QUỐC HỘI THẢO LUẬN TRỰC TUYẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG 08 LUẬT: THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN THỂ CHẾ

Thứ hai - 10/01/2022 15:02
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, sáng 10/01, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận toàn thể trực tuyến của Quốc hội

Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với sự cần thiết, quan điểm xây dựng luật, phạm vi sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính cấp bách, đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ ngay nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch COVID-19 để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường; những nội dung đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, được đánh giá tác động đầy đủ; có sự thống nhất cao giữa các cơ quan; đồng thời hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên, cần bảo đảm chặt chẽ; giải quyết được những bức xúc, tắc nghẽn trong điều hành kinh tế - xã hội trong đầu tư, đất đai, dân sự...

Cơ bản thống nhất với các nội dung theo Tờ trình, Dự thảo Luật và báo cáo thẩm tra, các đại biểu cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng về tính cần thiết, bảo đảm xử lý những vấn đề thực sự cấp thiết, còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết. Trong đó, đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm việc phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng, tránh cơ chế xin - cho, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chống lãng phí. Chính phủ cần làm rõ cơ sở chính trị pháp lý của việc ban hành luật, cân nhắc cơ sở thực tiễn; cần phải đánh giá tác động của các nội dung.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc sửa đổi, bổ sung 08 luật mang tính độc lập gây khó khăn trong quá trình theo dõi. Các nội dung đề xuất sửa đổi có thể được quy định và điều chỉnh tại nhiều luật khác nhau. Do vậy, đề nghị rà soát kỹ lưỡng các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh tạo mâu thuẫn sau khi thông qua, đồng thời, bảo đảm tính thống nhất nội tại của từng luật.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cũng cho rằng, với 9 điều trong dự thảo Luật sửa đổi chưa bao quát hết và chưa thể hiện được sự ưu tiên cho những vướng mắc, khó khăn trực tiếp ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp (vướng mắc về quyền sử dụng đất ở trong các dự án đầu tư kinh doanh nhà ở thương mại, vướng mắc về báo cáo giữa kỳ có kiểm toán của doanh nghiệp Nhà nước….). Thực tiễn công tác mua sắm, đấu thầu trong thời gian qua đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi bổ sung quy định của pháp luật đấu thầu để đáp ứng đòi hỏi cấp bách trong việc mua sắm phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh, cần tiếp tục cải tiến quy trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; đề nghị trong Luật đấu thầu nên có chương riêng dành cho lĩnh vực y tế; có quy định riêng cụ thể để việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, sinh phẩm được rõ ràng trong tình hình dịch bệnh.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu trực tuyến

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Khánh Thu, điểm ưu việt trong dự thảo Luật sửa đổi lần này đó là việc phân cấp phân quyền cho các địa phương rõ ràng. Tuy nhiên cần nên có gắn thêm trách nhiệm cụ thể hơn. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các quy định về hậu kiểm để đánh giá giám sát. Như tại Luật Đấu thầu hiện hành chưa quy định đầy đủ về quy trình kiểm tra giám sát xử lý vi phạm đặc biệt là công tác kiểm tra kết quả thực hiện, kết quả thanh tra kiểm tra giám sát mà mới chỉ tập trung quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm của nhà thầu, chủ đầu tư, chưa có quy định cụ thể về chế tài xử lý vi phạm đối với bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền…

Lưu ý, việc áp dụng kỹ thuật một luật sửa nhiều luật cũng có những hạn chế nhất định, mà nếu bị lạm dụng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống pháp luật, đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị chỉ xem xét, thông qua những nội dung cấp bách, thực sự là điểm nghẽn, điểm vướng mắc đã được làm rõ, đã có sự thống nhất cao, không còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu từ điểm cầu Nhà Quốc hội

Đồng thời, do dự luật lần này điều chỉnh nhiều vấn đề tách biệt, không liên quan đến nhau về mặt nội dung, đại biểu đề nghị khi biểu quyết thông qua luật này, cần biểu quyết riêng từng nội dung được sửa đổi, bổ sung trong các dự án luật trước khi biểu quyết thông qua toàn dự án luật. 

Riêng về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở, đại biểu Hoàng Minh Hiếu kiến nghị trước mắt chỉ sửa đổi, bổ sung để làm rõ và hiểu thống nhất về các hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại đã được Luật Nhà ở hiện hành quy định, tháo gỡ vướng mắc về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Không bổ sung hình thức sử dụng đất không phải là đất ở làm dự án nhà ở thương mại vì vấn đề này cần có sự đánh giá tác động kỹ lưỡng. Trong trường hợp cần thiết, có thể tiến hành thí điểm về nội dung này ở một số địa phương trước khi tổng kết, luật hoá khi sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Luật Đất đai sửa đổi.  

Quy định chi tiết, đồng bộ để bảo đảm hiệu quả thực thi

Theo đại biểu Cầm Hà Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật "Sửa đổi bổ sung điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư" đã mở rộng thẩm quyền của cấp tỉnh trong chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị; tạo điều kiện để sớm triển khai thực hiện các dự án. Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều ràng buộc bởi các luật liên quan khác như Luật Quy hoạch  hay Luật Đất đai đã làm hạn chế ưu điểm của những sửa đổi, bổ sung trên.

Đại biểu Cầm Hà Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu từ điểm cầu Phú Thọ

Đại biểu chỉ rõ, tại Luật Quy hoạch đô thị, đối với các đô thị loại I trực thuộc tỉnh, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chung (bao gồm điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ) là của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của cấp tỉnh được mở rộng như quy định trong Dự thảo Luật, trong khi thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị loại I không thay đổi. Từ thực tiễn trên, đại biểu cho rằng việc phân quyền về chấp thuận chủ trương đầu tư cho cấp tỉnh đòi hỏi phải đảm bảo đồng bộ với phân quyền đối với các nội dung có liên quan đã quy định trong các Luật khác; loại bỏ các quy định phải có ý kiến thỏa thuận, chấp thuận hoặc xin ý kiến của cơ quan Nhà nước cấp trên đối với những vấn đề đã được phân cấp, phân quyền.

Đại biểu đề xuất Quốc hội xem xét giao Thủ tướng Chính phủ phân quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị loại I cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đối với các khu vực hiện đang nằm trong các khu vực đô thị hiện hữu và là các khu chức năng không đóng vai trò là trung tâm chính trị - hành chính, dịch vụ, thương mại, văn hoá, giáo dục, đào tạo, y tế, công viên cây xanh, thể dục, thể thao cấp đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Trong khi đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng từ chính sách đến cuộc sống là cả khoảng cách và để pháp luật đi vào cuộc sống cần các quy định cụ thể, kín kẽ, bảo đảm hiệu quả quản lý. Trong trường hợp chuẩn bị chưa đồng bộ, đầy đủ chặt chẽ có thể tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi vào thời điểm phù hợp.

Cho ý kiến cụ thể về nội dung sửa đổi Luật Điện lực, đại biểu cho rằng việc thế chế hóa Nqhị quyết 55-NQ/TW theo đó cho phép tư nhân tham gia xây dựng hệ thống truyền tải điện là cần thiết. Tuy nhiên thể chế hóa như nào cho đúng, phù hợp với thực tế là vấn đề cần được cân nhắc thận trọng đảm bảo tính hợp ý, khả thi hài hòa lợi ích 3 bên.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội 

Đại biểu cũng cho rằng dự thảo luật chưa quy định rõ về nội dung, chưa phân định cụ thể giữa phạm vi độc quyền và không độc quyền, có thể dẫn đến tùy tiện trong áp dụng. Do đó, đề nghị quy định cụ thể loại lưới điện truyền tải nào các thành phần kinh tế tư nhân được đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành và chủng loại nào do nhà nước quy hoạch, chỉ giao EVN thực hiện; quy định cụ thể về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ; trách nhiệm của từng chủ thể trong quyết định đầu tư, quản lý Nhà nước, trách nhiệm doanh nghiệp.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng lưu ý đến việc đánh giá tác động bảo đảm bình ổn giá điện; tính an toàn của hệ thống lưới điện khi giao tư nhân tham gia vận hành; các quy định cơ chế định giá, phương pháp định giá để hạch toán và định giá chuyển giao sau xây dựng; xây dựng cơ chế, tiêu chuẩn, cụ thể trong lựa chọn nhà đầu tư để bảo đảm công khai minh bạch, cạnh tranh bình đẳng.

Các đại biểu tham dự phiên họp từ điểm cầu Nhà Quốc hội

Ngoài ra, có đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc bổ sung ngành, nghề kinh doanh dịch vụ, sản phẩm an ninh mạng vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Phụ lục IV Luật Đầu tư.

Có ý kiến đề nghị đánh giá lại tính cấp bách của việc sửa đổi quy định về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, quy mô dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt; đề nghị cần rất thận trọng phân cấp, thực hiện nghiêm túc trong công tác bảo vệ di sản.

Liên quan đến nội dung sửa đổi Luật Thi hành án dân sự, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự. Đồng thời, đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa 2 cơ chế: ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản. Lưu ý, quy định chi tiết việc ủy thác xử lý tài sản trong trường hợp thi hành án liên quan đến nhiều việc, nhiều địa phương khi thực hiện phong tỏa tài sản, ủy thác thi hành án. Trách nhiệm của cơ quan thi hành án trong trường hợp ủy thác thi hành án cho nhiều địa phương vượt quá mức tài sản thi hành án dân sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung phiên họp

Tại phiên họp, các đại biểu cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan tổng hợp đầy đủ, nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua./.

Theo Bảo Yến - Minh Thành/quochoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây