Cần phối hợp chặt chẽ để đạt mục tiêu giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy

Thứ hai - 11/11/2024 17:01
BĐ) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 8.11, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã tham gia thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).
 
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn kiến nghị phải thiết kế các quy định về xử phạt hành vi đối với người sử dụng trái phép chất ma túy cụ thể hơn để ngăn chặn có hiệu quả việc sử dụng dẫn tới nghiện ma túy. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Tham gia thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn tán thành việc ban hành một Nghị quyết đề cập đến Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030 là hết sức cấp thiết để tập trung nguồn lực, nhân lực và trách nhiệm của toàn xã hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị, gia đình, các cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy và thống nhất có 3 nội dung quan trọng trong Nghị quyết gồm: Các nội dung về cung, cầu và giảm thiểu tác hại của ma túy.
Góp ý để hoàn thiện chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, đại biểu (ĐB) Lê Kim Toàn kiến nghị phải thiết kế các quy định về xử phạt hành vi đối với người sử dụng trái phép chất ma túy cụ thể hơn để ngăn chặn có hiệu quả việc sử dụng dẫn tới nghiện ma túy. Bởi ma túy được xác định là chất cấm nhưng người tổ chức sử dụng ma túy thì bị xử lý bằng phápluật hình sự, còn người sử dụng thì chế tài chưa tương xứng. Đồng thời, ĐB Toàn cũng đề xuất cần đánh giá lại việc cai nghiện tại cộng đồng có hiệu quả hay không, nhất là việc người cai nghiện tại cộng đồng tái nghiện.
Bên cạnh đó, ĐB Toàn cũng cho rằng, so sánh với các chỉ tiêu trong dự thảo thì không trùng khớp, mâu thuẫn, cần phải rà soát lại để phù hợp với thực tiễn. “Đơn cử chỉ tiêu về giảm cung, chúng ta đề ra phấn đấu đến năm 2030 các tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấuđược phát hiện triệt phá 100%. Như vậy có thể hiểu là khả năng cao đến năm 2030 những người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ không tiếp cận được nguồn cung và sẽ không còn hoặc hạn chế tối đa đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy. Rất mâu thuẫn với các chỉ tiêu khác như: Số vụ hằng năm phát hiện tăng 3%; số người nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy hạn chế gia tăng dưới 1%”, ĐB Toàn dẫn chứng.
ĐB Toàn cũng đề xuất để giảm thiểu tác hại ma túy, khi đã xác định là nghiện ma túy thì cần có biện pháp giáo dục bắt buộc, thậm chí cải tạo không giam giữ. “Có như vậy chúng ta mới tạo điều kiện cho người nghiện ma túy thoát khỏi nguồn cung, sự cám dỗ, lôi kéo để họ cai nghiện thành công và tái hòa nhập cộng đồng”, ĐB Toàn nói.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, ĐB Toàn đánh giá việc quảng cáo, giới thiệu quảng bá các sản phẩm trên tất cả các lĩnh vực, trên tất cả các phương tiện, nền tảng xã hội là điều hết sức cần thiết. Đồng thời, các nội dung trong dự án luật sửa đổi đã đề cập nhiều tới các nội dung quảng cáo và đặc biệt là đề cập mới về nội dung người chuyển tải quảng cáo (tức người chuyển tải thông tin) phải đúng nội dung, chất lượng; đặc biệt có quy định là bản thân người đó phải trực tiếp sử dụng sản phẩm và dịch vụ mình quảng cáo. Để hoàn thiện dự án luật, ĐB Toàn kiến nghị bổ sung thêm các chế tài để hạn chế tối đa quảng cáo sai sự thật, lừa dối khách hàng thu lời bất chính.
Đối với nội dung quảng cáo trên phương tiện truyền thông, ĐB Toàn cho rằng những phương tiện truyền thông, nền tảng xã hội mà người tiếp cận không phải trả phí thì đơn vị chủ quản có quyền xây dựng giao diện, cài đặt các chương trình quảng cáo nhưng ở hướng ngược lại, khi người tiêu dùng sử dụng trả phí thì phải đảm bảo quyền lợi cho họ.
 
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đề nghị dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) phải có nhận diện, quy định cụ thể, rõ ràng chính sách của nhà nước trong thu hút và phát triển ngành công nghiệp hóa chất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Tham gia góp ý vào Điều 7 “Các hành vi bị cấm” của dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh đề nghị cần rà soát lại các hành vi bị cấm, vì dự thảo quy định còn chồng chéo, chưa tương thích với một số quy định của pháp luật có liên quan.
Cho rằng xu thế hiện nay là hướng tới nền công nghiệp xanh, quản lý hóa chất là lĩnh vực hết sức khó, ĐB Hạnh đề nghị trong Luật phải có nhận diện, quy định cụ thể, rõ ràng chính sách của nhà nước trong thu hút và phát triển ngành công nghiệp hóa chất tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trong đó, nghiên cứu quy định chính sách đầu tư có chọn lọc, trọng tâm, trọng điểm, tránh việc đầu tư tràn lan, gây lãng phí, tốn kém và không hiệu quả, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái...
ĐB Hạnh cũng đề nghị xem xét kỹ quy định tại khoản 2 Điều 10 “Chính quyền địa phương cấp tỉnh căn cứ chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất đã được phê duyệt để xây dựng nội dung về phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn phù hợp với mục tiêu phát triển KT-XH địa phương”, vì “nội dung về phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn” không phải là địa phương nào cũng phát triển được hoặc phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch từng địa phương.
Tham gia góp ývề chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, ĐB Lý Tiết Hạnh cho rằng mục tiêu đến năm 2030 giảm 20% số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy là chỉ tiêu khó nên phải thực hiện trọng điểm hơn nữa. Tập trung vào các điểm mũi nhọn như: Khoan vùng và quản lý tốt người nghiện; chặt đứt nguồn cung cấp ma túy vào Việt Nam...
 
ĐB Nguyễn Văn Cảnh góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo​. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh.
Tham gia góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, tại khoản 5, Điều 1, của dự thảo Luật có bổ sung khoản 1A vào sau khoản 1 Điều 18 như sau “Từ ngữ bằng Tiếng Việt trong sản phẩm quảng cáo phải đảm bảo giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt và thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt”. Tuy nhiên, theo ĐB Cảnh thì ngôn ngữ trong quảng cáo còn có quy định sử dụng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài. Vì vậy, ĐB Cảnh đề nghị sửa khoản 1A thành “Tiếng nói và chữ viết trong sản phẩm quảng cáo phải thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt và đảm bảo sự trong sáng của Tiếng Việt”.
Hiện nay, có thực trạng ở nhiều nơi sử dụng Thực đơn không có Tiếng Việt, Tiếng Việt nằm sau hoặc nằm dưới tiếng nước ngoài. Để bảo vệ Tiếng Việt, ĐB Cảnh cũng đề nghị tại khoản 1, Điều 2 của dự thảo Luật bổ sung từ “khách hàng” sau từ “công chúng”. Như vậy, Thực đơn sẽ là đối tượng của dự thảo Luật. Đồng thời, cũng cần quy định ngôn ngữ thể hiện trong Thực đơn sẽ thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 18 là Tiếng Việt sẽ được đặt trên, tiếng nước ngoài không được quá 3/4 khổ chữ Tiếng Việt.

 

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây