Đó là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi thảo luận ở tổ vào sáng 23.7 về Kế hoạch tài chính quốc gia và Kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021 - 2025.
Về Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm tới, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn thống nhất theo các dự kiến do Chính phủ đề xuất. ĐB Toàn đồng tình với ý kiến của một số đại biểu cho rằng cần cải tiến phương pháp thu để quản lý chặt nguồn thu, trên quan điểm vừa chống thất thu ngân sách, đảm bảo nhiệm vụ chi, nhưng phải nuôi dưỡng nguồn thu. Trong đó, đặc biệt chú ý các biện pháp kiên quyết chống hiện tượng chuyển giá, trốn thuế để tăng nguồn thu, vừa đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng giữa các thành phần kinh tế. Về chi ngân sách, ĐB Toàn đặt ra yêu cầu tiếp tục tiết giảm chi, tiết kiệm chi, nhất là giảm chi thường xuyên để dành cho chi đầu tư phát triển. Bên cạnh sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế để giảm chi thường xuyên, cũng cần tăng cường tính tự chủ, tính chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập. “Phải thực hiện có hiệu quả chủ trương lĩnh vực vực nào thuộc dịch vụ công ích mà xã hội làm được thì ta khoán, ta thuê, không nhất thiết thành lập tổ chức, đơn vị để thực hiện lĩnh vực đó”, ĐB Toàn nhấn mạnh. Bên cạnh đó, trong chi đầu tư phát triển cũng phải hết sức tiết kiệm dựa trên 2 khía cạnh. Thứ nhất là đầu tư có hiệu quả, tránh dàn trải; tập trung cho các công trình cấp bách, có tác động ngay trong quá trình phát triển KT-XH của địa phương, của vùng và cả nước. Thứ hai là rà soát định mức tiêu chuẩn trên từng lĩnh vực, ngành nghề đầu tư. “Mọi người rất thắc mắc vì sao cùng một công trình, một cấp công trình, một loại hình công trình nhưng tư nhân làm rất rẻ, rất nhanh; nhà nước làm khi thanh quyết toán thì giá thành cao hơn, thời gian đầu tư chậm hơn, lại hay điều chỉnh vốn đầu tư”, ĐB Toàn nêu vấn đề.
Liên quan đến các giải pháp đề ra trong Kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, ĐB Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) nhấn mạnh sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế để giảm chi thường xuyên là giải pháp rất quan trọng cho mọi lĩnh vực hiện nay. “Nhìn tổng thể, việc càng ngày càng nhiều, càng khó với những thay đổi về KT-XH nhưng người càng ít. Do đó, tinh giản đồng thời phải nâng cao năng lực của đội ngũ nhân lực. Đây là vấn đề không mới; mấu chốt là phải xây dựng và hoàn thành đề án vị trí việc làm, làm nhanh, có chất lượng, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, đổi mới chính sách đãi ngộ, chính sách tiền công, tiền lương”, ĐB Ba nói.
Về vấn đề giảm chi thường xuyên và tăng chi đầu tư, ĐB Hồ Đức Phớc cho hay, Chính phủ hết sức tiết kiệm, giảm chi cho bộ máy. Muốn giảm chi thì phải giảm bộ máy, quá trình này có cố gắng nhưng chưa đạt yêu cầu. Theo phân tích của ĐB Phớc, trong cơ cấu các khoản chi thường xuyên, chiếm phần lớn là chi có mục tiêu liên quan đến chế độ, chính sách cho đồng bào dân tộc miền núi; còn chi từ định mức của các bộ, ngành, các đơn vị hưởng thụ ngân sách thì rất thấp. Trong cơ cấu chi thường xuyên của các bộ, ngành, chi lương và phụ cấp lương chiếm gần 70%, chỉ có khoảng 30% còn lại dành cho các hoạt động của bộ máy từ xăng xe, công tác phí, tiếp khách, văn phòng phẩm... “Do đó, giảm bộ máy - tức giảm tiền lương thì sẽ giảm được chi thường xuyên”, ĐB Phớc kết luận.