ĐƯA RA TIÊU CHÍ, NGUYÊN TẮC RÕ RÀNG VỚI CÁC ƯU TIÊN, PHÂN NHÓM CỤ THỂ ĐỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN

Thứ sáu - 07/01/2022 16:43
Khẳng định sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về nội dung này cho rằng, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng với các ưu tiên, phân nhóm cụ thể để triển khai thực hiện; tiếp tục đánh giá nhiều chiều, toàn diện và đầy đủ đối với Chương trình;…

Toàn cảnh Phiên thảo luận toàn thể trực tuyến tại điểm cầu Diên Hồng, Nhà Quốc hội

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện

Tham gia thảo luận từ điểm cầu Hà Giang, đại biểu Lý Thị Lan, tán thành với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của chương trình, đặc biệt là nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để đảm bảo hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp đóng góp cho ngân sách nhà nước trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đại biểu cũngđề nghị cần lựa chọn những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để bổ sung và tăng tốc, khơi dậy các nguồn lực của xã hội. Các chính sách giải pháp khả thi hiệu quả, có khả năng hấp thụ và nâng cao tính tự chủ trong nền kinh tế, phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Đồng tình với đề xuất của Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm các cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô lớn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội,  đại biểu cho rằng,  việc áp dụng hình thức chỉ định thầu, gói thầu về thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện nhanh về thủ tục; việc phân cấp, phân quyền,… là phù hợp và cần thiết.

Để đảm bảo hiệu quả của Nghị quyết sau khi được thông qua, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm triển khai chương trình nguồn lực được huy động. Cùng với đó, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện. “Chương trình sau khi triển khai phải có tổng kế, đánh giá để tiếp tục nghiên cứu các chính sách tổng thể, hiệu quả thực hiện các gói kích cầu, hỗ trợ trong giai đoạn tiếp theo,..”, đại biểu Lý Thị Lan đề xuất.

Đại biểu Lý Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang

Cùng quan điểm, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh, để bảo đảm đạt được mục tiêu phòng, chống tham nhũng, tránh lợi dụng chính sách trục lợi, lợi ích nhóm cần quy định cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong các nội dung của Chương trình.

Tại Điều 7 của dự thảo Nghị quyết quy định, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Tuy nhiên, để đảm bảo điều kiện, cơ chế thực hiện, đề nghị cần bổ sung quy định về chế độ báo cáo, thông tin của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, của chính quyền địa phương đến đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội...

“Dự thảo Nghị quyết cần quy định cụ thể về việc Chính phủ báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện chương trình đến với Quốc hội hằng năm. Đây cũng là để Quốc hội kịp thời nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ giám sát theo quy định tại dự thảo Nghị quyết,..”, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương đề xuất.

Bên cạnh đó, để bảo đảm đạt được mục tiêu đề ra tại dự thảo Nghị quyết, đại biểu đề nghị cần rà soát các giải pháp cho phù hợp, đảm bảo tính khả thi. Cụ thể, nghiên cứu dự thảo nghị quyết cho thấy được bố trí nguồn lực khá lớn, quy định thời gian thực hiện khá ngắn, chủ yếu trong 2 năm 2022-2023. Đề nghị trong triển khai thực hiện cần đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, cần quy định thứ tự ưu tiên, các nội dung cụ thể cần làm ngay, nội dung cần triển khai từng bước để đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận 

Ngoài các giải pháp được quy định tại dự thảo Nghị quyết, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương cũng đề nghị cần rà soát, bổ sung giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cần quy định kịp thời việc thực hiện hoàn thiện cơ chế, chính sách cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của guồng máy hành chính nhà nước.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, để giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tạo động lực tăng trưởng trong dài hạn, việc ban hành Nghị quyết là rất cần thiết, nhằm khơi thông lại mạch máu của nền kinh tế vốn đang bị tắc nghẽn do Covid – 19. Tuy nhiên, bố trí vốn, giải ngân nguồn kinh phí lớn trong thời gian rất ngắn, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn để không xảy ra sai sót, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tránh lạm dụng, trục lợi cá nhân như vụ việc tiêu cực thời gian qua.

Đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô

Tại điểm cầu Thái Bình, đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết, về lâu dài việc ổn định kinh tế vĩ mô là rất quan trọng, được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng nên cần đặc biệt chú ý đến vấn đề lạm phát, nợ công, thâm hụt ngân sách và duy trì trong giới hạn chấp nhận được trong một giai đoạn nhất định. Do đó, đại biểu thống nhất trước mắt cân nhắc, điều chỉnh một số chỉ tiêu tài chính quốc gia 5 năm.

Thực hiện điều chỉnh linh hoạt một số chỉ tiêu trong 2 năm 2022  - 2023 nhưng cần có giải pháp cho năm 2024 - 2025, để phấn đấu đạt các chỉ tiêu tài chính quốc gia 5 năm mà Nghị quyết Quốc hội đã ban hành. Hơn nữa, Chính phủ cần rà soát kỹ lưỡng các đối tượng được hỗ trợ để bảo đảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, khả năng trả nợ trong tương lai. Nếu lạm phát tăng cao thì các doanh nghiệp sẽ phải chạy theo vòng xoáy vay nợ, lạm phát, lợi ích Chương trình phục hồi sẽ bị suy giảm.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp là trọng tâm, ưu tiên nhưng hỗ trợ như thế nào là vấn đề cần được tính toán cẩn trọng. Do vậy, trong triển khai chương trình kiến nghị Chính phủ cần lưu ý một số vấn đề: xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề một cách phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu, tính toán khả năng sức hấp thụ của ngành đó đến đâu, phương pháp hỗ trợ ra sao để cân đối ngắn hạn trước mắt và đầu tư phát triển lâu dài;….

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ nhất trí với quy mô và kết cấu của các giải pháp Chính phủ đã trình Quốc hội. Theo đại biểu, quy mô của gói giải pháp như vậy là phù hợp với khả năng hấp thụ của nền kinh tế và phù hợp với sức chịu đựng của hệ thống tài chính tiền tệ của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay dù chúng ta hướng tới mục tiêu phục hồi hay là phát triển thì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống vẫn là yếu tố nền tảng, là thành trì bất khả xâm phạm bởi mất ổn định là mất tất cả. “Trong suốt thời gian hai năm vừa qua thì ngân sách nhà nước cũng như các chính sách tiền tệ cũng đã có những nhiều nỗ lực hỗ trợ cho nền kinh tế và thời điểm này thì dư địa chính sách của chúng ta không còn nhiều,...”, đại biểu Vũ Tiến Lộc lưu ý.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội 

Ngoài ra, đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng bày tỏ đồng tình với Chính phủ đưa ra chính sách linh hoạt nhưng thận trọng, tánh thành việc tích hợp các chính sách tài khóa tiền tệ để đưa gói giải pháp hỗ trợ về lãi suất cho doanh nghiệp với lãi suất 2%, ….

Để đảm bảo hiệu quả triển khai, đại biểu cho rằng, gói giải pháp chỉ mang tính hỗ trợ. Do đó, muốn gói hỗ trợ đảm bảo thành công, thì cần có những giải pháp toàn diện, mở cửa thị trường 1 cách kiên định, mở cửa theo lộ trình chủ động, đẩy mạnh cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính không phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư,… Đại biểu cũng đề nghị, giai đoạn này thực hiện những giải pháp đặc biệt rất cần chương trình hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Cần tính đến khả năng hấp thụ của nền kinh tế

Tại điểm cầu Yên Bái, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị cần bổ sung phần đánh giá tác động đầy đủ, nhiều chiều của việc thực hiện các chính sách nêu trong dự thảo Nghị quyết đến tăng trưởng kinh tế, cân đối vĩ mô, lạm phát, nợ xấu, thu hút đầu tư…cũng như tính khả thi của khả năng hấp thụ các nguồn lực trong thời gian 02 năm thực hiện Chương trình, nhất các dự án đầu tư công.

Đối với chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, đại biểu cơ bản thống nhất với các nội dung quy định tại dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, việc giảm thuế, phí, lệ phí ngay trong năm 2022 dự báo có thể trong ngắn hạn sẽ tạo ra áp lực cân đối ngân sách và nợ công, do vậy đại biểu  đề nghị khi Nghị quyết được Quốc hội xem xét thông qua, Chính phủ và Bộ Tài chính cần có hướng dẫn, chỉ đạo kịp thời các giải pháp để duy trì, bảo đảm cân đối ngân sách địa phương để cho các địa phương điều hành ngân sách được chủ động, linh hoạt, đảm bảo theo các quy định.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận, Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Ngoài ra, đối với chính sách chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng, đại biểu đề nghị để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ngoài các công trình hạ tầng giao thông chiến lược là các dự án đường bộ cao tốc đã được xác định theo quy hoạch, đối với các dự án còn lại, gồm: đường giao thông kết nối vùng, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển, công trình an toàn hồ chứa, khắc phục hậu quả thiên tai, các dự án nâng cấp hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, đề nghị Chính phủ ban hành nguyên tắc, tiêu trí và cho phép các địa phương được chủ động đề xuất danh mục dự án, trên cơ sở đó, Chính phủ lựa chọn theo thứ tự ưu tiên để phân bổ vốn thực hiện; hạn chế đưa các dự án có quy mô tổng mức đầu tư nhỏ vào thực hiện Đề án.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đây là nghị quyết mang tính lịch sử để hỗ trợ một cách kịp thời, tạo sự đột phá, nhằm thúc đẩy phục hồi nền kinh tế và tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu nhấn mạnh, thời hạn áp dụng chương trình hỗ trợ hoàn toàn phù hợp, tiến hành trong thời hạn nhất định để tránh sự dàn trải, lãng phí. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc liệu thời hạn 02 năm đã đủ để tiếp cận, hấp thu hết tác động của chính sách hay chưa đặc biệt là các nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản vì thủ tục tiến hành phải qua nhiều bước với các quy trình, thủ tục như hiện nay là khó khả thi. Do đó, đại biểu cũng đề xuất nghiên cứu, xem xét để quy định thời hạn phù hợp đối với từng gói dự án trong chương trình.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Về nội dung các chính sách tiền tệ như giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế, đại biểu cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết và tin rằng tác động của chính sách tiền tệ này sẽ hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh đại dịch. Với độ phủ rộng, đối tượng cho vay lớn bao gồm nhiều lĩnh vực như y tế, du lịch,… các chính sách này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ một cách tương đối toàn diện cho nền kinh tế phục hồi bền vững. “Trong quá trình triển khai cần cân nhắc lựa chọn những lĩnh vực thực sự chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh để có chính sách lọc được những lĩnh vực chưa cần thiết hỗ trợ cấp bách, ..”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm lưu ý.

Đưa ra tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng với các ưu tiên, phân nhóm

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, căn cứ vào Luật Đầu tư công cũng như các nghị quyết về phân bổ ngân sách, một trong những nguyên tắc quan trọng đó là tất cả những nguồn lực được phân bổ phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện ràng buộc. Lần này chúng ta phân bổ hơn 346.000 tỷ cho nhiều mục tiêu khác nhau, có những tiêu chí được phân bổ trực tiếp, có những tiêu chí thông qua các công cụ khác như thuế, hỗ trợ lãi suất. “Dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng cần có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách. Do đó, cần bổ sung vào nghị quyết những nội dung cụ thể về nguyên tắc, tiêu chí tương ứng với từng chính sách…”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.

Liên quan đến danh mục dự án đại biểu cho rằng, không cần bao quát mọi lĩnh vực đời sống xã hội, chỉ cần tập trung vào hai lĩnh vực cụ thể, đó là những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và thứ hai là những ngành nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất. Trên cơ sở đó cần rà soát, không chấp nhận bội chi, không chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, đại biểu Bế Minh Đức, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đồng tình với việc chi đầu tư phát triển tối đa là 176.000 tỷ đồng theo Điểm b, Điều 3 của dự thảo Nghị quyết để tập trung triển khai trong 2 năm 2022-2023. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, phải đảm bảo nguyên tắc điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong chương trình ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm có tác dụng lan tỏa liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong hai năm 2022, 2023.

Về nội dung này, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, lựa chọn đối tượng hỗ trợ khi áp dụng gói chính sách này cần có tiêu chí rõ ràng  để phát huy hiệu quả nguồn lực hỗ trợ, tránh dàn trải cho các ngành, lĩnh vực không cần thiết ngay tại thời điểm này. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm đặc biệt quan tâm nâng mức hỗ trợ tốt hơn đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực mũi nhọn, lĩnh vực có tiềm năng lợi thế phát triển, xây dựng các công trình thủy lợi mang tính cấp thiết;…

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đề xuất càn có chính sách tái cơ cấu thị trường du lịch; Nâng mức hỗ trợ đối với lĩnh vực ưu tiên, có tiềm năng lợi thế phát triển; Phát triển kinh tế phải song song với bảo vệ môi trường; Ưu tiên đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng; Bảo đảm cân bằng và bình đẳng trong thực hiện chương trình;….

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có phần giải trình, làm rõ nhiều nội dung đại biểu đề xuất./.

Theo Lê Anh - Nghĩa Đức/quochoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây