Đường sắt tốc độ cao phải đảm bảo tính kết nối và có phương án thiết kế, thi công phù hợp với thực tế
Thứ năm - 21/11/2024 08:10
(BĐ) - Đó là phát biểu đóng góp ý kiến của Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh tại hội trường Quốc hội vào chiều 20.11, khi tham gia thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc - Nam.
Đồng tình cao với chủ trương đầu tư dự án, đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh đề nghị phải làm rõ công năng chính của ĐSTĐC là gì, để chở người hay chở hàng. Nếu thiết kế phương án khai thác đa năng, lưỡng dụng ngoài vận chuyển hành khách có chở hàng hóa đặc biệt, thì ngay từ đầu phải thiết kế con tàu cho phù hợp, an toàn. “Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã trao đổi rất kỹ về phương án vận hành, theo đó sẽ có tuyến tàu chỉ dừng tại 5 ga và có các tuyến tàu dừng lại ở nhiều ga cho hành khách lựa chọn, đảm bảo sự thuận lợi cho hành khách đi tàu. Tuy nhiên, lượng khách có nhu cầu đi tàu sẽ tiếp tục chia ra cho các tuyến và khi lượng khách không đáp ứng chi phí thì liệu ĐSTĐC các tuyến ngắn sẽ cạnh tranh được với các phương tiện khác, kể cả đường sắt hiện hành hay không?”, ĐB Hạnh nói.
|
Đại biểu Lý Tiết Hạnh góp ý về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Bên cạnh đó, ĐB Hạnh cũng đặt vấn đề nếu mục tiêu chính là chở hành khách thì ĐSTĐC cũng phải tính toán phương án tài chính để nâng cấp đường sắt hiện tại lên để đảm nhiệm việc này. Bởi vận chuyển hàng hóa rất quan trọng trong kết nối các vùng kinh tế trọng điểm từ Bắc đến Nam, giảm chi phí logistics, phát triển kinh tế.
ĐB Hạnh cũng bày tỏ băn khoăn về việc làm thế nào để đảm bảo được tính kết nối bổ trợ cho nhau giữa các phương tiện giao thông hiện có. Bởi theo phương án thiết kế, ĐSTĐC điểm đầu tại Hà Nội và điểm cuối tại TP Hồ Chí Minh thì những người từ các tỉnh lân cận, muốn đi ĐSTĐC thì phải tập trung về Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh. “Như vậy đặt ra 2 vấn đề: Có gây áp lực giao thông tại hai thành phố lớn hay không? Đồng thời, có giảm sự hấp dẫn và khả năng thu hút lượng khách lớn từ các tỉnh đối với phương tiện ĐSTĐC hay không? Tôi đề xuất chúng ta có tính toán mở rộng không gian phát triển của ga đường sắt trung tâm. Ví dụ như đối với các tỉnh phía Bắc đã có đường sắt thì kết nối đường sắt hiện hữu; đối với các tỉnh Nam bộ, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long chưa có đường sắt và hệ thống giao thông còn hạn chế, thì có thể thiết kế hệ thống đường sắt kết nối tới trung tâm của vùng, kết nối với sân bay, cảng biển để khai thác tối đa hiệu quả của tuyến ĐSTĐC”, ĐB Hạnh kiến nghị.
Từ thực tế các tỉnh miền Trung địa hình có độ dốc cao, thường xuyên hứng chịu thiên tai bão lũ, ĐB Hạnh cho rằng rất cần có phương án thiết kế, phương án thi công và nguồn vốn phù hợp để khi có lũ lụt thì ĐSTĐC phải vượt qua được đỉnh lũ hoặc chống được sạt lở đất và những biến đổi cực đoan của thời tiết, đảm bảo giao thông thông suốt.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn