NGÀY LÀM VIỆC THỨ 3 KỲ HỌP THỨ 3 QUỐC HỘI KHÓA XV: Nhiều kiến nghị liên quan đến phát triển KT-XH

Thứ năm - 26/05/2022 11:13

Tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ 3 trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 25.5, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh đã thảo luận ở tổ về các vấn đề phát triển KT-XH.

Trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã nghiên cứu, thảo luận, đề xuất về các nội dung: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21.6.2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21.6.2017.

 

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia phiên thảo luận tổ, góp ý, đề xuất  cho kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.

Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn: Điều chỉnh năm tài chính, khẩn trương phân bổ ngân sách

Nghiên cứu báo cáo quyết toán ngân sách năm 2021, đối chiếu với báo cáo quyết toán của các năm trước, Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn nhận định: số liệu giữa dự toán và quyết toán ngày một gần nhau hơn; nhiều số liệu quyết toán ngân sách quốc gia rất khả quan.

Hiện nay, nước ta xây dựng năm tài chính trùng với năm hành chính. Mỗi năm, Trung ương thường họp từ ngày 4 đến 10.10 để cho ý kiến về tình hình KT-XH, ngân sách nhà nước. Quốc hội họp phiên cuối cùng trong năm là ngày 20.10. Như vậy là so với năm tài chính, còn thời gian hơn 2 tháng. Tất cả số liệu phục vụ cho hội nghị Trung ương, kỳ họp Quốc hội đều là ước tính, không phản ánh hết tình hình tài chính cho nên việc xây dựng kế hoạch tài chính cho năm sau sẽ chưa sát.

“Nhiều nước, trong đó có những nước phát triển, họ xây dựng năm tài khóa không trùng với năm hành chính để tránh đi trường hợp ấy. Tôi mạnh dạn đề xuất Chính phủ, Trung ương lấy năm tài chính từ 31.9 năm nay đến 31.9 năm sau. Việc thay đổi thời gian của niên độ tài chính như vậy khi Trung ương, Quốc hội tiến hành họp, cho ý kiến về chủ trương phát triển KT-XH, dự toán ngân sách là đã có số liệu chính xác. Đặc biệt, sẽ không cần có thêm báo cáo bổ sung ở kỳ họp giữa năm”, đại biểu Lê Kim Toàn phát biểu.

 

Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn đề xuất điều chỉnh năm tài chính, đẩy nhanh tiến độ phân bổ ngân sách. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh. 

Về tình hình KT-XH năm 2021, những tháng đầu năm 2022, qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, đối chiếu tình hình địa phương, đại biểu rất phấn khởi. Những số liệu trên các lĩnh vực khẳng định nước ta đã vượt qua những năm tháng khó khăn do đại dịch Covid-19. Tất cả các lĩnh vực đang dần phục hồi, cuộc sống trở lại bình thường trong điều kiện “bình thường mới”.

Song, vẫn còn những điểm đáng lo và buồn từ thực tiễn cần thẳng thắn nhìn nhận, rút kinh nghiệm để tiếp tục phát triển đất nước tốt hơn. Vẫn còn các sai phạm trong công tác phòng, chống dịch, một bộ phận trục lợi từ chính sách. Trong nhiều nguyên nhân của những thực trạng này thì có nguyên nhân từ công tác quản lý. Một số hiện tượng xã hội gần đây của các thành phần kinh tế liên quan đến đấu giá đất, chứng khoán… tạo nên tác động xã hội rất lớn, cho thấy cần phải rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

“Bên cạnh đó là có những thủ tục quá kỹ, kỹ đến mức quá nặng nề dẫn đến thực hiện chủ trương không kịp thời. Hiện, nước ta có 3 chương trình mục tiêu quốc gia: giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển tổng thể KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi nhưng triển khai rất chậm. Có những chương trình hơn 1 năm, thậm chí 2 năm (trong tổng thể 5 năm) mới phân bổ kinh phí, chỉ còn 3 năm để thực hiện. Như vậy là quá chậm!”, đại biểu Toàn góp ý.

Đại biểu Hồ Đức Phớc: Cần tăng sức sống cho doanh nghiệp

Về tình hình KT-XH năm qua, ở vị trí công tác là Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Hồ Đức Phớc đã có một số chia sẻ, làm rõ thêm. Theo ông, năm 2021, đất nước ta rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn do đại dịch Covid-19. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo đủ vắc xin tiêm cho nhân dân. Bao gồm các giải pháp ngoại giao, chuyển một số gói tiết kiệm, một số gói ngân sách dự phòng, đồng thời phát động ủng hộ Quỹ vắc xin Covid-19. Riêng Quỹ vắc xin đã vận động được trên 9.000 tỷ đồng từ DN và toàn dân. Đến nay, số dư của quỹ còn khoảng 1.300 tỷ đồng. Chính phủ tiếp tục sử dụng số tiền này để mua vắc xin tiêm cho trẻ em. Đến nay, nước ta đã tiêm được 225 triệu liều vắc xin. Việt Nam là một trong 6 quốc gia tiêm vắc xin nhanh nhất, đạt tỷ lệ cao nhất.

 

Đại biểu Hồ Đức Phớc đề xuất các giải pháp tăng sức sống cho DN. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh. 

Bên cạnh thành quả phòng chống dịch, kết quả tăng trưởng kinh tế của đất nước rất khả quan. Trong khi nhiều nước đang tăng trưởng âm nhưng chúng ta vẫn vượt 2,58%. Các chỉ tiêu kinh tế cơ bản được giữ vững.

Ngoài ra, những việc khó đã được tập trung triển khai và đạt kết quả tích cực như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông bàn giao, khai thác; bù giá cho dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn; tích cực giải quyết 3 “ngân hàng 0 đồng”; tập trung xử lý 12 dự án thua lỗ… Đồng thời, đầu tư cho các công trình: cao tốc, sân bay nhằm tạo đột phá để phát triển kinh tế.

Những kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn trong lãnh đạo, điều hành phát triển KT-XH của Chính phủ.

Trước một số ý kiến cho rằng nguồn vượt thu của nước ta năm qua chủ yếu tập trung vào tiền sử dụng đất, dầu thô, đại biểu Phớc phân tích: Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, chúng ta đã thu được 1.568 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% so với dự toán, và vượt 3,8% so với số thực hiện của năm 2020. Trong đó, tiền thu sử dụng đất chỉ vượt 74,1 nghìn tỷ đồng, dầu thô chỉ vượt 21,4 nghìn tỷ đồng, do giá dầu thô tăng. Tỷ trọng tiền thu từ sử dụng đất theo dự toán là 8,3% tổng thu, thực hiện là 11,8%. Thu từ dầu thô theo dự toán chiếm 1,7%, thực hiện chiếm 2,9% tổng thu. Như vậy, nền kinh tế vẫn phát triển tích cực.

Về lý do tăng trưởng kinh tế chỉ được 2,58%, thu ngân sách vẫn vượt 16,4%, ông giải thích: Trong khi thực hiện giảm thuế cho DN, cơ quan quản lý đã tăng cường thu ngân sách ở những khu vực tiềm năng mà lâu nay chưa thu được như: thu trên nền tảng số, bất động sản… Với việc đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử, các giao dịch phát sinh đều thể hiện trên hóa đơn, qua đó thu từ thuế GTGT cũng tăng lên.

Bàn về những thách thức lên KT-XH trong thời điểm hiện tại, đại biểu Hồ Đức Phớc cho rằng: vấn đề lạm phát, giá cả tăng cao, lãi suất ngân hàng đang gây áp lực lên các DN, tạo khó khăn cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động, đến việc thu ngân sách.

“Làm thế nào để tăng năng lực cho nền kinh tế? Vấn đề cốt lõi, động lực quan trọng nhất là phải phát triển  sức sống cho DN. Mọi cấp, mọi ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, chính sách  vốn, tiếp cận đất đai, về quản lý... để tạo thuận lợi cho DN. Tập trung đẩy mạnh các tuyến đường cao tốc, bởi đường đi đến đâu thì trăm nghề phát triển đến đó, giải quyết được vùng nguyên liệu, thu hút đầu tư. Chính phủ đang phấn đấu cuối năm nay bàn giao 141 km đường cao tốc”, ông nói.

Đối với đầu tư công, đại biểu cho rằng vẫn còn rất nhiều vướng mắc, trong đó, vướng mắc về giải phóng mặt bằng là chủ yếu. Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh đầu tư công cũng là cách chống lại lạm phát, bởi khi công trình được triển khai ngay, giải ngân nhanh sẽ đỡ chịu áp lực lạm phát. Công trình hoàn thành nhanh thì hiệu quả sử dụng càng cao. Trường hợp công trình kéo dài từ năm này qua năm khác, thì giá tăng, hiệu quả thấp, DN lỗ, sức sống của nền kinh tế giảm.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba: Cần hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật liên quan đến ứng phó dịch bệnh

Bàn về nguyên nhân của các hạn chế trong phát triển KT-XH thời gian qua như giải ngân vốn đầu tư công chậm, vốn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia chậm, nhiều vụ việc vi phạm…, đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng có nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhưng nổi lên nhất là nguyên nhân do năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, đạo đức công vụ. Đây không phải là vấn đề mới nhưng cần được tiếp tục quan tâm.

 

Đại biểu Đồng Ngọc Ba đề xuất hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật liên quan đến ứng phó dịch bệnh.
Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh. 

“Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm, trì trệ, nhiều đại biểu nhắc đến thể chế pháp luật chưa theo kịp thực tiễn. Nhưng, pháp luật không bao giờ hoàn thiện tuyệt đối. Chúng ta đã dùng nhiều giải pháp để hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm, song vẫn còn tồn tại những vấn đề như vậy. Tôi đề nghị Chính phủ đánh giá sâu hơn nguyên nhân chủ quan về năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, đạo đức công vụ”, đại biểu Đồng Ngọc Ba phân tích.

Đại biểu đánh giá cao kết quả về việc kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Năm 2021 là năm đầu tiên cả nước hoàn thành vượt các chỉ tiêu tinh giảm biên chế. Mặc dù hoàn thành về số lượng, nhưng tinh giảm biên chế gắn với vị trí việc làm thì chưa đáp ứng yêu cầu, chưa được khoa học.

Về việc kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về đất đai, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có đánh giá sâu hơn, đặc biệt trong việc vận hành hệ thống thông tin về đất đai, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai ở đô thị và cải thiện chỉ số chất lượng quản lý hành chính về đất đai. Trong thực tiễn, dù đã ứng dụng công nghệ thông tin, có những yêu cầu về tăng cường sử dụng cơ sở dữ liệu nhưng vẫn có tình trạng người dân vẫn phải chen lấn, xếp hàng để làm các thủ tục đất đai.

Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021xác định Chính phủ phải khẩn trương rà soát tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng chống dịch, công tác khám chữa bệnh và các quy định khác có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi theo thẩm quyền. Đây là yêu cầu rất đúng thời điểm, quan trọng để có thể hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là trong bối cảnh phòng, chống dịch. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn chưa có đánh giá một cách tổng thể các vấn đề liên quan đến công tác hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng, chống dịch, về tình trạng khẩn cấp. Hiện, Chính phủ mới chỉ đưa vào đề nghị bổ sung dự án luật khám chữa bệnh.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về rà soát các văn bản pháp luật, quy định liên quan trong đó lưu ý các yêu cầu về chế độ chính sách và các yêu cầu về điều kiện bảo đảm, chế độ đãi ngộ đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch, chế độ bảo mật dữ liệu cá nhân, bảo đảm an toàn thông tin, vấn đề quản trị xã hội thích ứng với bối cảnh sống chung với đại dịch, phù hợp với các kịch bản phòng, chống dịch trong thời gian tới. Đồng thời, xác định rõ các giải pháp, các nhiệm vụ hoàn thiện pháp luật để khắc phục các bất cập đã nêu ra.

Trong báo cáo của Chính phủ có đề xuất nhiệm vụ về đẩy nhanh tiến độ rà soát, chỉnh sửa, hoàn thiện để ban hành các nghị định, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ. Đây là giải pháp quan trọng góp phần làm mạnh bộ máy hành pháp. Tuy nhiên, đã là năm thứ 2 của nhiệm kỳ, các quy định liên quan đến cơ cấu, bộ máy tổ chức, chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ của các bộ vẫn chưa hoàn thành. Đề nghị Chính phủ xác định tiến độ hoàn thành đối với công việc này.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba cũng cho rằng Chính phủ cần quan tâm đánh giá các Luật đã ban hành trong thời gian qua. Đặc biệt là cần có đánh giá thực tiễn đối với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Bởi, từ khi luật có hiệu lực, có tình trạng một số dự án được đề xuất theo phương thức đối tác công tư thì lại chuyển sang đầu tư công. Vậy thì hiệu quả của luật có đạt được không?- đại biểu đặt vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh: Đầu tư cho giáo dục, nâng cao đời sống nhà giáo

Với quan điểm đầu tư cho giáo dục luôn xứng đáng, giáo dục là gốc rễ để giải quyết các vấn đề, các tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển đất nước, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đã có đề xuất: Phải đảm bảo các điều kiện đời sống cho giáo viên, không để nghề giáo chịu tác động từ kinh tế thị trường. Thực tế, giáo viên phải đi làm thêm, bán hàng online thì thời gian đâu để tập trung cho công tác giáo dục. Vì vậy, thời gian tới, cần quan tâm đến vấn đề tăng lương cho giáo viên.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh kiến nghị liên quan đến việc nâng cao đời sống cho nhà giáo. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

“Theo quy định, ngân sách chi cho giáo dục tối thiểu 20%. Hiện, chúng ta mới chỉ chi khoảng 17,3%. Đối với hơn 2% ngân sách còn lại, theo tôi nên có lộ trình tăng dần đến năm 2028 là đạt 20% ngân sách cho giáo dục. Để tránh việc so sánh tiền lương của nghề giáo đối với các nghề khác, đầu vào của nghề giáo cần phải cao hơn. Nguồn ngân sách này sẽ dành trả lương cho những nhà giáo đạt thành tích học tập giỏi ngay từ bậc phổ thông, tạo động lực cho các em lựa chọn nghề giáo, cống hiến cho giáo dục. Đối với lực lượng giáo viên hiện tại, vẫn có lộ trình tăng lương, đồng thời cần có chính sách đối với con em của giáo viên để giáo viên yên tâm công tác. Cũng cần có chính sách bảo vệ thầy cô, xây dựng sự tôn trọng dành cho người giáo viên”, đại biểu Cảnh đề xuất.

Hiện nay, sản lượng trên các lĩnh vực sản xuất trong nước đã cao. Tuy nhiên, con người thì ngày một ăn ít đi nhưng đòi hỏi cao hơn về chất lượng. Đại biểu cho rằng cần phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm, nâng cao hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, xây dựng hệ thống kiểm tra chất lượng sản phẩm. 

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây