(BĐ) - Tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV, ngày 10.1, Quốc hội thảo luận trực tuyến góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật DN, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự; góp ý kiến cho Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
|
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (người đứng) phát biểu thảo luận vào chiều 10.1. Ảnh: N. HÂN |
Tham gia thảo luận trực tuyến, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đồng tình với chủ trương đầu tư 12 dự án thành phần của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và đề nghị bổ sung một số nội dung như: Tuyến cao tốc qua khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế - chính trị lớn cần nâng quy mô tuyến đường lên 8 - 10 làn xe.
Qua kinh nghiệm lái xe của bản thân cũng như quan sát nhiều tuyến đường cao tốc của các nước và trong nước, đại biểu Cảnh nêu một số ý kiến về việc bố trí các nút giao, các lối ra - vào cao tốc hợp lý để góp phần nâng cao hiệu quả của dự án.
“Tôi đã thống kê sơ bộ các nút giao, điểm ra vào cao tốc của tiểu bang California - Hoa Kỳ và TP Bangkok - Thái Lan và nhận thấy rằng khoảng cách bình quân giữa các lối ra vào cao tốc khoảng trên dưới 5 km, đoạn qua các đô thị thì dưới 3 km, đoạn qua các vùng nông thôn khoảng cách bình quân không quá 10 km. Những nơi không có dân cư, chưa có đường giao thông cắt ngang thì khoảng trên 10 km họ vẫn làm đường rẽ chờ để kết nối sau này. Phần lớn đường cao tốc ở Việt Nam phải đi hàng chục km mới có đường xuống, có đoạn đến 40 km mới có đường xuống. Chúng ta hình dung nếu lái xe lên cao tốc mà nhầm hướng, phải đi vài chục km mới quay lại điểm xuất phát thì phải làm thế nào, đặc biệt các trường hợp cấp cứu?”, đại biểu Cảnh đặt vấn đề.
“Do khó khăn trong cân đối nguồn lực để thực hiện đồng bộ các nút giao, điểm ra vào cao tốc khi qua các địa phương nên chưa thể làm ngay được, đề nghị trong thiết kế cần bố trí các điểm giao cắt với các đô thị hiện hữu, các điểm chờ để kết nối với các đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ trong tương lai vì có nhiều điểm kết nối có nghĩa là sẽ có nhiều phương tiện tham gia giao thông, nâng cao hiệu quả sử dụng đường cao tốc”, đại biểu Cảnh nêu ý kiến.
Theo đại biểu Cảnh, một nút giao của đường cao tốc với đường bộ cần bán kính vài trăm mét, đoạn ra vào cao tốc ở các đô thị, khu dân cư cần chiều dài vài trăm mét và chiều ngang vài chục mét, nếu để sau này khi có nhu cầu kết nối mới tính thì công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ gặp nhiều khó khăn. Còn nếu chọn thiết kế tránh các công trình hiện hữu thì sẽ tốn kém hơn về chi phí và cự ly đến điểm cần thiết sẽ xa hơn. Nếu chúng ta có thiết kế các điểm kết nối chờ sẵn sẽ thuận lợi cho các địa phương định hướng thứ tự ưu tiên phát triển hạ tầng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; các thành phần kinh tế cũng sẽ sớm tham gia vào đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối, đường ra vào cao tốc để phát triển các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, cảng hàng không, trung tâm logistics, khu dân cư, đô thị mới, trạm dịch vụ. Đề nghị sớm có thông tin hướng tuyến cho các địa phương; quan tâm lối đi dân sinh nơi mà 2 phía của đường cao tốc lại cùng trong 1 đơn vị hành chính. Thiết kế thoát lũ cho tuyến cao tốc phải căn cứ trên số liệu quá khứ và cập nhật thực tiễn mưa lũ đã diễn ra những năm gần đây, đặc biệt gần các khu dân cư hiện hữu của các đoạn đi qua miền Trung để có phương án phù hợp nhất.
Theo NGUYỄN HÂN/baobinhdinh.vn