Đội ngũ trí thức gửi gắm điều gì đến Kỳ họp thứ Sáu của Quốc hội?

Thứ tư - 04/10/2023 16:55

Tại hội nghị lấy ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ trước Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 2.10, đại diện đội ngũ này cho rằng, muốn đất nước phát triển, các chính sách pháp luật ban hành cần phải được thực thi, nhất là những chính sách liên quan đến khoa học và công nghệ.

 

TS. ĐẶNG VĂN THANH, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam
Bàn giải pháp đưa luật vào cuộc sống

Tại Kỳ họp lần này, chắc chắn Quốc hội sẽ đánh giá kết quả tăng trưởng GDP 9 tháng qua. Rõ ràng, mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho cả năm rất khó khăn, song điều tôi quan tâm hơn cả là chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động hiện rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Tôi rất mong Quốc hội sẽ bàn thảo để có chính sách cho vấn đề này. Đặc biệt, đội ngũ trí thức, nhà khoa học cũng phải quan tâm hơn để chúng ta cải thiện được về tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, qua đó cải thiện năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Ông Đặng Văn Thanh

Bên cạnh đó, năm nay, Quốc hội dành 35% tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển, song hiện tiến độ giải ngân không đạt yêu cầu. Quốc hội, Chính phủ cần tập trung đánh giá xem vướng ở đâu để phân tách, mổ xẻ và có giải pháp tháo gỡ triệt để.

Một vấn đề nữa được các doanh nghiệp, người dân, trong đó có đội ngũ trí thức rất quan tâm là về chính sách thuế. Hiện mức giảm trừ gia cảnh là quá thấp, cần tính toán lại. Việc thuế khấu trừ tại nguồn là đúng, song nên có chính sách hoàn lại cho người bị khấu trừ. Chẳng hạn, với các nhà khoa học, khi nhận được 2 triệu đồng thì thực nhận chỉ có 1,8 triệu, để lấy lại 200 nghìn đồng kia thủ tục rất phức tạp nên đành chấp nhận bị mất.

Đặc biệt, tại Kỳ họp lần này, Quốc hội nên bàn thảo để có giải pháp đưa luật vào cuộc sống, vì hiện nhiều quy định đã không được áp dụng. Chẳng hạn, Luật Kế toán năm 2015 quy định về kiểm toán nội bộ, đến năm 2019 mới có Nghị định liên quan nhưng đến nay chỉ có ít đơn vị áp dụng. Hay kết luận của Kiểm toán Nhà nước được quy định rõ trong luật là có giá trị pháp lý, nhưng người ta vẫn không thực hiện… Do vậy, Quốc hội cần đánh giá xem lý do vì sao. Nếu không, quy định trong Luật dù tốt đến mấy cũng sẽ không thể được phát huy!

TS. NGUYỄN QUÂN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam:
Làm rõ vì sao ngân sách cho khoa học công nghệ không đạt 2%?

Hiện, chính sách đối với đội ngũ trí thức có nhiều. Ví dụ, Nghị định số 40/2014/NĐ-CP về sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ, Nghị định số 87/2014/NĐ-CP về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam…

Ông Nguyễn QUÂN

Tuy nhiên đến nay, hầu như chưa có nhà khoa học nào được hưởng các chế độ chính sách này. Ngay như quy định nghiên cứu viên cao cấp nếu có thành tựu xuất sắc như được giải thưởng quốc tế, Giải thưởng Hồ Chí Minh… sẽ được đặc cách nâng lương vượt 1 bậc trong cùng 1 ngạch -  thực tế nhiều nhà khoa học giỏi dù đủ tiêu chuẩn vẫn không được đặc cách nâng lương và cũng chẳng có ai chịu trách nhiệm về vấn đề này. Về đãi ngộ thu nhập, trí thức hiện là đối tượng thiệt thòi nhất trong xã hội, đặc biệt là những trí thức đầu ngành vì cũng không khác gì mấy so với trí thức bình thường do thiếu chính sách đãi ngộ, trọng dụng họ để đạt hiệu quả cao nhất.

Tôi cho rằng, đã đến lúc phải nhìn nhận rõ về vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự phát triển đất nước. Để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, có 3 việc cần làm. Một là, lãnh đạo phải tin tưởng trí thức, bằng cách thường xuyên lắng nghe một cách chân thành. Hai là, giao việc cho trí thức. Hiện, nhiều bộ ngành, địa phương rải thảm đỏ mời trí thức về nhưng có khi mấy năm chẳng giao việc cho họ. Vậy làm sao trí thức phát huy được vai trò của mình? Ba là, tạo điều kiện tốt nhất cho trí thức được cống hiến, cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chế độ đãi ngộ thỏa đáng, đặc biệt là phải trao cho họ quyền tự chủ như được chi tiền cho thực hiện đề tài ra sao, được mời những ai cùng tham gia nghiên cứu, thủ tục hóa đơn chứng từ cần phải đơn giản hóa vì hiện nhiều nhà khoa học rất mệt mỏi về giải ngân do thủ tục phức tạp.

Cùng với đó, để thúc đẩy khoa học và công nghệ phát triển, Quốc hội cần rà soát, đánh giá để đưa luật thực sự đi vào cuộc sống. Chẳng hạn, Luật quy định chi 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho khoa học và công nghệ, nhưng theo Bộ Khoa học và Công nghệ thì năm ngoái chỉ chi có 0,82%, lúc cao nhất lên tới 1,52%. Quốc hội cần làm rõ, giám sát để bảo đảm các quy định luật phải được thực thi, như thế mới mong khoa học công nghệ phát triển, phát huy được vai trò của đội ngũ trí thức! 

Ông TRẦN MẠNH BÁO, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thái Bình Seed:
Có chính sách cho doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển

Đất nước muốn phát triển thì doanh nghiệp phải phát triển, trong đó các doanh nghiệp khoa học công nghệ đóng vai trò là động lực quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp khoa học công nghệ hoạt động rất yếu cả về trình độ, cơ sở vật chất cũng như cơ chế chính sách.

Ông Trần Mạnh Báo

Khác với các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp gặp phải nhiều rủi ro về thời tiết, dịch bệnh, vòng quay vốn dài song lợi nhuận lại thấp. Tuy nhiên, doanh nghiệp nông nghiệp chịu thuế giống như doanh nghiệp tài chính ngân hàng, viễn thông, bất động sản là 20% thì có phù hợp không? Hay có 3 người lập công ty về nông nghiệp, khi có lợi nhuận đã phải nộp 20% thuế, sau đó chia cổ tức lại phải nộp thêm 35%. Do đó, rất mong Quốc hội xem xét, quan tâm đến phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, thông qua việc ban hành những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn.

Bản thân tôi có tham gia làm đề tài khoa học sử dụng ngân sách nhà nước, từ khi chưa thực hiện đã lo thanh toán đề tài đó như thế nào hơn là sản phẩm mà đề tài đó tạo ra vì thủ tục rất phức tạp. Do đó, vấn đề thủ tục, hóa đơn cũng cần đơn giản hơn

Liên quan đến hoàn thuế VAT, chúng tôi cũng đang rất vướng. Theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC, để được hoàn thuế phải nộp tất cả bản sao của những người góp vốn, nhưng công ty đã cổ phần hóa từ năm 2003, bây giờ bắt phải nộp hồ sơ từ năm 2003 mới được hoàn thuế thì làm sao doanh nghiệp đáp ứng được, đành chấp nhận bị “treo” số tiền hoàn thuế. Vì thế, cần gỡ chính sách về hoàn thuế cho doanh nghiệp, bởi nếu không làm sao doanh nghiệp sống được!

Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây