Toàn cảnh Phiên họp
Tích cực nâng cao chất lượng việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri
Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, nhiều kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là ở các lĩnh vực Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp, nông thôn; Nội vụ; Giao thông, vận tải; Tài nguyên và Môi trường… Đến nay, 100% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri.
Trưởng Ban Dân nguyện nêu rõ, cử tri tin tưởng và đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động dự báo; vào cuộc từ sớm, từ xa; phối hợp và giữ vững kỷ cương đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất để kịp thời có những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phòng, chống dịch Covid -19. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, gắn kết chặt chẽ với hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Trưởng Ban Dân nguyện cũng cho biết, các kiến nghị cử tri đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước. Nội dung văn bản trả lời mang tính cầu thị, tập trung làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị. Chất lượng việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri ngày càng được nâng cao. Nhiều kiến nghị cử tri được giải quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân. Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp về những vấn đề cử tri quan tâm, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện chỉ rõ, công tác này còn một số tồn tại, hạn chế như: một số quyền lợi hợp pháp của người dân đã được quy định nhưng việc tổ chức triển khai chưa hiệu quả nên người dân chưa được thụ hưởng; một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết do một số Bộ, ngành chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, chưa xác định đúng nội dung cử tri kiến nghị hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc; một số văn bản Bộ, ngành trả lời cử tri chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc giải quyết.
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo
Về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 4/2022, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng qua, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự quan tâm và kỳ vọng rất cao về các nội dung được Trung ương xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương lần thứ năm, nội dung Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội trong đó có nhiều nội dung quan trọng, có tác động tích cực, toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội, định hướng và sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Cử tri và Nhân dân cũng bày tỏ sự quan tâm về dự kiến các nội dung được Quốc hội xem xét thông qua và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, trong đó một số dự thảo Luật được đông đảo cử tri quan tâm, kiến nghị tại các Kỳ họp trước. Một số chủ trương, dự án có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng kinh tế.
Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân quan tâm, lo lắng về tình hình cháy nổ tại các nhà máy, nhà xưởng… diễn ra liên tiếp trong thời gian qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu; giá cả vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao trong khi giá sản phẩm nông nghiệp không tăng, người nông dân sản xuất nông nghiệp không có lãi, đời sống gặp nhiều khó khăn, người nông dân không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, cử tri và Nhân dân cho rằng thông điệp 5K của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện suốt hơn 2 năm qua đã góp phần mang lại nhiều thành quả chống dịch cho Việt Nam, tuy nhiên, cần nghiên cứu để hướng dẫn cho phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Về kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri do các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri tại trước và sau Kỳ họp thứ 2, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất gửi đến, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và chuyển kiến nghị cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay 100% kiến nghị cử tri đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, trả lời. Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư tiếp tục được các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc thực hiện thường xuyên và ngày càng đi vào nề nếp; việc nghiên cứu những đơn thư khiếu nại, tố cáo có căn cứ để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết được quan tâm chú trọng, đảm bảo thực hiện đúng quy định góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Dân nguyện, công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn chủ yếu dừng lại ở việc tiếp nhận, phân loại, chuyển đơn công dân khiếu nại, tố cáo có căn cứ đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hoạt động giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa thực hiện được nhiều, việc theo dõi, đôn đốc đối với đơn thư đã chuyển chưa quyết liệt, nhất là đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát.
Để nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện trong thời gian tới, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, linh hoạt hơn về phương thức tiếp xúc, thu thập ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân tại địa phương để định kỳ hằng tháng tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc, kéo dài ở địa phương.
Bổ sung vào báo cáo những nội dung vấn đề nóng đang được cử tri và nhân dân rất quan tâm
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo của Ban Dân nguyện, đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị Báo cáo rất công phu, đầu tư nhiều công sức, đến nay công tác dân nguyện đã ngày càng nâng cao hiệu quả.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị báo cáo bổ sung những thay đổi tích cực trong công tác dân nguyện thời gian vừa qua. Cụ thể, kể từ tháng 8/2021, hàng tháng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thảo luận về báo cáo công tác dân nguyện, từ đó, công tác dân nguyện ngày càng điều chỉnh kịp thời, nâng cao hiệu quả, đi vào nề nếp, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và sự đổi mới trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng chỉ rõ, báo cáo cần nêu rõ nội dung 04 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cử tri và nhân dân có thể quan tâm tham gia theo dõi, giám sát.
Thêm vào đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng báo cáo cần có so sánh số liệu cụ thể so với kỳ trước, lý giải tình hình khiếu kiện vượt cấp kéo dài, xác định rõ trách nhiệm của trung ương, các địa phương trong vấn đề này, đặc biệt bổ sung nội dung về các vấn đề nóng đang rất được cử tri và nhân dân quan tâm như các vấn đề khiếu kiện liên quan đến đất đai, vấn đề bất ổn giá cả xăng dầu, nguyên liệu, vật tư gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sản xuất.
Cùng chia sẻ quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, qua phản ánh của nhiều Đoàn ĐBQH, cử tri, nhân dân rất quan tâm đến việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Tại nhiều địa phương, có những dự án đã hoàn thiện, đưa vào hoạt động nhưng vẫn còn khiếu nại kéo dài trong vấn đề bồi thường, tái định cư. Cử tri, các cấp chính quyền địa phương mong muốn Quốc hội sớm có điều chỉnh, sửa đổi Luật Đất đai để gỡ vướng mắc, khắc phục tồn tại hạn chế trong bồi thường hỗ trợ tái định cư, đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang đô thị, phát triển đất nước. Thêm vào đó, liên quan đến việc làm đường xuyên qua vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển ở Đồng Nai, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng cần cân nhắc để phòng, tránh tình trạng phá rừng, cháy rừng.
Quan tâm đến vấn đề về tần suất các vụ động đất ở Kon Tum ngày càng tăng có nguyên nhân do các đập tích nước thủy điện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Ban Dân nguyện lưu ý nội dung này. Đồng thời cho rằng Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương cần có báo cáo cụ thể trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại Phiên họp
Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, báo cáo cần bổ sung nhiều vấn đề nóng được dư luận, cử tri hết sức quan tâm, có tác động lâu dài và nặng nề với đời sống người dân như vấn đề giá cả tăng cao, nhất là những nhóm mặt hàng ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, các vấn đề khiếu kiện liên quan đến đất đai, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, vấn đề điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong khu vực sản xuất, tình trạng bất ổn của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh các vấn đề về kinh tế, báo cáo công tác dân nguyện cần nắm bắt được tâm tư cử tri, dư luận quần chúng nhân dân trong các vấn đề về văn hóa, giáo dục như việc tiêm vắc xin cho trẻ em, việc mở cửa trường học, chương trình sách giáo khoa, việc thi tuyển sinh đại học…
Kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04/2022. Đồng thời, đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung trong báo cáo, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ý kiến giải trình, báo cáo bổ sung của các Bộ, ngành để hoàn thiện báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi chuyển tới các đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, báo cáo cần bổ sung nội dung xung quanh kết quả đổi mới hoạt động trong việc Ủy ban Thường vụ nghe báo cáo công tác dân nguyện hàng tháng, tạo chuyển biến tích cực trong tiến độ giải quyết khiếu nại, tố cáo, ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đồng thời, cần nêu thêm nội dung 04 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung nội dung về y tế, học đường, tình trạng giá cả tăng cao, rút bảo hiểm một lần, những băn khoăn về thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, riêng với báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, cần hoàn thành báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời chuyển thể thành thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền để tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ hành chính, chuyên môn.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị báo cáo bổ sung những thay đổi tích cực trong công tác dân nguyện thời gian vừa qua; từ đó, công tác dân nguyện ngày càng điều chỉnh kịp thời, nâng cao hiệu quả, đi vào nề nếp.
Liên quan đến việc làm đường xuyên qua vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển ở Đồng Nai, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng cần cân nhắc để phòng, tránh tình trạng phá rừng, cháy rừng.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng cần có hướng dẫn về danh mục vật liệu xây dựng mới, thân thiện để người dân vùng đồng dân tộc có thể tiếp cận và sử dụng vật liệu này một cách hợp lý trong việc duy trì bản sắc, giá trị văn hóa riêng biệt và cũng đúng với tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị Ban Dân nguyện lưu ý vấn đề về tần suất các vụ động đất ở Kon Tum ngày càng tăng có nguyên nhân do các đập tích nước thủy điện.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ban Dân nguyện xem xét để chuẩn bị các nội dung liên quan, báo cáo Quốc hội về các vấn đề liên quan đến thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản.
Về hướng dẫn sử dụng vật liệu xây dựng của người HMông để xây dựng nhà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định hỗ trợ về nhà, trong đó có quy định sử dụng các vật liệu thay thế chủ yếu là những vật liệu xi măng, sắt thép và những vật liệu có thể ở tại các địa phương để thay thế.
Đối với vấn đề về di dời đường dây điện cao thế 500 KV ra khỏi trung tâm thành phố Gia Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đề nghị EVN báo cáo xin ý kiến của cơ quan chủ quản là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để thúc đẩy nhanh, có phương án để di dời các cột điện này.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, Bộ đã có nhiều văn bản điều tiết, cắt giảm chương trình; đảm bảo vừa có đủ căn cứ đánh giá cho các học sinh tốt nghiệp, vừa phân hóa được cho các trường, các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tuyển sinh.
Kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, UBTVQH cơ bản nhất trí với báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2; báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04/2022.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện tiếp tục hoàn thiện các báo cáo; đồng thời chuyển thể thành thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền để tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ hành chính, chuyên môn./.
Nguồn tin: Theo Hồ Hương- Phạm Thắng -quochoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn