Cần hoàn thiện thể chế để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực viễn thông công ích

Thứ ba - 12/11/2024 15:59
(BĐ) - Sáng 12.11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực y tế và nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực TT&TT. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì điều hành phiên chất vấn.
 
Đại biểu Đồng Ngọc Ba tranh luận về việc chậm ban hành Nghị định về viễn thông công ích với Bộ trưởng Bộ TT&TT. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Tranh luận về việc chậm ban hành nghị định về viễn thông công ích, đại biểu (ĐB) Đồng Ngọc Ba (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) đánh giá rất cao việc Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận trách nhiệm; đồng thời bày tỏ lo lắng khi sự chậm trễ này là nguyên nhân chính dẫn đến có 761 thôn chưa có sóng di động. Do vậy, ĐB Ba đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan thời gian tới có giải pháp căn cơ, mang tính lâu dài, tăng cường năng lực xây dựng, hoàn thiện thể chế để giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực viễn thông công ích, đặc biệt là trong bối cảnh việc ban hành luật sẽ quy định nhiều vấn đề mang tính chất khung, gánh nặng về xây dựng thể chế đặt trên vai Chính phủ càng lớn.
Trả lời ý kiến tranh luận của ĐB Đồng Ngọc Ba, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận trách nhiệm khi có những vấn đề do chậm trễ về thể chế gây ra.
Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu sẽ dùng công nghệ số để hỗ trợ. “Đơn cử như xây dựng cơ sở dữ liệu về thể chế, có thể tham khảo quốc tế, vì nhiều thể chế của Bộ TT&TT có tính quốc tế rất cao. Đồng thời, Bộ cũng phát triển công cụ trợ lý ảo, đang hoàn thiện những bước cuối cùng, phấn đấu đến hết năm nay sẽ áp dụng rộng rãi; hiện chỉ đang áp dụng với Bộ TT&TT và một số bộ phận của Bộ Tư pháp. Có được công cụ này, khi ban hành một nghị định mới, chúng ta có thể hỏi trợ lý ảo tất cả các quy định pháp luật liên quan, nếu có mâu thuẫn, có chồng chéo sẽ kịp thời điều chỉnh”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng.
Đồng chí Bộ trưởng cũng cho rằng, mỗi lần sửa luật, nghị định thì quá nhiều điều kéo theo quy trình dài. Từ đó, Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội xem xét cân nhắc thay đổi cách làm, mỗi lần sửa chỉ sửa một điều của một luật hoặc một điều của một nghị định. 
 

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây