Cần hoàn thiện hành lang pháp lý để thu hút nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo

Thứ sáu - 08/11/2024 14:24
viewimage   2024 11 08T142507 046
viewimage 2024 11 08T142507 046
(BĐ) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 7.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Tham gia phát biểu, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). ĐB cho rằng việc sửa đổi luật lần này không chỉ mang lại lợi ích cho ngành điện mà còn có tác động tích cực đến KT-XH, sản xuất, sinh hoạt của người dân.
ĐB Thủy tham gia thảo luận một số ý kiến xung quanh dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

ĐB Nguyễn Thị Thu Thủy tham gia phát biểu tại hội trường dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Thứ nhất, về giá điện phải đảm bảo tính minh bạch, đây chính là một trong những nhóm vấn đề quan trọng mà dự thảo Luật hướng đến sửa đổi lần này, được quy định từ Điều 60 đến Điều 68.
Theo ĐB Thủy, Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ các căn cứ, nguyên tắc xây dựng các biểu giá điện, cụ thể: Từ chi phí đầu tư, năng lượng truyền tải, sửa chữa nâng cấp truyền tải, phí bảo trì bảo dưỡng, nghiên cứu cách tính biểu giá điện của một số nước trên thế giới trong tách bạch tương đối rõ về giá điện phục vụ công ích, những hoạt động mang tính chất thị trường… Người tiêu dùng cần có thông tin đầy đủ, khách quan, minh bạch để hiểu rõ bản chất của sự việc, để chia sẻ và đồng thuận, đồng thời qua đó người sử dụng cũng sẽ là người giám sát trực tiếp và điều tiết trực tiếp với việc sử dụng điện của mình và đây cũng chính là việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà Luật hướng đến.
Thứ hai, về khuyến khích điện tái tạo, được quy định tại Mục 2, từ Điều 38 đến Điều 46. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, năng lượng gió được xem là chìa khóa để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy nền kinh tế không cacbon. Chuyển đổi sang năng lượng sạch và năng lượng tái tạo là giải pháp cần thiết để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (về năng lượng sạch và giá cả phải chăng) đến năm 2030 do LHQ đề ra. Tuy nhiên việc phát triển các nguồn năng lượng gió trong thời gian qua vẫn tiếp tục đối mặt với một số bất cập và thách thức, như chi phí đầu tư còn cao, số giờ vận hành nguồn điện thấp, công nghệ còn chưa đáp ứng…
Từ Điều 36 đến Điều 38 quy định nhiều chính sách về phát triển điện lực, các điều khoản liên quan đến quốc phòng - an ninh; việc cấp phép đầu tư lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại điều 41; Điều 42 về lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi…
ĐB Thủy đồng tình với phát biểu của một số ĐB về tạo hành lang pháp lý, qua đó thu hút các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực điện tái tạo, đảm bảo sự yên tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, góp phần phát triển KT-XH đất nước. “Có thể thấy, vai trò của các DN nhà nước đầu tư trong lĩnh vực này, cùng hoạt động liên doanh, liên kết của các DN trong và ngoài nước trong thực hiện khảo sát, thăm dò, đánh giá trữ lượng, thực hiện các công trình dầu khí ngoài khơi trong thời gian qua; đặc biệt, vừa qua chuyến thăm Thủ tướng Chính phủ tới Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, làm việc với Quỹ đầu tư quốc gia Qatar, Thủ tướng cũng đã đề nghị xem xét đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam về hạ tầng chiến lược, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có các dự án điện tái tạo điện gió, điện mặt trời”, ĐB Thủy phát biểu.
Qua đó, ĐB Thủy kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan rà soát, bổ sung, sửa đổi các nội dung trong dự thảo Luật và các Luật liên quan khác, qua đó tạo hành lang pháp lý để các nhà đầu tư đủ năng lực về tài chính, kinh nghiệm yên tâm đầu tư vào lĩnh vực này.
Đối với vấn đề tiết kiệm điện, chúng ta chỉ mới dừng lại ở việc kêu gọi, hưởng ứng, chưa có điều khoản chế tài đối với lĩnh vực này, ĐB Thủy cho rằng, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung phần chế tài đối với các hành vi cố tình gây lãng phí trong quá trình sử dụng.
Cuối cùng, với tầm quan trọng của Luật này đối với phát triển kinh tế, tác động đến đời sống người dân, ĐB Thủy đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát các điều khoản, tính hợp lý, đồng bộ với các Luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật quy hoạch…
 

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây