Góp ý về Dự án Luật Thanh tra và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh

Thứ sáu - 27/05/2022 07:48
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 26.5, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đối với Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), ĐB Hồ Đức Phớc đề nghị giữ lại Thanh tra huyện để giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phục vụ cho chính quyền cấp huyện thực hiện thanh tra KT-XH, chấn chỉnh và phát hiện hành vi vi phạm pháp luật. Đối với Thanh tra ngành, cần phải quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ và phạm vi công tác, tránh chồng chéo. Cũng cần giao cho Thanh tra Chính phủ, thanh tra một số ngành có thể thanh tra một số DN cổ phần vốn nhà nước.
Các ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận về 2 dự án luật tại tổ. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Đồng tình với việc giữ lại Thanh tra huyện, ĐB Lý Tiết Hạnh cho rằng: Cần có các giải pháp để kiện toàn tổ chức, biên chế, đổi mới phương thức hoạt động để đảm bảo các điều kiện cần thiết và phát huy vai trò, vị trí, trách nhiệm của lực lượng thanh tra cấp huyện. Đồng thời, cần phải có quy định rõ nét hơn về cơ chế phối hợp để thanh tra các cấp phát huy được hiệu quả.
ĐB Lý Tiết Hạnh cũng thống nhất với sự phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh để quyết định tổ chức bộ máy thanh tra cấp sở, tuy nhiên, cần quy định một số nguyên tắc để đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc giữa các tỉnh.
Quan tâm đến việc thực hiện kết luận thanh tra, ĐB Lý Tiết Hạnh đề nghị cần có quy định rõ về cơ sở pháp lý, các biện pháp, chế tài đảm bảo việc thực hiện kết luận thanh tra được kiểm soát, tiến hành một cách nghiêm túc.
Cũng liên quan đến Luật Thanh tra (sửa đổi), Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn thống nhất chuyển quy định thanh tra nhân dân sang Luật Thực hiện dân chủ cơ sở. ĐB Lê Kim Toàn đề nghị cần phân định rạch ròi phạm vi, thẩm quyền của các cơ quan thanh tra các cấp, có quy định rõ giữa thanh tra bộ, thanh tra cục, tổng cục thuộc bộ; nâng cao hiệu lực của kết luận thanh tra và có quy định về hậu kiểm trong thực hiện kết luận thanh tra.
Góp ý về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ĐB Hồ Đức Phớc đề nghị bỏ quy định người nước ngoài vào Việt Nam khám chữa bệnh phải biết tiếng Việt Nam. ĐB Lê Kim Toàn cho rằng cần phải bổ sung vào Điều 3 - Giải thích từ ngữ để làm rõ nội hàm “hệ thống y tế cơ sở”, góp phần thuận lợi cho chính sách ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở. Theo ĐB Lê Kim Toàn, phải xác định hệ thống y tế cơ sở bao gồm: Hệ thống trạm y tế cấp xã và bệnh viện tuyến huyện. Đồng thời, cần có chế độ chính sách và hình thành đội ngũ cộng tác viên y tế thôn, bản.
ĐB Lê Kim Toàn thống nhất với chính sách ưu tiên bố trí ngân sách, có chế độ ưu đãi đối với cán bộ, công nhân viên đang làm nhiệm vụ trong ngành Y tế. Ngoài ra, cần quy định cụ thể thời gian thực hành trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề  y.
Phân tích về việc giao cho hội đồng y khoa cấp chứng chỉ hành nghề y, ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề xuất phải có quy định rõ ràng về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của hội đồng y khoa. Việc cấp giấy phép nên chia làm 2 nhóm: Nhóm hành nghề đa khoa thì chỉ cần vượt qua bài kiểm tra của hội đồng y khoa thì có thể vào vị trí làm việc, vừa làm, vừa học; với nhóm chuyên khoa, hội đồng y khoa phối hợp với hội chuyên ngành cấp chứng chỉ hành nghề.
Về sử dụng tiếng Việt Nam để khám chữa bệnh, ĐB Nguyễn Lân Hiếu đề xuất sửa quy định thành “người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam với điều kiện sử dụng được tiếng Việt”, không cần phải thông thạo tiếng Việt. Đối với việc gia hạn giấy phép hành nghề, nên dùng công nghệ thông tin, chỉ cần bác sĩ đủ các điều kiện thì hệ thống tự động gia hạn chứng chỉ hành nghề…                           
 

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây