Đề xuất áp dụng biện pháp chống dịch như trong tình trạng khẩn cấp

Thứ bảy - 24/07/2021 17:40

Chính phủ đề xuất Quốc hội áp dụng biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp, có cơ chế đặc cách trong mua sắm thuốc, vaccine...

Chiều 24/7, Chính phủ trình Quốc hội các giải pháp tăng cường phòng, chống Covid-19. Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Y tế, cho biết thực tế công tác phòng, chống Covid-19 đã phát sinh các tình huống bất cập, cần giải quyết ngay. Vì Covid-19 chưa có tiền lệ nên cần những biện pháp chưa có trong tiền lệ để giải quyết. Thủ tướng, Chính phủ cần được trao quyền chủ động, mạnh mẽ hơn trong giải quyết vấn đề phát sinh, cấp bách phòng, chống Covid-19.

"Chính phủ cần thiết áp dụng những biện pháp chống dịch như trong điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp", Bộ trưởng Y tế nói và giải thích thêm nếu ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ có những tác động bất lợi đến kinh tế, an ninh trật tự, đối ngoại, đời sống nhân dân...

140
Ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Hoàng Phong


 

Chính phủ đề xuất Quốc hội 6 nội dung, trong đó có việc cho phép Chính phủ chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua, các biện pháp quy định tại Điều 54 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp và biện pháp cần thiết khác theo quy định của pháp luật hiện hành, như trong trường hợp đã ban bố tình trạng khẩn cấp...

Chính phủ cũng được áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế, hóa chất, đầu tư cơ sở vật chất.

Ngoài ra, Chính phủ còn đề xuất Thủ tướng quyết định chuyển nguồn kinh phí trong dự toán đã được duyệt, thay đổi, điều chuyển nguồn kinh phí trong ngân sách nhưng chưa có trong dự toán cho công tác phòng, chống dịch bệnh; tạm ứng ngân sách trong trường hợp vượt dự toán đã phê duyệt. Địa phương được trung ương hỗ trợ trong trường hợp cần thiết...

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, bà Nguyễn Thuý Anh, Ủy ban Xã hội, đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp tránh tối đa tiêu cực, lãng phí có thể xảy ra; cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đưa vào nghị quyết các chính sách hỗ trợ cho nông dân, người lao động khu vực phi chính thức, lao động trong doanh nghiệp bị ngừng, nghỉ việc, mất việc làm, các nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh... nhằm bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia.

Về thời hạn hiệu lực của nghị quyết, Ủy ban Xã hội cho rằng chỉ nên thực hiện đến hết năm 2022 và phục vụ trực tiếp cho công tác phòng, chống Covid-19.

Từ ngày 27/4 đến nay, cả nước ghi nhận 83.191 ca Covid-19, ở 62 tỉnh, thành. Hà Nội và 19 tỉnh, thành phía Nam đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Tác giả bài viết: Theo https://vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây