Bộ GD&ĐT luôn cố gắng để có những sản phẩm giáo khoa tốt nhất

Thứ năm - 11/11/2021 17:15
Ngày 11.11, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH xung quanh nhiều vấn đề nóng: Thực trạng dạy thêm, học thêm; chất lượng SGK; học sinh thiếu thiết bị học tập; thiếu giáo viên; học sinh không thích học lịch sử...
Tham gia tranh luận, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) nêu vấn đề: Bộ trưởng khẳng định chương trình giáo dục phổ thông mới là đúng hướng, tốt, nhưng để đánh giá hiệu quả chương trình phổ thông thì bắt buộc phải qua SGK. SGK của chúng ta trong 2 năm vừa qua đưa vào áp dụng trên đại trà mới chỉ thực hiện một quy trình rút gọn, nghĩa là chỉ dạy thử nghiệm 10% số tiết học, không dạy trên phạm vi hẹp như các SGK trước đây.
 
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ quan tâm đến việc nghiên cứu, tổng kết việc triển khai SGK mới trong thời gian vừa qua. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

“Theo Bộ trưởng, có cần quy trình bất di bất dịch trong việc quyết định sử dụng những bộ SGK trong tương lai: Không rút ngắn, thay đổi vì bất cứ nguyên nhân gì. Bộ trưởng đã có nghiên cứu khách quan, tổng kết việc triển khai SGK mới trong thời gian vừa qua hay chưa?”, đại biểu Hiếu đặt vấn đề.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, SGK đang biên soạn và sử dụng để phục vụ chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 so với SGK chương trình cũ có sự khác nhau về tính chất, cách thức sử dụng. Chương trình 2018 có tính chất pháp điển, là chỗ dựa, yêu cầu để kiểm tra đánh giá. SGK bây giờ được xem là học liệu, là căn cứ để xã hội hóa, triển khai có nhiều bộ sách khác nhau. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là bất cứ tài liệu nào dù là học liệu mà được đưa vào giảng dạy trong nhà trường cũng phải đạt chuẩn mực, tính khoa học, tính sư phạm. “Chủ trương của chúng tôi là cố gắng có những sản phẩm giáo khoa tốt nhất”, Bộ trưởng nói.
 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết chủ trương của Bộ là cố gắng có những sản phẩm giáo khoa tốt nhất. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Về việc thực nghiệm, do đây là tài liệu nên quá trình triển khai thiên về việc giáo viên sử dụng thế nào, thực hành ra sao để thực hiện được chương trình. Còn tính khoa học, chính xác, đúng sai như thế nào thuộc trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quốc gia. Thông tư 33 (về tiêu chuẩn quy trình biên soạn chỉnh sửa SGK) trước đây không nêu tỷ lệ thực nghiệm bao nhiêu %, mà chỉ quy định hồ sơ trình nộp có mô tả minh chứng về việc thực nghiệm. Khi sửa Thông tư 33 nhằm tăng cường chất lượng SGK, Bộ nêu mức tối thiểu thực nghiệm là 10%, 15%, 20% cho SGK có đặc điểm khác nhau.
“Việc này còn đang xin ý kiến; và ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng là một trong các ý kiến quan trọng, chúng tôi sẽ xem xét trong quá trình hoàn thiện thông tư này trước khi ký ban hành”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.
 

Tác giả bài viết: Theo baobinhdinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây