Chiều 10.11, thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ xung quanh nhóm vấn đề LĐ-TB&XH. Tham gia chất vấn, đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) bày tỏ sự quan tâm đến tình hình của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Cụ thể, nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Quỹ BHTN hết thì phương án nào sẽ triển khai để đảm bảo an sinh xã hội?
ĐB Hiếu nêu rõ: Dù đã khắc phục được tình trạng nhầm lẫn trong hỗ trợ chính sách tại Bình Dương, nhưng Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH vẫn thừa nhận có sự nhầm lẫn, thiếu hụt, chồng lấn trong các gói hỗ trợ. “Vậy theo Bộ trưởng, phát huy vai trò của công nghệ thông tin, cùng với công khai các gói hỗ trợ đến từng cá nhân liệu có tránh được nhầm lẫn, khắc phục tình trạng người cần không được nhận, người nhận lại nhận quá nhiều từ nhiều nguồn khác nhau?”, ĐB Hiếu đặt vấn đề. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung thông tin: Quỹ BHTN đến hết năm 2020 kết dư 90,6 nghìn tỷ đồng; “tương đối tốt, ở mức độ an toàn cao”.
BT: Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
“Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đời sống lao động, việc làm của người dân, nhất là những người đang tham gia BHTN, chủ sử dụng lao động tham gia BHTN gặp rất nhiều khó khăn, chúng tôi thấy rằng nếu để kết dư lớn như thế thật sự không ổn”, ông Dung nói. Sau khi đánh giá tác động, tính toán cân nhắc để đảm bảo kết dư an toàn trong 5 năm tới, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được đồng ý để Chính phủ sử dụng 38 nghìn tỷ đồng từ Quỹ BHTN (trong đó có 30 nghìn tỷ đồng từ kết dư và 8 nghìn tỷ đồng từ giảm đóng cho người lao động) để hỗ trợ cho người lao động. Theo ông Đào Ngọc Dung, trong tình hình hiện nay, kết dư của Quỹ BHTN hoàn toàn an toàn, bởi sau khi hỗ trợ 38 nghìn tỷ đồng, trừ khoản đã chi năm 2021, kết dư vẫn còn khoảng 56 nghìn tỷ đồng. “Hoàn toàn an tâm được với số kết dư hiện nay”, ông Dung kết luận. Về trường hợp nhầm lẫn trong thực hiện hỗ trợ ở Bình Dương, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, chính nhờ đưa công nghệ thông tin vào rà soát lại, điều chỉnh danh sách mới phát hiện 22.000 trường hợp nhầm lẫn, được loại trừ; còn 1.990 người được chi tiền trước khi rà soát. “Các sai sót này khó tránh khỏi trong điều kiện dịch phức tạp, trên muốn hỗ trợ nhanh cho người lao động, dân muốn được hưởng sớm”, ông Dung lý giải. Ông Dung cũng nhấn mạnh, nếu ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp với cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu lao động và cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực an sinh thì về cơ bản sẽ khắc phục được các bất cập trong quá trình hỗ trợ.