ngành chức năng khảo sát lắp đặt các biển báo hiệu về an toàn giao thông tại vị trí trên.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 1846/BGTVT-KCHT ngày 27/02/2023 của Bộ Giao thông vận tải như sau:
1. Về đấu nối đường đi từ QL.1 vào khu tái định cư khu phố 5 phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn:
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2021/NĐ-CP ngày 22/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010. Tiếp theo, ngày 31/12/2021, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015. Nội dung của Nghị định số 117/2021/NĐ-CP và Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT đã điều chỉnh quy định về đấu nối vào quốc lộ; theo đó không yêu cầu lập và điều chỉnh quy hoạch tổng thể đấu nối đường nhánh vào quốc lộ trên địa bàn tỉnh. Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 117/2021/NĐ-CP, việc đấu nối vào quốc lộ thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tuân thủ nguyên tắc, yêu cầu đấu nối vào quốc lộ theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT (khoản 3 Điều 1 Thông tư số 39/2021/TT-BGTVT).
Đề nghị UBND tỉnh Bình Định xem xét quyết định việc đấu nối đường đi từ QL.1 vào khu tái định cư khu phố 5 phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn theo thẩm quyền để giải quyết kiến nghị của cử tri.
2. Về lắp đặt các biển báo hiệu đường bộ tại vị trí đấu nối nêu trên:
Trên cơ sở quyết định đấu nối vào quốc lộ của UBND tỉnh Bình Định, trong quá trình chấp thuận hồ sơ thiết kế kỹ thuật nút giao, cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền sẽ xem xét bổ sung đầy đủ các biển báo hiệu đường bộ cần thiết để đảm bảo an toàn cho các phương tiện và người tham gia giao thông đi qua nút giao trước khi cấp phép thi công nút giao đấu nối vào quốc lộ.
Câu 10: Hiện nay, tuyến đường Quốc lộ 1A, Quốc lộ 19C trên địa tỉnh Bình Định bị xuống cấp, hư hỏng nặng sau nhiều đợt mưa lớn, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, các chủ đầu tư dự án BOT chưa thực hiện sửa chữa, nâng cấp mà vẫn tiến hành thu phí. Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm thực hiện sữa chữa, khắc phục và tạm dừng thu phí khi chưa sửa chữa, khắc phục xong các tuyến đường này.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 2131/BGTVT-KCHT ngày 03/3/2023 của Bộ Giao thông vận tải như sau:
Trong thời gian qua, khu vực Nam Trung Bộ bị ảnh hưởng nặng nề của các cơn bão số 4, 5 và các đợt mưa lớn kéo dài liên tục từ tháng 9/2022 đến cuối năm, tình trạng hư hỏng trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Bình Định (QL.1, QL.19, QL.19B, QL.19C) tiếp tục phát sinh trên diện rộng. Ngày 08/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã trả lời chất vấn[3] của Đại biểu Quốc hội Lý Tiết Hạnh, trong đó có kiến nghị sửa chữa, khắc phục hư hỏng trên QL.1, QL.19 và dừng thu phí ở những đoạn hư hỏng nghiêm trọng trên địa bàn đến khi khắc phục xong mới tiếp tục thu phí qua trạm BOT. Bộ GTVT cập nhật những nội dung Thủ tướng Chính phủ đã trả lời chất vấn nêu trên và việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo với cử tri như sau:
1. Về kiến nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm thực hiện sữa chữa, khắc phục QL.1, QL.19C:
Để bảo vệ công trình, sửa chữa đồng bộ và xử lý hư hỏng phát sinh trên tuyến, đảm bảo an toàn, ổn định công trình, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục ĐBVN, các doanh nghiệp dự án BOT khẩn trương khắc phục các hư hỏng phát sinh ngay sau khi có điều kiện thời tiết thuận lợi nhằm đảm bảo an toàn giao thông. Trong điều kiện chưa thể thi công khi thời tiết đang mưa lũ, yêu cầu các đơn vị quản lý tuyến đường tăng cường công tác bảo dưỡng thường xuyên, trám vá tạm thời các hư hỏng lớn, chia ca kíp làm việc 24h/24h các ngày trong tuần để khắc phục hậu quả thiên tai, mưa bão.
Theo báo cáo của Cục ĐBVN[4], đối với các hư hỏng mặt đường trên đoạn tuyến QL.1, QL.19C theo phản ánh của cử tri tỉnh Bình Định nêu trên (do Cục ĐBVN quản lý), Bộ GTVT đã phê duyệt Kế hoạch bảo trì hệ thống quốc lộ năm 2023[5] và bố trí nguồn kinh phí để triển khai thực hiện trong năm 2023. Hiện nay, các đơn vị quản lý đường bộ, chủ đầu tư dự án (Khu Quản lý đường bộ III, Sở GTVT Bình Định) đang tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định để triển khai thi công sửa chữa hoàn thành trước mùa mưa năm 2023.
Đối với các đoạn tuyển QL.1, QL.19 được đầu tư theo hình thức BOT, Cục ĐBVN đang xem xét thỏa thuận bổ sung kinh phí sửa chữa định kỳ, đột xuất đối với các doanh nghiệp dự án làm cơ sở để triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2023[6].
2. Về kiến nghị tạm dừng thu phí khi chưa sửa chữa, khắc phục xong các tuyến quốc lộ nêu trên:
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền và doanh nghiệp dự án trong việc bảo đảm cung cấp dịch vụ. Các trường hợp tạm dừng thu phí qua trạm thu phí BOT đã được Bộ GTVT quy định cụ thể tại Thông tư số 45/2021/TT-BGTVT ngày 31/12/2021.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ GTVT chỉ đạo Cục ĐBVN thực hiện theo đúng thẩm quyền về tạm dừng thu phí khi Doanh nghiệp dự án BOT, đơn vị quản lý thu vi phạm chất lượng bảo trì công trình đường bộ để xảy ra các tình huống có nguy cơ mất an toàn giao thông nhưng không triển khai khắc phục kịp thời.
Câu 11: Theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì số lượng biên chế xã loại 1 là 23 người, xã loại 3 từ 19 người. Tuy nhiên, khối lượng công việc của các xã rất nhiều, do đó cử tri kiến nghị Bộ Nội vụ quan tâm xem xét tăng số lượng biên chế cho các xã theo hướng: biên chế xã loại 1 từ 23 người lên 25 người, xã loại 3 từ 19 người lên 21 người. Đồng thời, xem xét bổ sung quy định chức danh Bí thư, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm chứ không bắt buộc phải giảm 01 biên chế mới được hưởng phụ cấp.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 814/BNV-CQĐP ngày 01/3/2023 của Bộ Nội vụ như sau:
Bộ Nội vụ đang tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và cử tri (trong đó có cử tri tỉnh Bình Định) để trình cấp có thẩm quyền xem xét hoàn thiện thể chế về số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố cho phù hợp. Trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành của pháp luật, đề nghị tỉnh Bình Định thực hiện số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Câu 12: Thực hiện cải cách giáo dục theo chương trình sách giáo khoa mới trong thời gian qua gây nhiều khó khăn cho người dạy, người học và phụ huynh. Cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, triển khai thực hiện chương trình cải cách giáo dục phù hợp với thực tiễn và hướng dẫn việc sử dụng sách giáo khoa trong các trường phổ thông thống nhất trong toàn quốc; đồng thời, có giải pháp nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giáo viên đáp ứng với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới; phối hợp với Bộ Nội vụ có chính sách, chế độ ưu đãi đối với giáo viên, hạn chế tình trạng bỏ việc và có giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay.
Nội dung trả lời tại Văn bản số 1167/BGDĐT-VP ngày 21/3/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:
1. Nghiên cứu, triển khai thực hiện chương trình cải cách giáo dục phù hợp với thực tiễn
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cụ thể hoá mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống và tự học suốt đời, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, có động lực xây dựng cuộc sống có ý nghĩa cho bản thân và xã hội. Chương trình được xây dựng theo hướng "mở" (chỉ quy định số tiết/năm học) đòi hỏi giáo viên phải tham gia xây dụng phân phối chương trình, cùng nhà trường và tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học.
Để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT đã xây dựng và ban hành Quyết định số 4660/QĐ-BGDĐT ngày 04/12/2019 ban hành danh mục các mô dun bồi dưỡng giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán để thực hiện công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông (với 54 mô dun). Đồng thời, trong quá trình triển khai, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH ngày 19/4/2022 hướng dẫn các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và tổ chức dạy học các môn học/hoạt động giáo dục phù hợp với thực tiễn của nhà trường.
Hằng năm, Bộ GDĐT ban hành văn bản hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với từng cấp học (hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với giáo dục tiểu học; hướng dẫn nhiệm vụ năm học đối với giáo dục trung học) để hướng dẫn cụ thể các cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với từng cấp học.
2. Về sử dụng chung một bộ sách giáo khoa (SGK) trên toàn quốc
Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã quy định: "Sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học".
Luật Giáo dục 2019 quy định: "Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội".
Như vậy, nội dung sách giáo khoa đóng vai trò là "học liệu" (không phải là nguồn kiến thức duy nhất) để tổ chức hoạt động dạy học; dạy học theo nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình; mỗi môn học có nhiều SGK. Một chương trình, nhiều sách giáo khoa là giải pháp quan trọng để thay đổi mục tiêu dạy học từ "truyền thụ kiến thức" sang dạy học "phát triển năng lực".
Vai trò của sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới[7] đã khác so với sách giáo khoa hiện hành[8]. Các sách giáo khoa khác nhau được biên soạn với ngữ liệu, hình ảnh, cấu trúc khác nhau nhưng đều có chung mục tiêu là cụ thể hóa chương trình, nhằm đáp ứng yêu cầu cần đạt đối với từng nội dung giáo dục được quy định trong chương trình. Sách giáo khoa được ban hành đưa vào sử dụng đều đảm bảo chất lượng vì được biên soạn, thẩm định theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 (Thông tư số 33) và Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT, Thông tư số 05/2022/TT- BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm theo Thông tư số 33 của Bộ trưởng Bộ GDĐT.
Thực hiện lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới (theo Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội), căn cứ vào danh mục sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt, các địa phương lựa chọn sách giáo khoa các nhà xuất bản có sách giáo khoa được các địa phương lựa chọn hướng dẫn việc sử dụng sách giáo khoa.
3. Về việc phối hợp với Bộ Nội vụ có chính sách, chế độ ưu đãi đối với giáo viên, hạn chế tình trạng bỏ việc và có giải pháp giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ như hiện nay
Trong những năm gần đây, Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành, đề xuất ban hành các chính sách, chế độ ưu đãi đối với giáo viên như: giáo viên được tính hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, có chính sách riêng giáo viên vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giáo viên dạy trẻ khuyết tật, dạy lớp ghép, giáo viên đặc thù,... Tuy nhiên, lương giáo viên còn thấp nên chưa cải thiện nhiều mức sống của giáo viên. Thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Bộ GDĐT đã phối hợp với các bộ/ngành liên quan đề xuất chính sách tiền lương mới theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Trước mắt, Bộ GDĐT đang trình Chính phủ điều chỉnh mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhà giáo nhằm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, hạn chế tình trạng bỏ việc.
Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng đã phối hợp với Bộ Nội vụ trong việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, như: hướng dẫn các địa phương giải quyết tình trạng thừa giáo viên, đề xuất Bộ Chính trị bổ sung biên chế giáo viên... Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, các địa phương cần có các giải pháp đồng bộ như: tổ chức tuyển dụng hết số biên chế được giao, có chính sách hỗ trợ về kinh phí, nhà công vụ và các chính sách khác để thu hút giáo viên.
Quyết định số 1657/QĐ-BGTVT ngày 16/12/2022 của Bộ GTVT
Quyết định số 383/QĐ-KQLĐB III ngày 07/12/2022 của Khu quản lý đường bộ III
Công văn số 27/TTg-CN ngày 08/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Văn bản số 697/CĐBVN-TCHC ngày 08/02/2023 của Cục ĐBVN.
Quyết định số 1657/QĐ-BGTVT ngày 16/12/2022 của Bộ GTVT.
Theo báo cáo tại Văn bản số 697/CĐBVN-TCHC ngày 08/02/2023 của Cục ĐBVN, đối với các đoạn tuyến QL.1 được đầu tư theo hình thức BOT, do doanh nghiệp dự án trực tiếp quản lý, bảo trì, khai thác:
(1), Đoạn tuyến Km1125-Km1143+270; Km1148+582- Km1153 thuộc Dự án BOT Km1125-Km1153, tỉnh Bình Định do Công ty CP BOT Bắc Bình Định Việt Nam quản lý khai thác: Hiện trạng mặt đường phát sinh hư hỏng khoảng 116.000m2. Năm 2022, dự án được sửa chữa trùng tu với diện tích sửa chữa xử lý cục bộ hư hỏng mặt đường khoảng 52.000m2. Doanh nghiệp dự án BOT đang tiếp tục xử lý khoảng 13.000m2. Diện tích hư hỏng còn lại, doanh nghiệp dự án BOT đang lập hồ sơ thiết kế và dự toán để trình cơ quan có thẩm quyền thỏa thuận để triển khai sửa chữa đảm bảo tiến độ, chất lượng
(2). Đối với đoạn Km1212+400-Km1218+850; Km1230+700-Km1243, QL.1, tỉnh Bình Định thuộc Dự án BOT QL.1 do Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Định quản lý khai thác: Hiện nay, doanh nghiệp dự án BOT đã khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo giao thông bước 1 năm 2022 với khối lượng 2.455 m2. Đối với dự án sửa chữa định kỳ (trung tu lần I theo Phương án tài chính của dự án): Doanh nghiệp dự án BOT đang triển khai thực hiện dự kiến hoàn thành trước 30/4/2023. BỘ GTVT, Cục ĐBVN cũng đang xem xét đề xuất của doanh dự án về việc khắc phục hậu quả bão lũ (bước 2) và tăng cường kết cấu áo đường để tiếp tục triển khai thực hiện, hoàn thành trước mùa mưa năm 2023.
Chương trình giáo dục phổ thông được ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT
Chương trình giáo dục phổ thông được ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT