CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ LÀM VIỆC VỚI BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY BÌNH ĐỊNH

Thứ hai - 04/03/2024 15:18

Sáng nay, 04/3, tiếp tục các hoạt động tại tỉnh Bình Định, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và các năm tiếp theo.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ DỰ LỄ KHÁNH THÀNH KHU CÔNG NGHIỆP, ĐÔ THỊ VÀ DỊCH VỤ BECAMEX VSIP BÌNH ĐỊNH

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ DỰ HỘI NGHỊ CÔNG BỐ QUY HOẠCH VÀ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH PHÚ YÊN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định. Ảnh: Lâm Hiển

Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng. 

Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; Ủy viên Thường trực Ban Thư ký, Vụ trưởng Vụ Thư ký - VPQH Phan Thị Thùy Linh; lãnh đạo một số bộ và lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Định. 

16/22 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ tiếp cận, đạt và vượt kế hoạch

Là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ với chiều dài bờ biển 134 km, Bình Định có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và trong giao lưu với quốc tế. Bình Định nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt và đường bộ Bắc - Nam Việt Nam, là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan thông qua Quốc lộ 19 và Cảng biển quốc tế Quy Nhơn. Bình Định đã có hệ thống giao thông cơ bản hoàn thiện, đồng bộ với đầy đủ các phương thức vận tải (đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển).

Bình Định cũng là mảnh đất có bề dày văn hóa - lịch sử, truyền thống với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của Vương quốc Chămpa; là nơi phát tích phong trào Tây Sơn, gắn với tên tuổi người Anh hùng kiệt xuất Quang Trung - Nguyễn Huệ. Nơi đây từ lâu được biết đến là miền “đất võ, trời văn” với nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, riêng có và có nhiều điểm du lịch hấp dẫn.

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2023, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và các năm tới.  

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định, trong năm 2023 và 3 năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn và đã đạt được những kết quả tích cực.

Đến nay có 16/22 chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm: 2/5 chỉ tiêu về kinh tế; 8/10 chỉ tiêu về văn hóa - xã hội; 5/5 chỉ tiêu về môi trường; 1/2 chỉ tiêu về xây dựng Đảng đã tiếp cận, đạt và vượt kế hoạch đề ra. Còn lại 6/22 chỉ tiêu về tăng trưởng sản phẩm địa phương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu ngân sách; tăng tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội; giảm nghèo; phát triển đảng viên mới cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ.

Các đại biểu dự cuộc làm việc. Ảnh: Lâm Hiển

Riêng năm 2023, tỉnh đạt và vượt kế hoạch 17/19 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,61% (xếp thứ 17/63 trong cả nước, thứ 6/14 trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ và thứ 1/5 trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung). Quy mô kinh tế ước đạt 117.668,8 tỷ đồng, xếp thứ 5/14 trong khu vực miền Trung; GRDP đầu người ước đạt 78,19 triệu đồng.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD, đạt 100% kế hoạch. Tổng thu NSNN đạt 12.762 tỷ đồng, đạt 93,5% dự toán. Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư được đẩy mạnh, đã thu hút 86 dự án, tổng vốn đăng ký gần 16.500 tỷ đồng, vượt 43,3% kế hoạch năm. Lượng khách du lịch tăng 21,4%, doanh thu du lịch tăng 25% so với cùng kỳ. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực với  85/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 76,6%. 

Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, nhất là các tuyến giao thông kết nối, trong đó đã khánh thành tuyến ven biển (Cát Tiến - Mỹ Thành); khởi công các dự án Tuyến đường ven biển (Quốc lộ 1D - Quốc lộ 19 mới), tuyến kết nối từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp Becamex VSIP). Hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp được đầu tư hoàn thiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham quan các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: Lâm Hiển

Bình Định đã tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng đưa 42 dự án đi vào hoạt động, đặc biệt đã khánh thành Nhà máy sản xuất nhũ và màng mỏng công nghệ cao của Tập đoàn Kurz tại Khu Công nghiệp Becamex VSIP Bình Định. Tích cực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phục vụ dự án xây dựng Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. 

Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là tiền đề để Bình Định tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh; thúc đẩy liên kết vùng theo Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tham quan các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: Lâm Hiển

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ; các chương trình giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đào tạo nghề được được triển khai tích cực. Trong đó, tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 32.000 lao động, đạt 112,38% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 62,17%, đạt 100,3% kế hoạch...

Các chính sách an sinh xã hội được chú trọng thực hiện; đã khởi công nhiều dự án về nhà ở xã hội. Đời sống của Nhân dân ngày càng được nâng cao; tỷ lệ nghèo giảm còn 3,13%. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được thực hiện đồng bộ, quyết liệt. Hoàn thành tốt việc lấy phiếu tín nhiệm theo quy định. Hoạt động của Đoàn Đại biểu Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND các cấp có nhiều đổi mới, chất lượng được nâng cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác dâng hoa, dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: Lâm Hiển

Công tác điều hành, quản lý của UBND các cấp ngày càng phát huy hiệu lực, hiệu quả. Nội dung, phương thức hoạt động của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội có đổi mới, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định cũng chỉ rõ một số tồn tại, khó khăn của tỉnh hiện nay. Trong đó, tồn tại và cũng là khó khăn lớn nhất là: hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhưng nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa, thu ngân sách nhà nước, nhất là thu tiền sử dụng đất gặp khó khăn. Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài tuy có nhiều nỗ lực nhưng hiệu quả chưa cao; chưa thu hút được các dự án lớn, các doanh nghiệp đầu tàu tạo động lực phát triển. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dâng hoa trước tượng đài Hoàng đế Quang Trung. Ảnh: Lâm Hiển

Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép; ô nhiễm môi trường tại một số cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh; xây dựng trái phép tại các đô thị; phá rừng, khai thác rừng trái phép còn xảy ra ở một số địa phương nhưng chưa được xử lý dứt điểm. 

Việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tuy đã được quan tâm chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn còn chậm; nhiều cơ sở y tế còn thiếu bác sĩ và nhân lực chuyên môn trình độ cao, nhất là ở tuyến huyện và các bệnh viện chuyên khoa. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống hiệu quả chưa cao; hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo còn nhiều hạn chế.

Tập trung xây dựng, triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030

Từ thực tiễn và yêu cầu phát triển của tỉnh, tỉnh Bình Định xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 là: tập trung hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, phấn đấu GRDP tăng 7,5 - 8%; trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,2-3,6%, công nghiệp - xây dựng tăng 10,3 - 10,9%, dịch vụ tăng 7,9 - 8,4%, thuế trừ trợ cấp sản phẩm tăng 9,0 - 9,5%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,0 - 7,7%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1.650 triệu USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn 15.000 tỷ đồng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt. Ảnh: Lâm Hiển

Tỉnh cũng tập trung xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặc biệt, rà soát, hoàn thành việc xây dựng, cập nhật, sửa đổi, bổ sung quy hoạch vùng cấp huyện, quy hoạch chung xây dựng cấp xã, các quy hoạch chi tiết,… đảm bảo đồng bộ, phù hợp với Quy hoạch tỉnh, phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, khu vực để thúc đẩy phát triển. 

Tại cuộc làm việc, tỉnh Bình Định đề nghị Quốc hội, Chính phủ chấp thuận phương án triển khai đầu tư xây dựng Cảng hàng không Phù Cát theo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; cho phép triển khai đầu tư Dự án Đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku theo hình thức đầu tư công và quan tâm bố trí vốn ngân sách Trung ương cho dự án để bảo đảm hoàn thành trước năm 2030; quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương xem xét, ưu tiên phân bổ quy mô công suất điện gió ngoài khơi cho tỉnh Bình Định, đưa dự án điện gió ngoài khơi đã đăng ký đầu tư vào Danh mục các dự án nguồn điện phát triển trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; quan tâm điều chỉnh đưa khu vực biển tỉnh Bình Định là “Khu vực ưu tiên khuyến khích phát triển điện gió” trong quy hoạch không gian biển Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để có cơ sở cho việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi trên khu vực biển tỉnh Bình Định.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại giếng cổ khuôn viên Bảo tàng Quang Trung. Ảnh: Lâm Hiển

Tỉnh Bình Định cũng đề xuất Quốc hội xem xét, sớm ban hành Luật về Thừa phát lại; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm xem xét, ưu tiên cho chuyển mục đích sử dụng rừng đối với Dự án thành phần của Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đang triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Định để triển khai kịp tiến độ.

* Trước đó, trong không khí kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, nhân chuyến công tác tại tỉnh Bình Định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ công lao của người anh hùng dân tộc, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và các văn thần, võ tướng kiệt xuất của triều đại Tây Sơn trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc tại Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Chủ tịch Quốc hội và Đoàn cũng đã thăm Bảo tàng Quang Trung - nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi sổ lưu bút tại bảo tàng Quang Trung. Ảnh: Lâm Hiển

Trước anh linh của các bậc tiền nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn nguyện luôn đoàn kết một lòng, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. 

Tại TP. Quy Nhơn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đã tới thăm, tặng quà gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Khương năm nay 93 tuổi và gia đình thương binh Đinh Dương Hải. 

Tác giả bài viết: quochoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây