Đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm

Thứ ba - 11/01/2022 23:10
Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV (bằng hình thức trực tuyến, diễn ra từ ngày 4 - 11.1), với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao trước cử tri, các ÐBQH đơn vị tỉnh Bình Ðịnh đã tập trung trí tuệ, tâm huyết, tích cực tham gia phát biểu thảo luận, góp phần vào sự thành công của kỳ họp.
Tham gia 11 lượt ý kiến thảo luận
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thảo luận, thông qua các nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025; một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ; Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật DN, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: N. HÂN
Các nội dung được thông qua tại kỳ họp khi triển khai sẽ tạo hành lang pháp lý với các cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo động lực để khắc phục những thiệt hại do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đồng thời, đẩy mạnh phục hồi và phát triển bền vững KT-XH, giải quyết các vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Qua đó, tạo động lực hoàn thành mục tiêu các kế hoạch 5 năm, hằng năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đánh giá: Tham gia kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh và các ĐBQH thuộc Đoàn đã phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận trực tuyến tại hội trường.
Tại kỳ họp, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã tham gia 11 lượt phát biểu, trong đó có 1 lượt phát biểu thảo luận trực tuyến tại hội trường, 10 lượt phát biểu tại các phiên thảo luận tổ. Trong đó, có nhiều ý kiến được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp thu, ghi nhận, thông qua tại các nghị quyết.
Góp ý sâu Dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Theo dõi sát diễn biến của kỳ họp, các ĐBQH đơn vị tỉnh đã tham gia thảo luận rất sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến vào Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025. Theo quy hoạch, tuyến cao tốc này có tổng chiều dài 2.063 km, đến nay đã thi công hoàn thành đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa được đầu tư.
Theo tờ trình của Chính phủ, trong giai đoạn 2021 - 2025, từ nguồn vốn đầu tư công sẽ bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng để xây dựng 729 km đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông trên các đoạn từ Bãi Vọt (tỉnh Hà Tĩnh) - Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập. Trong đó, tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua địa phận Bình Định có 3 tuyến liên quan gồm: Tuyến Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn và Quy Nhơn - Chí Thạnh (tỉnh Phú Yên) với chiều dài 219 km.
Nhận thấy Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông có vai trò quan trọng đối với sự phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước và khu vực miền Trung, trong đó có tỉnh Bình Định, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia thảo luận, góp ý sôi nổi nhằm đảm bảo các yêu cầu để thực hiện dự án đúng tiến độ, hiệu quả.
Nhìn nhận dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đông đảo cử tri quan tâm, theo dõi, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn kiến nghị Chính phủ sớm thi công hoàn thành các đoạn còn lại, nhằm tạo động lực phát triển KT-XH, tăng mối liên kết vùng. Để sớm triển khai dự án, đảm bảo tiến độ và đồng bộ, đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt dự án, công bố hướng tuyến và bố trí nguồn vốn để các địa phương triển khai các gói giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án.
Theo tờ trình của Chính phủ, trong giai đoạn 2021 - 2025, dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông được thi công với 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong vận hành, đại biểu Lê Kim Toàn đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh những đoạn qua các trung tâm kinh tế - chính trị, các đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không… nâng lên từ 6 - 8 làn xe, thậm chí là 10 làn xe để đáp ứng nhu cầu giao thông tại những khu vực này. Bên cạnh đó, đề nghị Bộ GTVT phối hợp với các địa phương xác định các điểm kết nối giữa các quốc lộ, các tỉnh lộ vào cao tốc để đảm bảo thuận tiện khi vận hành và phát huy hiệu quả KT-XH.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh tham gia thảo luận trực tuyến tại hội trường Quốc hội đã đề nghị trong thiết kế đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông cần bố trí hợp lý các điểm giao cắt với các đô thị hiện hữu, các điểm chờ để kết nối với các đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ… trong tương lai.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh nêu ý kiến, để đảm bảo thực hiện dự án chất lượng, đề nghị  tăng cường công tác giám sát công trình ngay từ đầu, nhất là sự giám sát của kiểm toán nhà nước; đồng thời, phát huy vai trò giám sát của ĐBQH và các cơ quan chức năng tại địa phương (nơi tuyến đường bộ cao tốc đi qua) từ khi thi công đến khi hoàn thành. Đại biểu Lý Tiết Hạnh đề xuất, đối với những đoạn của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua khu vực các tỉnh miền Trung, cần quan tâm hơn về tiến độ và chất lượng công trình. Vì khí hậu ở các địa phương này rất khắc nghiệt, tác động lớn đến quá trình thi công và tuổi thọ công trình. “Không nên vì rút ngắn tiến độ thi công để hưởng chính sách đặc thù mà làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Việc rút ngắn có thể tập trung vào việc áp dụng tiến bộ KHKT và công nghệ mới hoặc rút ngắn về thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, còn tiến độ thi công nên thực hiện theo thời gian quy định nhằm đảm bảo chất lượng của công trình trọng điểm này”, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị.
Theo NGUYỄN HÂN / quochoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây