Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ
Cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông đến người lao động để giảm tình trạng rút BHXH một lần và áp dụng công nghệ thông tin để thông báo người dân tiếp cận, theo dõi, quản lý thông tin về việc đóng BHXH của từng người.
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM TRẢ LỜI
1. Về tăng cường công tác thông tin, truyền thông đến người lao động để giảm tình trạng rút BHXH một lần
a) Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương đăng tải khoảng 47.200 tin, bài, phóng sự... về BHXH, BHYT trên các phương tiện thông tin đại chúng; trong có có hàng ngàn tin bài về BHXH một lần và những thiệt thòi khi người lao động nhận BHXH một lần.
b) Trong bối cảnh số người nhận BHXH một lần có xu hướng tăng từ năm 2022 đến nay, nhằm đảm bảo quyền lợi lâu dài, bền vững cho người lao động, BHXH Việt Nam đã ban hành Công văn số 932/BHXH-TT gửi BHXH 63 tỉnh, thành phố hướng dẫn về việc tăng cường, đẩy mạnh công tác truyền thông tới người lao động về những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần. Theo đó, toàn ngành BHXH Việt Nam từ Trung ương đến địa phương (tỉnh, thành phố, quận, huyện) đã đẩy mạnh truyền thông chính sách nhằm hạn chế rút BHXH một lần, cụ thể:
- Tập trung nội dung truyền thông nhằm hạn chế rút BHXH một lần như: Quyền, lợi ích, giá trị nhân văn của các chính sách BHXH (đặc biệt là lợi ích của lương hưu và tấm thẻ BHYT được phát miễn phí để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian được hưởng lương hưu cho người lao động khi đủ tuổi về hưu); những thiệt thòi với người lao động khi nhận BHXH một lần; các gương “người thật, việc thật” đã từng nhận BHXH một lần, nay có nguyện vọng được nộp lại tiền để được nhận lương hưu hằng tháng hoặc những người nghỉ hưu đang được nhận lương hưu hằng tháng để trang trải cuộc sống và có thẻ BHYT được cấp miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để chăm sóc sức khỏe;...
- Triển khai đa dạng, linh hoạt các phương thức truyền thông nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người lao động như: Duy trì việc truyền
thông, vận động trực tiếp tại bộ phận một cửa của cơ quan BHXH cấp tỉnh/huyện khi người dân đến làm thủ tục nhận BHXH một lần và Tổng đài chăm sóc khách hàng của Ngành (thực tế tại bộ phận một cửa cho thấy: mặc dù đã được cán bộ một cửa của cơ quan BHXH tư vấn kỹ, người dân cũng hiểu rõ về những quyền lợi khi tham gia BHXH cũng như những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần nhưng do mất việc làm, quả khó khăn về kinh tế nên đa phần người dân, mặc dù không muốn nhưng buộc phải lựa chọn rút BHXH một lần, chỉ có một bộ phận người dân đồng ý bảo lưu thời gian tham gia BHXH); đẩy mạnh truyền thông qua hệ thống Cổng Thông tin điện tử/Fanpage Facebook/ Zalo OA của BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, trên Tạp chí BHXH; phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường truyền thông cảnh báo tới người lao động; phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương tăng cường tổ chức các hội nghị, các buổi tọa đàm, đối thoại,... với người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của các tỉnh; tăng cường tần suất phát thanh qua hệ thống truyền thanh xã phường; đẩy mạnh truyền thông qua các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương; chú trọng triển khai truyền thông trên môi trường Internet, mạng xã hội; tăng cường sản xuất các sản phẩm truyền thông như tờ rơi, motion graphic, Infographic, file phát thanh, tiểu phẩm phát thanh/truyền hình;...
- Đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc phối hợp truyền thông sâu rộng tới người lao động về những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần; góp phần lan tỏa, nâng cao nhận thức của người lao động về những thiệt thòi khi hưởng BHXH một lần, từ đó đã có thêm nhiều người lao động chủ động bảo lưu thời gian tham gia BHXH để khi có việc làm/có điều kiện sẽ tiếp tục tham gia hoặc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, không rời khỏi lưới an sinh.
c) Qua phân tích, có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến người lao động rút BHXH một lần. Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thực hiện trong tháng 4/2023 được Báo VnExpress đăng tải: 77% người lao động rút BHXH một lần do không có việc làm, mất thu nhập, cần tiền cho nhu cầu trước mắt; 14% người lao động lo lắng tính ổn định của chính sách và có 05% là do các lý do khác. Như vậy, để hạn chế rút BHXH một lần, cùng với việc tăng cường truyền thông chính sách, cần có hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện: chính sách lao động việc làm, thu nhập; hỗ trợ tín dụng; sửa đổi chính sách BHXH theo hướng tăng cường quyền lợi khi ở lại hệ thống BHXH...
d) Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan thông tấn báo chí tăng cường truyền thông chính sách, hạn chế rút BHXH một lần với nội dung phong phú, hình thức đa dạng như:
- Về nội dung: tiếp tục truyền thông khẳng định chính sách BHXH hiện tại và các phương án rút BHXH một lần trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi đều nhằm mục đích là đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động; về những thiệt thòi khi người lao động lựa chọn rút BHXH một lần; lợi ích, ý nghĩa, giá trị của việc nhận lương hưu hằng tháng và thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian
được hưởng lương hưu; các gương “người thật, việc thật”;... để vận động, khuyến khích người lao động chủ động bảo lưu thời gian đã đóng BHXH hoặc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo quyền lợi an sinh lâu dài cho bản thân.
- Về hình thức: Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên môi trường Internet, mạng xã hội và qua các phương tiện truyền thông của Ngành để thông tin đến với người dân, đảm bảo từ sớm, từ xa. Đồng thời, tăng cường hình thức truyền thông trực tiếp tại bộ phận “một cửa”, tại các hội nghị truyền thông, tư vấn, đối thoại,... cho người lao động.
2. Về nội dung áp dụng công nghệ thông tin để thông báo người dân tiếp cận, theo dõi, quản lý thông tin về việc đóng BHXH của từng người
a) Với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ, từng bước hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ của Ngành, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Theo đó, việc chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ của Ngành đã được triển khai quyết liệt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, được các cấp các ngành cùng cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận, đánh giá cao.
b) Về thông báo để người lao động tiếp cận, theo dõi, quản lý thông tin đóng BHXH của từng người, cơ quan BHXH hiện đang thực hiện qua các kênh như sau:
Qua Số BHXH và Tờ rời số BHXH xác nhận quá trình đóng BHXH, BHTN hàng năm cho từng người lao động, do cơ quan BHXH gửi người tham gia trước ngày 31/3 hằng năm.
Qua chức năng Quá trình tham gia trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”. Đồng thời, ứng dụng VssID còn có chức năng tự động gửi thông báo cho người lao động về thời gian chưa đóng BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (BH TNLĐ-BNN) của đơn vị sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật BHXH năm 2014 từ 30 ngày trở lên. Lưu ý: Người tham gia cần có tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan BHXH để đăng nhập vào ứng dụng.
- Qua chức năng Tra cứu trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam tại địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn. Lưu ý: Để tra cứu, ngoài việc phải biết được thông tin cá nhân (mã số BHXH, Họ tên, số CMND/CCCD của người tham gia), người tham gia còn phải xác thực bằng mã OTP được gửi vào email (đã được đăng ký với cơ quan BHXH).
Qua Thông báo đóng BHXH, BHYT, BHTN, BH TNLĐ-BNN của người lao động (theo Mẫu C13-TS) do BHXH các tỉnh cung cấp cho các đơn vị sử dụng lao động để công khai tại đơn vị trước ngày 31/3 hàng năm.
- Đối với người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT: Ngay khi người tham gia nộp tiền đóng cho nhân viên Tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT, người tham gia sẽ được nhận Mã xác nhận và thông tin (Họ và tên, mã số BHXH, ngày nộp tiền, số tiền đóng, ...) do Tổ chức dịch vụ thu cung cấp theo một trong các hình thức sau: thông báo trực tiếp; qua tin nhắn; qua email; bản giấy,... Trên cơ sở đó, người tham gia có thể chủ động thực hiện tra cứu thông tin chi tiết trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam.
c) Thông qua các hình thức cung cấp thông tin về quá trình tham gia BHXH, BHYT nêu trên của cơ quan BHXH, giúp người dân, người lao động có thể chủ động, kịp thời theo dõi, tra cứu, kiểm soát thông tin đóng BHXH, nhằm tự giám sát và đảm bảo đầy đủ quyền lợi an sinh của bản thân; cơ quan BHXH cũng có thêm công cụ để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn việc thu và tiền đóng BHXH, BHYT của người tham gia nhằm công khai, minh bạch thông tin, bảo đảm hiệu quả quyền lợi của người tham gia theo đúng nguyên tắc đóng - hưởng.
d) Thông tin về quá trình đóng BHXH của người tham gia được cung cấp, tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam và ứng dụng VssID được đảm bảm an toàn, bảo mật thông tin theo đúng quy định hiện hành.
(Theo Văn bản số 2534/BHXH-TT ngày 16/8/2023)