Cần có cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi nhằm thu hút người tài trong lĩnh vực giáo dục

Thứ hai - 11/11/2024 17:02
(BĐ) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 9.11, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Địnhtham gia thảo luận ở tổ về dự án Luật Nhà giáo và dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Tham gia thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cho rằng việc xây dựng Luật là rất cần thiết. Vì thực tế đội ngũ nhà giáo hiện chiếm số lượng lớn trong đội ngũ viên chức ở nước ta.
 

ĐB Lý Tiết Hạnh phát biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà giáo. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi của dự án Luật, đảm bảo tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật và có cơ chế chính sách đặc thù của nhà giáo, đại biểu (ĐB) Hạnh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ để hoàn thiện dự thảo Luật một cách tốt nhất.
Theo ĐB Hạnh, vì là lần đầu xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo nên đề nghị Ban soạn thảocần phải xem lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực đặc biệt và có tác động trực tiếp đến mọi người, mọi nhà. Phải làm sao khi dự án Luật được ban hành phải khắc phục được những tồn tại, hạn chế, bất cập trong lĩnh vực giáo dục hiện nay.
“Việc nhận diện đúng những hạn chế, bất cập, cũng như chỉ rõ những nguyên nhân của hạn chế, bất cập đó có từ đâu thì phải có luận cứ khoa học chặt chẽ, rõ ràng. Có những vấn đề chỉ là hiện tượng xã hội hoặc là có những nguyên nhân không phải là bản chất của vấn đề thì chúng ta không nên lấy đó làm nguyên cớ để xây dựng những chính sách. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng cần thận trọng, cân nhắc, rà soát cho kỹ lưỡng để đảm bảo việc xây dựng luật đúng định hướng và xây dựng chính sách đảm bảo tính thực thi trong dài hạn”, ĐB Hạnh bày tỏ.
Bên cạnh đó, ĐB Hạnh cũng tỏ ra quan tâm và đồng tình cao với quy định trong dự thảo Luật là Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. Theo ĐB Hạnh, trong dự thảo đã nêu rất nhiều cơ chế, chính sách mới như: Giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng; chính sách về tiền lương, chế độ hỗ trợ cho nhà giáo…Tuy nhiên, các chính sách cần phải cụ thể và đảm bảo thực hiện được trong thực tiễn.
Ở góc độ nghiên cứu cá nhân, ĐB Hạnh quan tâm đến chính sách thu hút, trọng dụng người có trình độ cao, người có tài năng, người có năng khiếu đặc biệt, người có kỹ năng nghề cao và chính sách về bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp.
Đồng tình với quan điểm nhà giáo có vai trò đặc biệt quan trọng trong quyết định tương lai của một dân tộc, một quốc gia; nếu có những người thầy giỏi thì sẽ đào tạo được những thế hệ trò giỏi. Tuy nhiên, ĐB Hạnh tỏ ra băn khoăn trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều người giỏi nhưng các chính sách, cơ chế đưa ra liệu đã đảm bảo để thu hút những người giỏi vào lĩnh vực giáo dục hay chưa. Về vấn đề này, ĐB Hạnh đề nghị ở tầm Chính phủ, tầm quốc gia cần có sự trăn trở và có những quyết sách mạnh mẽ hơn.
“Qua nghiên cứu tôi nhận thấy để đảm bảo tính khả thi trong thu hút người tài trong lĩnh vực giáo dục thì các chính sách sử dụng phải tương thích với năng lực, trình độ và gắn với chính sách đãi ngộ để thu hút được người phù hợp và các lĩnh vực phù hợp. Đồng thời phải tạo được môi trường làm việc phù hợp mới giữ chân được họ lâu dài và sử dụng tài năng của họ hiệu quả cho đất nước. Tôi suy nghĩ rằng phải có môi trường tốt và chính sách trọng dụng phù hợp thì mới sử dụng hiệu quả được người tài và không lãng phí nhân tài”, ĐB Hạnh phát biểu.
Từ thực tế này, ĐB Hạnh kiến nghị cần phải có tính toán, cân nhắc kỹ hơn về chính sách trọng dụng, thu hút người tài trong lĩnh vực giáo dục.
Bên cạnh đó, ĐB Hạnh đề nghị cũng cần quan tâm và có chính sách, cơ chế đặc thù trong đào tạo, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo giảng dạy tại các trường chuyên biệt, trường khuyết tật.
Vấn đề tiếp theo mà ĐB Hạnh quan tâm là cần phải có quy định cụ thể về bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Cần có những quy định cụ thể hơn gắn với quyền của nhà giáo và đặc thù nghề nghiệp.
“Tại Điều 39 về xử lý vi phạm đối với các hành vi xâm phạm uy tín, danh dự, quyền lợi hợp pháp của nhà giáo quy định rằng, người nào có hành vi xâm phạm uy tín, danh dự, lợi ích thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý”. ĐB Hạnh cho rằng quy định như vậy là còn chung chung và đề xuất liên quan đến nội dung này cần quy định rõ hơn về quyền của nhà giáo để xác định được hành vi nào là hành vi vi phạm quyền của nhà giáo. Và khi xác định được rõ quyền của nhà giáo thì những người nào vi phạm đến quyền đó mới có cơ sở để xử lý.
“Lẽ thường, ở trường cô giáo được xem như mẹ hiền, đại diện cho nhà trường không chỉ dạy về kiến thức mà còn dạy về đạo đức làm người. Tuy nhiên, trong thực tế, về mặt này, mặt khác để thực hiện vấn đề này vẫn còn hạn chế. Cho nên giáo viên không thể nào tận tâm, tận lực để xem những đứa trẻ như con mình để dạy dỗ một cách tốt nhất. Do đó, với tinh thần nhìn nhà giáo với tính tôn nghiêm, khuôn mẫu thì cần làm rõ hơn các quyền của nhà giáo. Và khi đụng đến tính tôn nghiêm, khuôn mẫu của nhà giáo thì phải có chế tài xử lý phù hợp’, ĐB Hạnh đề xuất.
 

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây