UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT, TRẢ LỜI KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI GỬI ĐẾN KỲ HỌP THỨ 2 VÀ XEM XÉT BÁO CÁO CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN THÁNG 4/2022

Thứ năm - 12/05/2022 09:42
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 11, chiều 11/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04/2022. Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

UBTVQH cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 và xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04/2022

100% kiến nghị cử tri đã được trả lời, giải quyết

Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, nhiều kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Các kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là ở các lĩnh vực Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp, nông thôn; Nội vụ; Giao thông, vận tải; Tài nguyên và Môi trường… Đến nay, 100% kiến nghị đã được giải quyết, trả lời cử tri.

Trưởng Ban Dân nguyện nêu rõ, cử tri tin tưởng và đánh giá cao Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tinh thần chủ động dự báo; vào cuộc từ sớm, từ xa; phối hợp và giữ vững kỷ cương đã tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất để kịp thời có những quyết sách quan trọng, giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và phòng, chống dịch Covid -19. Nhiều vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, gắn kết chặt chẽ với hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, công tác xây dựng pháp luật tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều đổi mới mạnh mẽ, lần đầu tiên tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn trực tiếp và kết nối trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trong cả nước đối với Bộ trưởng Bộ Công thương và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về những vấn đề cử tri và xã hội quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp

Trưởng Ban Dân nguyện cũng cho biết, các kiến nghị cử tri đã được Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tập trung nghiên cứu giải quyết, thể hiện trách nhiệm cao trong quản lý nhà nước. Nội dung văn bản trả lời mang tính cầu thị, tập trung làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm kiến nghị. Chất lượng việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri ngày càng được nâng cao. Nhiều kiến nghị cử tri được giải quyết đã kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc góp phần ổn định và cải thiện đời sống của Nhân dân. Một số kiến nghị cụ thể của cử tri đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các giải pháp thiết thực để giải quyết hoặc giải đáp về những vấn đề cử tri quan tâm, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ, công tác này còn một số tồn tại, hạn chế như: một số quyền lợi hợp pháp của người dân đã được quy định nhưng việc tổ chức triển khai chưa hiệu quả nên người dân chưa được thụ hưởng; một số kiến nghị cử tri chưa được giải quyết do một số Bộ, ngành chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn, chưa xác định đúng nội dung cử tri kiến nghị hoặc thiếu kiểm tra, đôn đốc; một số văn bản Bộ, ngành trả lời cử tri chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc giải quyết.

Ban Dân nguyện kiến nghị các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản Quy phạm pháp luật; giám sát những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân. Các Đoàn ĐBQH, đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri; giải đáp ngay những vấn đề cử tri kiến nghị đã được pháp luật quy định hoặc đã được trả lời, giải quyết dứt điểm, tránh việc tổng hợp những kiến nghị này gửi lên các cơ quan Trung ương đề nghị giải quyết.

Cùng với đó, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế như đã nêu trong báo cáo; rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau.

Công tác dân nguyện được thực hiện thường xuyên, ngày càng đi vào nề nếp

Về công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 4/2022, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng qua, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự quan tâm và kỳ vọng rất cao về các nội dung được Trung ương xem xét, cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương lần thứ năm, nội dung Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội trong đó có nhiều nội dung quan trọng, có tác động tích cực, toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội, định hướng và sự phát triển của đất nước trong thời gian tới.

Cử tri và Nhân dân cũng bày tỏ sự quan tâm về dự kiến các nội dung được Quốc hội xem xét thông qua và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, trong đó một số dự thảo Luật được đông đảo cử tri quan tâm, kiến nghị tại các Kỳ họp trước. Một số chủ trương, dự án có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng kinh tế.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo

Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân quan tâm, lo lắng về tình hình cháy nổ tại các nhà máy, nhà xưởng… diễn ra liên tiếp trong thời gian qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu; giá cả vật tư nông nghiệp ngày càng tăng cao trong khi giá sản phẩm nông nghiệp không tăng, người nông dân sản xuất nông nghiệp không có lãi, đời sống gặp nhiều khó khăn, người nông dân không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, cử tri và Nhân dân cho rằng thông điệp 5K của Bộ Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19 được thực hiện suốt hơn 2 năm qua đã góp phần mang lại nhiều thành quả chống dịch cho Việt Nam, tuy nhiên, cần nghiên cứu để hướng dẫn cho phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.

Về kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri do các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri tại trước và sau Kỳ họp thứ 2, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất gửi đến, Ban Dân nguyện đã tiếp nhận và chuyển kiến nghị cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay 100% kiến nghị cử tri đã được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, trả lời.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong tháng 4 tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tiếp tục tăng so với tháng trước. Về nội dung khiếu nại, tố cáo, nổi lên một số nhóm vụ việc khiếu kiện đông người có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự. Có 04 vụ việc liên quan đến việc công nhân đình công, nghỉ việc tập thể. Chính quyền các địa phương và lãnh đạo các Công ty họp bàn, làm việc với công nhân thống nhất về việc tăng lương và các khoản phụ cấp, đến nay công nhân đã quay trở lại làm việc bình thường.

Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, công tác tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư tiếp tục được các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH và đại biểu Quốc thực hiện thường xuyên và ngày càng đi vào nề nếp; việc nghiên cứu những đơn thư khiếu nại, tố cáo có căn cứ để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết được quan tâm chú trọng, đảm bảo thực hiện đúng quy định góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được tăng cường hơn; việc theo dõi, đôn đốc, rà soát kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được chú trọng, quan tâm nhiều hơn và đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Dân nguyện, công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo vẫn chủ yếu dừng lại ở việc tiếp nhận, phân loại, chuyển đơn công dân khiếu nại, tố cáo có căn cứ đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hoạt động giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa thực hiện được nhiều, việc theo dõi, đôn đốc đối với đơn thư đã chuyển chưa quyết liệt, nhất là đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát.

Để nâng cao hiệu quả công tác dân nguyện trong thời gian tới, Trưởng Ban Dân nguyện đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội cần tiếp tục đổi mới, linh hoạt hơn về phương thức tiếp xúc, thu thập ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân tại địa phương để định kỳ hằng tháng tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc phức tạp, nổi cộm, bức xúc, kéo dài ở địa phương.

Sau khi nghe trình bày các báo cáo, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; đóng góp ý kiến thảo luận về báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 04/2022.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội sẽ tiếp tục thông tin chi tiết nội dung Phiên họp./.

 

Nguồn tin: Theo Hồ Hương- Phạm Thắng -quochoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây