Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri Bình Định trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối
Thứ năm - 19/08/2021 07:37
Câu hỏi: Cử kiến nghị xem xét tăng lương với tỉ lệ cao hơn cho nhóm đối tượng là những người nghỉ hưu từ tháng 4 năm 1993 trở về trước, vì hiện nay phần lớn những người nghỉ hưu từ tháng 4 năm 1993 về trước nếu còn sống thì đã lớn tuổi, thường xuyên bị bệnh tật, tỷ lệ mức tăng lương hưu, trợ cấp như hiện nay không đủ đảm bảo cuộc sống.
Trả lời:(Theo văn bản số 1685/LĐTBXH-VP ngày 08/6/2021) Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội “mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội”, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính trên cơ sở mức tiền lương tháng làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội và thời gian người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, mức lương hưu của người lao động cao hay thấp tùy thuộc vào thời gian đóng và mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi còn làm việc.
Thông qua việc điều chỉnh lương hưu thời gian qua, đời sống của người nghỉ hưu đã từng bước được cải thiện. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã quan tâm hơn đối với những người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp và thực hiện các biện pháp nhằm giảm bớt chênh lệch lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ. Tuy nhiên, do chính sách tiền lương, chính sách cán bộ, chính sách bảo hiểm xã hội ở nước ta đã trải qua rất nhiều giai đoạn cải cách, thay đổi nên vẫn tồn tại chênh lệch nhất định trong lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ.
Ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó chỉ rõ: “lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước; quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ”.
Triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định..
Câu hỏi: Cử tri kiến nghị bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét điều chỉnh giảm tuổi hưởng chế độ người cao tuổi từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi. Đồng thời, không nên phân biệt đối tượng hưởng trợ cấp người cao tuổi đối với những người được hưởng lương, trợ cấp hàng tháng như hiện nay; xem xét quy định giảm tuổi người có công được hưởng chế độ trợ cấp đối với người cao tuổi xuống dưới 80 tuổi vì đây là những người đã tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, hiện nay chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng thực hiện theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của đối tượng.
Trả lời: (Theo văn bản số 1688/LĐTBXH-VP ngày 08/6/2021) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
- Về hạ tuổi hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi:
Ngày 15/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP), trong đó đã quy định “Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc quy định tại điểm a khoản này đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn” được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021, sẽ góp phần bảo đảm đời sống của người cao tuổi gặp khó khăn. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Người cao tuổi.
- Về mức chuẩn trợ giúp xã hội:
Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, theo đó đã nâng quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 270.000 đồng/người/tháng lên 360.000 đồng/người/tháng. Nghị định số 20/2021/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021, sẽ góp phần bảo đảm đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội nói chung, người cao tuổi nói riêng.
- Về kiến nghị không phân biệt đối tượng hưởng trợ cấp người cao tuổi đối với người hưởng lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Người cao tuổi, đối tượng người cao tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng. Đây là chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có nguồn thu nhập nhằm hỗ trợ người cao tuổi bớt khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên đã có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng thì không được hưởng. Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận, tổng hợp kiến nghị nêu trên của cử tri để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Người cao tuổi.
- Đối với đề nghị giảm độ tuổi người có công hưởng trợ cấp người cao tuổi, do đây là hai chính sách độc lập, nên kiến nghị của cử tri chưa thể thực hiện được./.
Tác giả bài viết: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh