Thảo luận về Luật Giao dịch điện tử, Luật Giá

Thứ hai - 14/11/2022 16:17
ViewImage (28)
ViewImage (28)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 11.11, các đại biểu (ĐB) thuộc Đoàn ĐBQH đơn vị Bình Định đã tham gia thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi).

Về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), ĐB Đồng Ngọc Ba bàn về tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo luật với các luật liên quan. ĐB Ba đánh giá cao ban soạn thảo đã kỳ công rà soát 26 luật liên quan, làm rõ được một số vấn đề tương thích với dự thảo luật, tuy nhiên, vẫn cần phải tiếp tục rà soát kỹ hơn nữa. Luật chỉ đưa ra những quy định mang tính kỹ thuật để chúng ta sử dụng phương tiện điện tử trong việc xác lập thực hiện các giao dịch, còn hầu hết những nội dung KT-XH của các giao dịch đó lại nằm ở các luật chuyên ngành, các luật cụ thể. ĐB Ba đưa ra một số ví dụ về sự xung đột, chưa thống nhất của một số quy định tại dự án luật với quy định của Luật Công chứng, Luật Đầu tư, Luật Lưu trữ…

Luật cũng giao cho Bộ TT&TT quy định chi tiết khá nhiều nội dung (ở các Điều 28, Điều 29, Điều 49) nhưng trong hồ sơ chưa kèm theo dự thảo các thông tư quy định chi tiết các nội dung này; đề nghị ban soạn thảo cần phải hoàn thiện để đảm bảo theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

ĐB Lý Tiết Hạnh tham gia thảo luận về dự án Luật Giá (sửa đổi). Tại Điều 7 - các hành vi bị cấm, có quy định cấm hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của Nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Điểm a, khoản 1, Điều 27, Chương IV của Luật Cạnh tranh có quy định cấm DN, nhóm DN có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Như vậy, trong Luật Cạnh tranh chỉ đề cập đến hành vi giảm giá; trong Luật Giá chỉ đề cập đến hành vi tăng giá. ĐB Hạnh đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bổ sung, hoàn thiện các quy định tại Điều 7 Luật Giá để đảm bảo phạm vi điều chỉnh, tương thích với các luật liên quan.

Chương III của luật có quy định Bộ Tài chính là cơ quan có trách nhiệm quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá và hướng dẫn thực hiện phương pháp định giá chung. Còn các bộ, cơ quan ngang bộ thì định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền, chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng ban hành phương pháp định giá riêng với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý. Như vậy, dự thảo luật đang quy định hai phương pháp định giá. Vấn đề đặt ra là hai phương pháp định giá này có thống nhất với nhau hay không, được xây dựng trên nguyên tắc chung nào; trong trường hợp có quan điểm khác nhau hoặc xung đột với các luật khác có liên quan thì phương pháp nào sẽ là phương pháp quyết định. ĐB Hạnh đề nghị làm rõ trong Luật Giá.

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây