Buổi sáng
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; đồng thời, tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết như: các nhóm giải pháp về tài khóa, tiền tệ; quy mô gói hỗ trợ từ chính sách tài khóa; mức bội chi, khả năng huy động, khả năng giải ngân; quy mô, mức độ các sắc thuế đề nghị miễn, giảm, giãn, hoãn; quy mô, mức độ gói hỗ trợ từ chính sách tiền tệ; phương án huy động; đối tượng áp dụng chính sách; căn cứ và tiêu chí để đầu tư nguồn lực; chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển; tăng nguồn thu tiết kiệm chi năm 2021; việc áp dụng thí điểm các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn của các dự án hạ tầng chiến lược quan trọng, có quy mô lớn; giải pháp đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; cân đối giữa khả năng huy động vốn, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát; việc thực hiện nhóm chính sách hỗ trợ đối với lao động, việc làm và thực hiện chính sách an sinh xã hội; hỗ trợ cung cấp nguồn lao động, phát triển các trường chất lượng cao; chính sách hỗ trợ đội ngũ nhân lực y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch…Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất giải pháp để tổ chức thực hiện nhanh, dễ kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách; đồng thời, yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc triển khai, giám sát, đánh giá và kiểm tra việc thực hiện chương trình.
Buổi chiều
Nội dung 1: Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung sau: về tên gọi, các quan điểm xây dựng Nghị quyết; về thời hạn áp dụng Chương trình hỗ trợ; về tính hiệu qủa, khả thi của gói chính sách; về quy mô tổng thể chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác; về phân bổ nguồn lực để mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh; về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; về đầu tư kết cấu hạ tầng; các công cụ giám sát để các gói hỗ trợ đạt hiệu quả; về miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 64 nghìn tỷ đồng trong năm 2022; về tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19; về cơ chế cho phép chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng dự án làm vật liệu xây dựng thông thường (chỉ nhằm thực hiện dự án) không phải thực hiện thủ tục cấp phép; về tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…
Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Kết thúc phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết đã có 50 ý kiến đại biểu phát biểu và 03 ý kiến đại biểu tranh luận.
Nội dung 2 (từ 15 giờ 30 đến 17 giờ 00): Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Tại phiên thảo luận, đã có 13 ý kiến đại biểu phát biểu; trong đó, đa số ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; đồng thời, nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng và thể hiện đậm nét bản sắc sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp quan tr vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới. Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với một số địa phương vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về một số nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết như: về Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ; về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ; về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; về quản lý đất đai, quy hoạch; về việc cho phép thành phố Cần Thơ được vay không quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp; về bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố; về ban hành, điều chỉnh phí, lệ phí; chế độ thông tin báo cáo Quốc hội và các cơ quan hữu quan về việc thực hiện Nghị quyết.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Thứ bảy, ngày 08/01/2022, các cơ quan của Quốc hội làm việc theo chương trình riêng. Thứ hai, ngày 10/01/2022, Buổi sáng, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Theo quochoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn