“Đã xác định chống dịch như chống giặc thì có thể áp dụng các “chính sách thời chiến”, tiết giảm các thủ tục, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cấp có thẩm quyền trong thực hiện các cơ chế đặc thù”, đại biểu (ĐB) Toàn nói.
ĐB Lê Kim Toàn cũng nhấn mạnh yêu cầu chủ động hơn nữa trong tạo nguồn vắc xin để chống dịch hiệu quả. Cần lên kịch bản bản hết sức cụ thể, chi tiết để đối phó với tình hình dịch bệnh phức tạp, số ca bệnh tăng nhanh, kể cả kịch bản xấu nhất có thể xảy ra. Trong đó, đặc biệt chú trọng phương án cách ly, điều trị tại nhà, tại cơ sở y tế.
Về công tác hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ĐB Toàn cho rằng, khâu hỗ trợ người dân rất kịp thời, một số nơi đã ứng ngay ngân sách địa phương để trao tận tay người dân. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho DN còn chậm; cần cắt giảm thủ tục, tiến hành hỗ trợ nhanh và thực hiện hậu kiểm, xử lý các trường hợp trục lợi chính sách.
Bên cạnh đó, ĐB Lê Kim Toàn lưu ý phải thực hiện tốt Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa khơi thông dòng chảy, không để đứt gãy chuỗi cung - cầu. Thời gian qua, đã có một số địa phương áp dụng các hình thức chống dịch cực đoan, cứng nhắc, vô hình trung đẩy cái khó cho địa phương khác, tác động đến chuỗi cung - cầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (ĐB Đoàn Bình Định) chia sẻ rằng, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tham mưu Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng; thực hiện miễn giảm 30 loại phí, đưa ra các chính sách hỗ trợ cho các tỉnh, cấp kinh phí cho các bộ, ngành chống dịch.