TỔNG HỢP TRẢ LỜI Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI CỦA CÁC BỘ, NGÀNH TRUNG ƯƠNG (gửi đến sau kỳ họp 5, Quốc hội khóa XV)

Thứ tư - 29/11/2023 07:47
Câu 1. Cử tri cho rằng: Tiêu chuẩn xét tặng Danh hiệu “Nghệ sỹ nhân dân”, “Nghệ sỹ ưu tú” theo điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng (2022) còn mang tính định tính, kiến nghị Chính phủ khi sửa đổi Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT để thay thế Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP cần cụ thể hóa các tiêu chuẩn này, đảm bảo các nghệ sỹ được tặng danh hiệu phải thực sự xứng đáng về đạo đức, tài năng, giá trị cống hiến nghệ thuật và được công chúng ghi nhận.
Trả lời: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời tại văn bản số 4087/BVHTTDL-VP ngày 29/9/2023 như sau: 
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng dự thảo Nghị định quy định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”, trong đó có nội dung cụ thể hóa tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” theo quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 66 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân và các cơ quan, đơn vị có liên quan, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định và gửi Bộ Tư pháp thẩm định. 
 Câu 2. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành, bên cạnh việc tuân thủ các quy định pháp luật của cá nhân, tổ chức trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, cũng còn có những hành vi vi phạm pháp luật như: phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; xâm hại đạo đức xã hội; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; trục lợi. Trong khi đó, hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo chưa được xử lý hoặc không thể xử lý do chưa có quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm có quy định cụ thể, rõ ràng để xử lý các trường hợp vi phạm.
Trả lời: Bộ Nội vụ trả lời tại văn bản số 5490/BNV-TGCP ngày 25/9/2023 như sau: 
Sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo (sau đây gọi tắt là Luật) được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 18/11/2016, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo (gọi tắt là Nghị định xử phạt) nhằm xử lý những hành vi vi phạm pháp luật như: phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để xâm phạm trật tự, an toàn xã hội; xâm hại đạo đức xã hội; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; trục lợi và các hành vi vi phạm khác. 
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định xử phạt, Bộ Nội vụ nhận được nhiều ý kiến tham gia, phản hồi về tác động xã hội khi ban hành Nghị định, qua đó dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tác động đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, một số quy định trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo là cơ sở để xác định hành vi vi phạm trong Nghị định xử phạt chưa được ban hành. Chính vì vậy, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục đánh giá tác động để đảm bảo các quy định xử phạt phù hợp với thực tiễn. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định xử phạt vào thời điểm thích hợp sau khi ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP. 
Câu 3. Cử tri kiến nghị: Nước ta có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, sản xuất nông nghiệp, quá trình hội nhập quốc tế mang lại những cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sang các nước khác. Tuy nhiên, phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ đang là vấn đề hạn chế của nông nghiệp, dẫn đến nhiều hệ lụy như: Việc sử dụng vật tư đầu vào còn tốn kém; lợi nhuận không ổn định; cản trở áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; sản phẩm sản xuất ra với các chất lượng khác nhau và rất khó cho các doanh nghiệp để tổ chức thu mua, tiêu thụ khi cần một sản lượng lớn, đồng đều chất lượng... Cử tri mong muốn Chính phủ có các giải pháp, chính sách hình thành các vùng sản xuất lớn để có lợi thế xuất khẩu, nâng cao tính cạnh tranh của mặt hàng nông sản và tăng thu nhập cho người nông dân.
Trả lời: Bộ Nông nghiệp và PTNT trả lời tại văn bản 6547/BNN-KH như sau: 
1. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá  trị gia tăng và năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp, mở rộng thị trường  xuất khẩu nông sản sang các nước khác, tranh thủ cơ hội thuận lợi từ quá trình  hội nhập quốc tế mang lại, cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho nông  dân; những năm trước khi có Luật Quy hoạch 2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, trình cấp có  thẩm quyền phê duyệt hoặc trực tiếp phê duyệt; rà soát, điều chỉnh các quy  hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp; đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính  sách, đầu tư phát triển nhằm hỗ trợ các địa phương xây dựng, hình thành nhiều  mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập  trung, quy mô lớn[1]trên cả nước. 
Sau khi Luật Quy hoạch 2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019) đã bãi bỏ  các quy hoạch về phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối  lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ. Do đó, Bộ  Nông nghiệp và PTNT đã chủ động chỉ đạo và phối hợp với các địa phương rà soát, lồng ghép nội dung các quy hoạch lĩnh vực nông nghiệp đã phê duyệt vào  các quy hoạch, đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội chung của các địa  phương và vùng để tiếp tục thực hiện. 
Đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT thôn đã phối hợp với các địa phương  cơ bản hoàn thành rà soát các quy hoạch ngành hàng, sản phẩm, điều chỉnh quy  mô và cơ cấu sản xuất theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với lợi thế  từng vùng và theo nhu cầu thị trường và tích hợp vào các chiến lược, quy hoạch  ngành cấp quốc gia lĩnh vực nông nghiệp; các chương trình, đề án tổ chức lại  sản xuất để phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo  hướng tập trung, quy mô lớn gắn với lợi thế từng vùng, đồng thời nâng cao năng  suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.  
2. Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp: 
Việt Nam đã cơ bản chủ động được nguồn cung nội địa cho sản xuất, một  số ngành hàng đứng tốp đầu thế giới, như: Sản xuất chăn nuôi đáp ứng cơ bản  nhu cầu các loại thực phẩm cho tiêu dùng và bước đầu cho xuất khẩu (từ chỗ  năm 2015 chưa có xuất khẩu, sang xuất khẩu nhiều sản phẩm, như lợn choai  sang Malaysia, trứng muối sang Myanmar, thịt gà sang Nhật Bản…); ngành  hàng sữa chủ yếu do doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh thị trường; sản xuất  thức ăn công nghiệp tăng, năm 2020 ước đạt 20,5 triệu tấn, tăng 29% so với năm  2015. Lĩnh vực thủy sản, cá tra xuất khẩu với 100% là doanh nghiệp Việt Nam...  
Năng lực cạnh tranh, năng suất sản phẩm nâng cao và đang từng bước  chiếm lĩnh thị trường thế giới, như: Năng suất lúa gạo cao nhất trong ASEAN  (đạt 5,8 tấn/ha), gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; năng  suất cá tra bình quân đạt 210 tấn/ha, cao nhất thế giới... 
Đến nay, cả nước đã xây dựng và phát triển mô hình chuỗi với 2.510 chuỗi (năm 2016 mới có 444 mô hình). Phát triển mạnh 3 trục sản phẩm chủ lực.  Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng công nghệ cao  được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, như tôm, cá tra, sản  phẩm gỗ…; nhiều vùng nuôi trồng, nhà máy chế biến công nghệ cao đi vào hoạt  động và phát huy hiệu quả. Ở nhóm sản phẩm OCOP, kết hợp truyền thống với  ứng dụng khoa học công nghệ đa dạng, chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp, truy  xuất được nguồn gốc. 
Trước bối cảnh và tình hình mới, phương châm chỉ đạo của Bộ Nông  nghiệp và PTNT tập trung vào tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát  triển và cơ cấu lại ngành; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ,  ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách, như: (1) Hỗ trợ  các yếu tố đầu vào cho sản xuất nông lâm thủy sản; (2) Đẩy mạnh phát triển  công nghiệp chế biến, nhất là chế biến sâu, chế biến tinh; (3) Phát triển hợp tác,  liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi (trong đó có khâu  logistics), với vai trò nòng cốt, dẫn dắt của doanh nghiệp.  
3. Thời gian tới, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực  hiện: Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến  năm 2045; Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn  2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp  giai đoạn 2021 - 2025; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy  kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá  trị, tích hợp đa giá trị vào sản phẩm. Trong đó tập trung các nội dung sau:  
(1) Tiếp tục hoàn thiện chính sách tạo động lực mới cho phát triển cho  phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”,  nhất là chính sách về đất đai, tín dụng, đầu tư, bảo hiểm, hợp tác công tư...  
(2) Đổi mới cơ chế quản lý khoa học, khuyến khích đầu tư nghiên cứu,  ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ; đồng thời, phát triển các hình  thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất,  gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Chuyển  mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá  trị ngành hàng”. Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông  nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị  trường. Tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành, đẩy mạnh xúc tiến thương  mại, phát triển thị trường xuất khẩu. Qua đó, nâng cao chất lượng và sức cạnh  tranh sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị.  
(3) Tổ chức thực hiện các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội  chung của cả nước, các vùng kinh tế - xã hội, các địa phương được phê duyệt  theo Luật Quy hoạch (trong đó có tích hợp nội dung quy hoạch về quy mô, cơ  cấu, tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp với lợi thế vùng miền, địa phương và  thích ứng với biến đổi khí hậu). 
(4) Đánh giá cân bằng cung - cầu nông sản, điều tiết xuất nhập khẩu vật tư  đầu vào; tăng cường kiểm tra công khai giá, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ  thực vật, thức ăn chăn nuôi. Kiểm soát chặt chẽ nguồn cung nông sản, xây dựng  cơ sở dữ liệu cung cầu, qua đó đưa ra các kịch bản và giải pháp can thiệp cần  thiết điều tiết cung cầu từng nhóm hàng và từng khu vực trong các tình huống. 
Câu 4. Cử tri cho rằng: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhiều vụ án về tham nhũng, tiêu cực mới được phát hiện; sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả; gắn PCTNTC với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ trong đấu tranh PCTNTC. Tuy nhiên, cử tri lo lắng tình trạng tiêu cực, tham nhũng vẫn còn xảy ra nhiều, tinh vi, phức tạp hơn. Cử tri kiến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác PCTNTC, lãng phí tại các ngành, các cấp; đồng thời có giải pháp quyết liệt, tăng chế tài hơn nữa nhằm ngăn chặn có hiệu quả; nhất là các vụ án gây thất thoát lớn.
Trả lời: Thanh tra Chính phủ trả lời tại văn bản 2252/BC-TTCP ngày 05/10/2023 như sau: 
a) Giải pháp đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng
Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận về tiêu cực, tham nhũng như: Các dự án đầu tư lớn; quản lý, sử dụng đất đai; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; việc mua, bán, chuyển nhượng tài sản công; các dự án mua sắm lớn từ tài sản nhà nước... Tập trung kiểm tra, thanh tra, xử lý dứt điểm những vấn đề tồn đọng, kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân quan tâm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.
Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước, sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm soát, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả; gắn PCTN với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong đấu tranh PCTN. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội, PCTN, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đẩy mạnh, từng bước hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể tham nhũng”. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTN có nhiều đổi mới, vai trò tích cực của các cơ quan truyền thống, báo chí trong PCTN ngày càng được khẳng định và phát huy. Công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. Vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp và Nhân dân trong PCTN ngày càng phát huy hiệu quả thiết thực. Hợp tác quốc tế được tăng cường; hoạt động PCTN từng bước được mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước. Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đều được đẩy mạnh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hành vi tham nhũng sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp,... công tác PCTN vẫn còn những hạn chế, vướng mắc, khó khăn nhất định.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, vướng mắc, khó khăn; Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác PCTN, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng với quyết tâm chính trị, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng, Nhà nước cả ở Trung ương và địa phương; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả Nhân dân; thự hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự; tập trung kiểm soát chặt chẽ quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để PCTN. Chính phủ luôn xác định PCTN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:
  • Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đọa trong công tác PCTN gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định của Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng, trong đó có việc triển khai thực hiện Luật Thanh tra số 11/2022/QH15, Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập...
  • Chú trọng đổi mới hình thức, cách thức tuyên truyền, phố biến về PCTN; kịp thời chỉ đạo, định hướng, cung cấp đầy đủ thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác PCTN, kết quả công tác PCTN liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước theo Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
  • Hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
  • Triển khai có hiểu quả các cuộc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN theo kế hoạch và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; tăng cường, tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng như: đất đai, tài nguyên khoáng sản; tài chính, ngân sách, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia,... kịp thời thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.
  • Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện. Tăng cường phối hợp, tập trung lực lượng để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đúng Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực.
  • Tăng cường thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về việc tjeesp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
  • Củng cố, kiện toàn, tăng cường năng lực đơn vị chuyên trách PCTN đủ sức hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhất là công tác quản lý nhà nước về PCTN (thể chế, chính sách). Công tác kiểm soát tài sản, thu nhập và công tác phát hiện, xử lý tham nhũng.
  • Ban hành Chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn về công tác PCTN cho các giai đoạn tiếp theo.
b) Xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức có hành vi tham nhũng
- Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tập trung đẩy mạnh thực hiện các giải pháp: (i) Công khai, minh mạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (ii) xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định; (iii) thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; (iv) chuyển đổi vị trí công tác; (v) cải cách hành chính, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt; (vi) thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập; (vii) xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm, phát hiện và xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có vi phạm.
 - Phát hiện và xử lý tham nhũng: Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng số vụ việc tham nhũng phát hiện 82 vụ việc, 117 người; trong đó: qua hoạt động kiểm tra nội bộ phát hiện 10 vụ, 22 người; qua hoạt động thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 39 vụ, 54 người; giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện 33 vụ, 41 người liên quan đến tham nhũng.
- Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng: Trong kỳ báo cáo có 33 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 25 người.
- Ban hành và tổ chức triển khai kế hoạch, nghị quyết thực hiện kết luận của BCĐ Trung ương về PCTN, TC về kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.
- Trong công tác thanh tra 9 tháng đầu năm 2023: Toàn ngành thanh tra đã triển khai 7.169 cuộc thanh tra hành chính và 146.890 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành[2]. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 198.665 tỷ đồng, 495 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 155.548 tỷ đồng[3] và 56 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 43.117 tỷ đồng. 439 ha đất; ban hành 94.717 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.460 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.293 tập thể và 4.732 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 279 vụ, 363 đối tượng[4].
Qua thanh tra đã chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật; phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo khách quan, chính xác, đúng pháp luật; việc chuyển thông tin, hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra có nhiều tiến bộ. Kết quả công tác thanh tra tiếp tục góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
c) Xử lý thu hồi triệt để tài sản tham nhũng
Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản thất thoát do tham nhũng, tiêu cực; đã chỉ đạo, yêu cầu các cấp, ngành, cơ quan chức năng quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và nhất là Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục sự tăng cường của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tập trung, chủ động kiểm tra, xác minh, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức, quyền hạn; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản, thu hồi triệt để tài sản thất thoát do tham nhũng, tiêu cực trước hoặc ngay trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.
Trong những năm qua, nhiều biện pháp tăng cường thu hồi tài sản do tham nhũng đã được áp dụng đồng bộ. Cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng, phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng.
Luật PCTN năm 2018 quy định rõ tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu cho Nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Coi viêc thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những tiêu chí đánh giá về công tác PCTN. Luật cũng quy định hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng, theo đó, quy định các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tịch thu hoặc thu hồi tài sản tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp.
Mặc dù kết quả thu hồi tài sản tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác PCTN của nước ta hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do số tiền thu hồi rất lớn; người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm có giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ việc dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng; vướng mắc cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản, làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án; trong một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp hình sự còn gặp nhiều khó khăn,...
Để khắc phục tình trạng trên, nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, các cơ quan chức năng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác PCTN nói chung và công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng, để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan đến công tác thu hồi tài sản, nhất là việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự. Tăng cường phối hợp, tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ phục vụ cho việc tổ chức thi hành thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam. Tiếp tục quan tâm kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ cơ quan Thi hành án dân sự, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phẩm chất và năng lực đội ngũ cán bộ này. Xử lý dứt điểm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn động, kéo dài. Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chậm thi hành một số bản án có điều kiện thi hành; việc tổ chức bán đấu giá nhiều tài sản bị mất giá (so với giá thị trường); nếu có dấu hiệu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Quan tâm chỉ đạo Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, trực tiếp là các ngành: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp và các ngành có liên quan, nâng cao trách nhiệm, khẩn trương thực hiện và kết luận, định giá tài sản theo trưng cầu, yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng; phối hợp với các cơ quan thi hành án dân sự để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi tài sản.
Bên cạnh đó, để việc thu hồi tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án đạt hiệu quả, tránh tình trạng tẩu tán tài sản, các cấp, các ngành cần phối hợp và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Nâng cao tính trung thực, trách nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; có hình thức xử ký nghiêm các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập; có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong việc giao dịch mua, bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; Thanh tra Chính phủ đang xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đây là cơ sở dữ liệu có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng nói chung và việc thu hồi tài sản nói riêng.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp nghiên cứu, xây dựng Đề án về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội phù hợp với thực tiễn Việt Nam (tại Văn bản số 918/VPCP-V.I ngày 01/04/2022 của Văn phòng Chính phủ); chỉ đạo Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật, thực tiễn các nội dung liên quan để đề xuất cơ chế xử lý hình sự đối với hành vi làm giàu bất hợp pháp, nhằm tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng đồng thời kiến nghị (tại Văn bản số 3418/VPCP-V.I ngày 02/6/2022 của Văn phòng Chính phủ) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Tư pháp, các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự nhằm tăng cường hiệu quả xử lý tội phạm tham nhũng; thu hồi tài sản trong quá trình giải quyết các vụ án.
Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng được Chính phủ báo cáo công khai trước Quốc hội và Nhân dân trong báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng hàng năm của Chính phủ; công khai khi xét xử và thi hành bản án.  
Câu 5. Thời gian vừa qua, các nhà mạng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao di động đã hạn chế các cuộc gọi, tin nhắn từ các đối tượng có ý định lừa đảo, mạo danh, quấy rối. Tuy nhiên, hiện nay các đối tượng đã chuyển sang sử dụng các số thuê bao đăng ký ở nước ngoài và thuê bao cố định để tiếp tục thực hiện cuộc gọi lừa đảo, đưa tin giả. Cử tri kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có các biện pháp, giải pháp phát hiện, ngăn chặn sớm, xử lý kịp thời.
Trả lời: Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời tại văn bản 4965/BTTTT-VP ngày 29/9/2023 như sau: 
Trong thời gian vừa qua, sau khi các nhà mạng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao di động nhằm hạn chế các cuộc gọi, tin nhắn từ các đối tượng có ý định lừa đảo, mạo danh, quấy rối, có hiện tượng các đối tượng chuyển sang sử dụng dịch vụ OTT và thuê bao cố định để tiếp tục thực hiện phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. 
Do vậy, bên cạnh việc tập trung triển khai các quy định của pháp luật (Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác; Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử, ...), Bộ TTTT đã chủ động nghiên cứu, chỉ đạo các doanh nghiệp di động triển khai các biện pháp xử lý tình trạng SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, ngăn chặn cuộc gọi rác, bao gồm: 
- Kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm chuẩn hoá thông tin thuê bao, xử lý các trường hợp vi phạm (từ tháng 5 đến tháng 8/2023, trên cơ sở kết nối, xác thực với CSDL quốc gia về dân cư và xử lý tập thuê bao đứng tên nhiều SIM, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành chuẩn hoá, xử lý hơn 19,6 triệu SIM thuê bao bao gồm hơn 7,1 triệu thực hiện chuẩn hoá; xử lý (khoá 1 chiều, 2 chiều, thu hồi) hơn 12,5 triệu). 
- Thường xuyên, chủ động rà soát, nâng cao năng lực các hệ thống chặn lọc cuộc gọi rác. Trung bình mỗi tháng các DNVT chặn, khóa 29 nghìn thuê bao có dấu hiệu phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo. 
- Theo dõi, giám sát tình trạng cuộc gọi rác thông qua các hệ thống hỗ trợ tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (đầu số 5656, 156 và website thongbaorac.ais.gov.vn). Thực hiện giải pháp Danh sách không quảng cáo: Người dân đăng ký từ chối nhận quảng cáo nếu không có nhu cầu. Hiện hệ thống có hơn 440 nghìn thuê bao đăng ký. (Địa chỉ https://khongquangcao.ais.gov.vn). 
- Tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng dịch vụ viễn thông về các cuộc gọi lừa đảo. 
- Thực thi quy định về quảng cáo chính danh (brandname) theo quy định tại Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ. Trong thời gian tới Bộ TTTT sẽ thúc đẩy triển khai ngăn chặn việc phát tán cuộc gọi rác từ các mạng cố định như: 
-Yêu cầu các doanh nghiệp cố định triển khai các biện pháp (tương tự doanh nghiệp di động) ngăn chặn, xử lý tình trạng cuộc gọi rác. 
- Tổ chức các đợt thanh, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm về phát tán cuộc gọi rác tại các doanh nghiệp viễn thông cố định. 
- Kịp thời cảnh báo, tuyên truyền tới người dân các hình thức, dấu hiệu lừa đảo mới. 
- Với các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, các đơn vị của Bộ TTTT tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Công an để xử lý.
Câu 6.
- Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quản lý tuyến đường Quốc lộ 19, Quốc lộ 1A sớm kiểm tra, sửa chữa, khắc phục các đoạn đường sau:
- Xem xét đầu tư hoàn thiện hệ thống cống, rãnh thoát nước dọc tuyến Quốc lộ 19 (đoạn đi qua địa bàn huyện Tây Sơn); khảo sát lắp đặt biển báo đèn giao thông tại ngã 3 Quán Á, Quốc lộ 19 (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) và tại những điểm giao nhau giữa đường Quốc lộ 19B với đường Tây tỉnh (đoạn đi qua xã Tây Bình, xã Bình Thuận huyện Tây Sơn) và các đường dân sinh giao nhau với đường Quốc lộ 19 B đoạn đi qua tỉnh Bình Định.
- Thực hiện kiểm tra và sửa chữa đường Quốc lộ 1A (Đoạn đường từ ngã 3 Hầm Dầu đến UBND phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn) vì hiện nay đoạn đường này đang hư hỏng, xuống cấp, trong khi lưu lượng giao thông đông đúc, dễ xảy ra tai nạn.
- Khắc phục các nắp cống, mương thoát nước bị hư hỏng và có giải pháp khơi thông hệ thống thoát nước dọc Quốc lộ 1A (đoạn đi qua phường Hoài Thanh Tây và phường Hoài Hảo, thị xã Hoài Nhơn) vì hiện nay lòng cống bị cát, đất, đá bồi lấp, gây ách tắc dòng chảy, nước tràn vào nhà dân và khu dân cư.
Trả lời: Bộ Giao thông vận tải trả lời tại văn bản số 11005/BGTVT-KCHT  ngày 02/10/2023 như sau: 
1. Về nội dung “Xem xét đầu tư hoàn thiện hệ thống cống, rãnh thoát nước dọc tuyến Quốc lộ 19 (đoạn đi qua địa bàn huyện Tây Sơn); khảo sát lắp đặt biển báo đèn giao thông tại ngã 3 Quán Á, Quốc lộ 19 (xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) và tại những điểm giao nhau giữa đường Quốc lộ 19B với đường Tây tỉnh (đoạn đi xã Tây Bình, xã Bình Thuận huyện Tây Sơn) và các đường dân sinh giao nhau với đường Quốc lộ 19 B đoạn đi qua tỉnh Bình Định”: 
Nội dung phản ánh của cử tri thuộc đoạn tuyến Quốc lộ 19 (QL.19) do Công ty TNHH BOT 36.71 (Doanh nghiệp dự án) đầu tư nâng cấp theo hình thức BOT và đang quản lý, khai thác. Tháng 6/2023, Doanh nghiệp dự án đã thi công hoàn thành công tác trung tu lần 1 dự án, trong đó có hạng mục sửa chữa hệ thống cống, rãnh thoát nước. Hiện nay, Công ty TNHH BOT 36.71 đang tiếp tục triển khai rà soát để bổ sung hoàn thiện hệ thống cống, rãnh thoát nước dọc tuyến QL.19 (trong đó có đoạn đi qua địa bàn huyện Tây Sơn) đảm bảo thoát nước trong khu vực. 
Để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) tại ngã 3 Quán Á (Km46+310/QL.19, thuộc xã Bình Tường, huyện Tây Sơn), Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã có Văn bản số 5601/UBNDKT ngày 08/8/2023 đề nghị sơn báo hiệu giảm tốc tại Km46+310 và Km47+350; Khu Quản lý đường bộ III (Khu QLĐB III) đã có Văn bản số 1780/KQLĐBIII-QLBT ngày 11/8/2023 đề nghị Doanh nghiệp dự án triển khai thực hiện. Hiện tại, Khu QLĐB III đang phối hợp, đôn đốc Công ty TNHH BOT 36.71 có trách nhiệm sớm triển khai để đảm bảo ATGT theo hợp đồng BOT đã ký. 
Đối với các vị trí giao nhau giữa Quốc lộ 19B (do Sở GTVT Bình Định quản lý) với đường Tây tỉnh (đoạn đi qua xã Tây Bình, xã Bình Thuận huyện Tây Sơn) và các đường dân sinh: Hiện tại, Cục Đường bộ Việt Nam (Cục ĐBVN) đang tô chức rà soát các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông và các bất hợp lý trong tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ để đề ra phương án, kế hoạch, lộ trình giải quyết khắc phục theo tinh thần Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng'. Trường hợp phát hiện bất cập về tổ chức giao thông tại các nút giao trên Quốc lộ 19B, Bộ GTVT sẽ giao Sở GTVT Bình Định phối hợp với các đơn vị có liên quan thống nhất phương án xử lý, bố trí đèn tín hiệu để tăng cường an toàn cho người tham gia giao thông trên QL.19B. 
2. Về nội dung “Thực hiện kiểm tra và sửa chữa đường Quốc lộ 1A (đoạn đường từ ngã 3 Hầm Dầu đến UBND phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn) vì hiện nay đoạn đường này đang hư hỏng, xuống cấp, trong khi lưu lượng giao thông đông đúc, dễ xảy ra tai nạn”: 
Nội dung phản ánh của cử tri thuộc đoạn tuyến Km1218+850-Km1230+700, Quốc lộ 1 (do Khu QLĐB III quản lý), đoạn tuyến mới được đầu tư sửa chữa hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 12/2022. Theo báo cáo của Cục ĐBVN, hiện nay đoạn tuyến đang khai thác bình thường, đảm bảo ATGT. 
3. Về nội dung “Khắc phục các nắp cống, mương thoát nước bị hư hỏng và có giải pháp khơi thông hệ thống thoát nước dọc Quốc lộ 1A (đoạn đi qua phường Hoài Thanh Tây và phường Hoài Hảo, thị xã Hoài Nhơn) vì hiện nay lòng cống bị cát, đất, đá bồi lấp, gây ách tắc dòng chảy, nước tràn vào nhà dân và khu dân cư”: 
Nội dung phản ánh của cử tri thuộc đoạn tuyến Quốc lộ 1 do Công ty cổ phần BOT Bắc Bình Định (Doanh nghiệp dự án) đầu tư nâng cấp theo hình thức BOT và đang quản lý, khai thác. Các hư hỏng, tồn tại này đã được Doanh nghiệp dự án sửa chữa hoàn thành trong tháng 7/2023 theo hợp đồng BOT đã ký. Ngoài ra tại Km1136+680(P), Ủy ban nhân dân phường Hoài Thanh Tây đang tổ chức thi công công trình “Cải tạo nút giao sử dụng chung điểm đấu nối vào QL.1 tại Km1136+680(P), phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định”, trong đó có hạng mục cải tạo lại hệ thống rãnh thoát nước dọc chịu lực dài 30m; hiện tại đã nạo vét và thay thế toàn bộ các tấm đan tại vị trí nêu trên. 
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ GTVT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đồng thời yêu cầu Doanh nghiệp dự án nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo dưỡng thường xuyên không để xảy ra tình trạng cát, đất, đá bồi lấp làm ách tắc dòng chảy gây ngập úng ảnh hưởng đến người dân trong khu vực dự án. 
Câu 7. Cử tri phấn khởi khi Bộ Công an triển khai ứng dụng VneID, theo đó khi chuyển sang cấp độ 2 thì người dân sẽ thay thế được nhiều loại giấy tờ, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện những dịch vụ công trực tuyến liên thông... Tuy nhiên, hiện nay khi đăng nhập tài khoản, khai báo VneID còn khó khăn, sử dụng ứng dụng phức tạp, nhất là với một bộ phận người dân ít am hiểu về công nghệ thông tin. Đồng thời, cử tri mong muốn ứng dụng VneID sẽ thay thế, tích hợp các tính năng của các ứng dụng quản lý của các ngành, địa phương hiện nay (như Sổ Sức khỏe điện tử, VssID…). Bên cạnh đó, tại Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014 quy định về thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân, tuy nhiên trong thời gian vừa qua, một số trường hợp công dân đi làm Căn cước công dân, cơ quan công an đã tiếp nhận và hẹn trả nhiều lần (có trường hợp hẹn 2 đến 3 lần) nhưng người dân vẫn chưa nhận được Căn cước công dân, gây phiền hà cho người dân. Cử tri kiến nghị Bộ Công an sớm chỉ đạo và có giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Trả lời: Bộ Công an trả lời tại văn bản số 3442/BCA-V01 ngày 25/9/2023 như sau: 
Đối với nội dung kiến nghị hiện nay khi đăng nhập tài khoản, khai báo VneID còn khó khăn, sử dụng ứng dụng phức tạp, nhất là với một bộ phận người dân ít am hiểu về công nghệ thông tin, Bộ Công an cảm ơn phản ánh của cử tri trong phản ánh về khó khăn, vướng mắc trong quá trình sử dụng ứng dụng VNeID, để tiếp tục hoàn thiện ứng dụng, nâng cao trải nghiệm người dùng. 
- Đối với việc tích hợp các tính năng của các ứng dụng quản lý của các ngành, địa phương, Bộ Công an sẽ làm việc với các đơn vị, xem xét đề xuất các tính năng, tiện ích công dân thường xuyên sử dụng để tích hợp vào ứng dụng VNeID. Ngoài ra, Bộ Công an sẽ phối hợp với các đơn vị tích hợp đăng nhập bằng tài khoản định danh điện tử trên các ứng dụng của các bộ, ngành, địa phương giúp công dân chỉ cần sử dụng một tài khoản có thể đăng nhập trên nhiều ứng dụng. 
- Đối với việc cơ quan công an đã tiếp nhận và hẹn trả nhiều lần nhưng người dân vẫn chưa nhận được Căn cước công dân: thực tiễn phát sinh một số khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ trả Căn cước công dân cho người dân. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ chỉ đạo quyết liệt các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương khắc phục khó khăn này, đảm bảo trả kết quả cấp mới, cấp đổi, cấp lại Căn cước công dân đúng thời hạn. 

 
 
[1] Như: lúa gạo (ĐBSH, ĐBSCL); chè (Trung du miền núi phía Bắc, tỉnh Lâm Đồng); cà phê, cao su (Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung  Bộ…); hồ tiêu (Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ…); điều (Đông Nam Bộ); rau quả, cá tra, tôm (ĐBSCL, Duyên hải Miền Trung…),  rừng sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ (Miền Trung, Tây Nguyên…)
 
[2] Giảm 6,2% số cuộc thanh tra, kiểm tra so với cùng kỳ năm 2022.
[3] Trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 24.417 tỷ đồng, về tổ chức, đơn vị 131.132 tỷ đồng.
[4] Trong đó, qua thanh tra hành chính kiến nghị chuyển 104 vụ, 99 đối tượng, qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành kiến nghị chuyển 175 vụ, 264 đối tượng.

Tác giả bài viết: Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây