Cần hỗ trợ các nhà làm phim tiếp cận các công trình, tác phẩm nghệ thuật, văn hóa truyền thống

Thứ năm - 26/05/2022 11:20

 Chiều 25.5, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh) đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Đồng ý với các nội dung của Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đã có thêm một số góp ý để làm rõ các nội dung đã quy định trong dự thảo luật.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh thảo luận tại hội trường về một số nội dung của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Ảnh: Quochoi.vn

Thứ nhất là về quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.

Theo đại biểu Cảnh, nguyên tắc của hoạt động điện ảnh là xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và bảo tồn, phát huy các giá trị dân tộc truyền thống.Điện ảnh là loại hình nghệ thuật thứ 7 sau 6 loại hình nghệ thuật: kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc,sân khấu, nhiếp ảnh.

Để xây dựng và phát triển điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, đại biểu đề nghị nội dung quy định tại Điều 43 về mục đích hỗ trợ của quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh cần bổ sung thêm một khoản có nội dung là: hỗ trợ các nhà làm phim tiếp cận các công trình kiến trúc, điêu khắc, tác phẩm hội họa, âm nhạc,sân khấu, nhiếp ảnh.

“Có quy định này thì các nhà làm phim sẽ giảm được chi phí tiếp cận các loại hình nghệ thuật trong nước, đưa các công trình, tác phẩm, loại hình nghệ thuật có giá trị lịch sử,văn hóa truyền thống vào phim, giúp đưa ra nhiều phim có liên quan đến các đề tài cách mạng, lịch sử, văn hóa truyền thống đến công chúng, góp phần bảo vệ được văn hóa dân tộc trước sự “tấn công” của các nền văn hóa nước ngoài. Bởi, về phát triển kinh tế, khoa học thì chúng ta cần tiếp thu nhanh để tạo sự đột phá nhưng đối với văn hóa thì phải giữ gìn, phát huy, tiếp thu có chọn lọc chứ không tiếp thu ồ ạt, không để xảy ra “đột phá trong văn hóa””, đại biểu Cảnh phân tích.

Thứ hai là về phổ biến phim trên không gian mạng được quy định tại điểm C khoản 1 của điều này. Theo đó, có quy định “thực hiện các biện pháp kỹ thuật cần thiết để cha mẹ, người giám hộ của trẻ tự kiểm soát, quản lý, bảo đảm trẻ em xem phim được phổ biến trên không gian mạng phù hợp với độ tuổi xem được quy định tại điều 32 của luật”.

Đại biểu đề nghị sau cụm từ “các biện pháp kỹ thuật” sẽ thêm cụm từ “và hướng dẫn”. Như vậy, đoạn này sẽ viết lại thành “thực hiện các biện pháp kỹ thuật và hướng dẫn cần thiết để cha mẹ và người giám hộ của trẻ tự kiểm soát quản lý…”.Bởi trong nhiều trường hợp, chủ thể phổ biến phim có đưa ra các biện pháp kỹ thuật nhưng nhiều cha mẹ không biết cách sử dụng các biện pháp kỹ thuật này để thực hiện việc bảo đảm cho trẻ em xem phim phù hợp với độ tuổi. Trách nhiệm của chủ thể là phải có thêm hướng dẫn cho phụ huynh.

“Thứ ba là về liên hoan phim và tuần lễ phim, tôi đề nghị Bộ VH-TT&DL có kế hoạch đưa thêm các loại hình nghệ thuật khác như điêu khắc, hội họa, âm nhạc,sân khấu, nhiếp ảnh…vào các chương trình liên hoan phim, tuần lễ phim để công chúng có cơ hội tiếp cận nhiều giá trị văn hóa trong một sự kiện bên cạnh thưởng thức các tác phẩm phim ảnh. Nên, hạn chế liên hoan phim chỉ là nơi gặp gỡ của các nhà chuyên môn. Đây là dịp để đưa các tác phẩm có giá trị lịch sử văn hóa, giá trị đương đại của các loại hình nghệ thuật đến với công chúng nhiều hơn”, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu.

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây