Cần đánh giá và thống nhất lại về mô hình chính quyền đô thị

Thứ sáu - 01/11/2024 07:34
(BĐ) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 31.10, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định tham gia thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng và tờ trình, đề án của Chính phủ về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn bày tỏ tán thành 2 tờ trình của Chính phủ và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật Quốc hội, đồng thời tham gia góp ý, đề xuất 2 vấn đề.
 
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn tham gia góp ý về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng và tờ trình, đề án của Chính phủ về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Thứ nhất, về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay, đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn đề nghị các cơ quan Trung ương, cấp có thẩm quyền và đặc biệt là cấp ủy, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu đề xuất phải có chính sách đặc thù đối với các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn nằm trên địa bàn tỉnh hiện nay.
“Tỉnh Thừa Thiên Huế hiện tại có huyện A Lưới là huyện nghèo và 7 xã đặc biệt khó khăn. Cần phải có chính sách đặc thù với các địa phương này khi tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”, ĐB Toàn kiến nghị.
Thứ hai, liên quan đến Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị của TP Hải Phòng, ĐB Lê Kim Toàn cho rằng, cả nước hiện có 5 thành phố trực thuộc Trung ương và sắp tới sẽ có thêm TP Huế. Khi xây dựng chính quyền đô thị ở các thành phố hiện hữu, kể cả thủ đô Hà Nội, chúng ta không xem xét một cách tổng thể mô hình chính quyền đô thị ở Việt Nam mà lại ban hành các Nghị quyết và đạo luật riêng cho từng địa phương trên cơ sở đề xuất của địa phương và thẩm định của các cơ quan chức năng của Trung ương. Vì vậy sẽ có những điều khác nhau và không thống nhất.
Trên cơ sở đó, ĐB Toàn kiến nghị cần phải đánh giá lại về mô hình chính quyền đô thị, không những chính quyền đô thị trực thuộc Trung ương mà cả chính quyền đô thị chung trên cả nước để đảm bảo hiệu quả thực hiện. Đồng thời, có thể sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương hoặc ban hành riêng một đạo luật quy định về tổ chức chính quyền đô thị ở Việt Nam, đi kèm với đó sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND, có thể thống nhất thực hiện từ Quốc hội, HĐND nhiệm kỳ 2026 - 2031 để có cơ sở thực tiễn.
“Nếu so sánh mô hình chính quyền đô thị ở các đô thị hiện hữu, sắp tới là TP Huế và theo quy hoạch đô thị nông thôn tới năm 2030 sẽ có những thành phố mới trực thuộc Trung ương, sẽ có những điểm mâu thuẫn với nhau. Đơn cử, hiện nay chính quyền đô thị của chúng ta có thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm đô thị đặc biệt và đô thị loại 1; có thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc thành phố; thị xã trực thuộc tỉnh; có thị trấn trực thuộc huyện... Vậy thì mô hình nào là mô hình chính quyền đô thị thống nhất của Việt Nam, hay mỗi đô thị là một loại hình chính quyền đô thị. Theo tôi đã là mô hình tổ chức thì phải thống nhất, không thể trong một quốc gia mỗi địa phương là một loại mô hình chính quyền, tất nhiên trong luật có quy định chính quyền đô thị, chính quyền nông thôn và đặc khu theo quy định của Quốc hội”, ĐB Toàn dẫn chứng.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng thông tin và giải trình thêm về các ý kiến góp ý tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Thông tin, giải trình thêm ý kiến của Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng đã thực hiện tổ chức chính quyền đô thị theo các nghị quyết của Quốc hội. Đây cũng là cơ sở thực tiễn để sau này có thể tổng kết đánh giá. Nếu thực hiện tốt thì có thể áp dụng chung và sau này khi sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương có thể quy định lại để tăng cường vai trò của cơ quan dân cử, có thêm nguồn lực, năng lực về bộ máy để triển khai nhiệm vụ của HĐND tỉnh các cấp, ít nhất là từ cấp thành phố.
Với ý kiến cần có chính sách đặc thù đối với các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn khi thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, ông Tùng cho biết trong Báo cáo thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, Ủy ban Pháp luật cũng đã có ý kiến đề nghị chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục quan tâm, có phương hướng, kế hoạch giải quyết một số khó khăn, thách thức có thể phát sinh khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể là “việc phát triển, nâng cao trình độ phát triển KT-XH tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi cần được chú trọng do hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn các khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số mà đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, hạn chế trong phát triển KT-XH”.
 

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây