Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Trách nhiệm, sôi nổi, đậm hơi thở cuộc sống

Thứ tư - 16/11/2022 08:10
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã bế mạc vào chiều 15.11. Tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm, sôi nổi, Ðoàn ÐBQH tỉnh Bình Ðịnh đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công chung của kỳ họp.
Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra sau hơn 20 ngày làm việc. Kỳ họp đã thông qua 6 luật, 14 nghị quyết, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 1 dự án luật, cho ý kiến lần đầu đối với 7 dự án luật khác. Quốc hội giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, KT-XH, ngân sách nhà nước; xem xét các báo cáo về kiến nghị của cử tri…
Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cùng lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Những dấu ấn nổi bật
Quan tâm đến việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động Quốc hội, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, thông qua Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Nội quy gồm 3 chương và 58 điều với những điểm mới chủ yếu như: Bổ sung các quy định về tổ chức kỳ họp bất thường; hình thức làm việc trực tuyến; quyền tranh luận của ĐBQH; quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp toàn thể, trách nhiệm của ĐBQH khi tranh luận, thảo luận; trách nhiệm trong việc đề xuất biểu quyết một số vấn đề trước khi thông qua toàn văn luật, nghị quyết; trách nhiệm giải trình, làm rõ ý kiến thảo luận ở tổ…
Đây đều là những nội dung đã được kiểm nghiệm, có hiệu quả trong thực tiễn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay. Các ĐBQH kỳ vọng và tin tưởng Nội quy kỳ họp Quốc hội sẽ góp phần thúc đẩy các kỳ họp cũng như hoạt động Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định bấm nút biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Đồng thời, tại kỳ họp lần này, Quốc hội đã giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” và ban hành Nghị quyết “Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Đây là vấn đề được nhân dân, cử tri đặc biệt quan tâm.
Qua giám sát, nhiều vấn đề đã được chỉ ra, yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi, khắc phục. Theo đó, Quốc hội yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao hiệu lực công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về vấn đề này; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; thường xuyên đánh giá hiệu quả thực thi các chính sách, pháp luật đã ban hành để kịp thời điều chỉnh những bất cập, mâu thuẫn. Đồng thời, tập trung xây dựng chính sách quốc gia về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng giai đoạn đối với các lĩnh vực trọng yếu như: Năng lượng, đất đai, tài nguyên, khoáng sản… Qua đó, nâng cao tối đa hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực đất nước để phát triển nhanh và bền vững.
Sau cuộc giám sát công phu này, yêu cầu quan trọng đặt ra là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải có những thay đổi thực chất, không mang tính hình thức.
Bên cạnh đó, kỳ họp cũng mang đậm hơi thở cuộc sống, khi các vấn đề được cử tri gửi gắm, những vấn đề cấp thiết từ thực tiễn đặt ra yêu cầu phải giải quyết đã được phản ánh khá đầy đủ, trọn vẹn tại các phiên thảo luận, chất vấn. Các ĐBQH đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân; tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, trách nhiệm cao. Thủ tướng, các phó Thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời thỏa đáng, thẳng thắn nhận trách nhiệm. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành cần có hành động, cam kết cụ thể về những việc phải làm và thời hạn hoàn thành để tạo chuyển biến thật sự, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân.
“Điểm đặc biệt đáng nói của kỳ họp lần này là sự song hành giữa “sức nóng” của hoạt động Quốc hội với các hoạt động trong đời sống xã hội. Đối với các vấn đề được Quốc hội bàn thảo, các bộ, ngành có những hành động, giải pháp cụ thể để khắc phục, giải quyết ngay, không đợi kỳ họp kết thúc mới bắt tay vào làm. Dễ thấy nhất là các vấn đề liên quan đến hạ tầng giao thông, tài chính, ngân hàng, giá xăng dầu…”, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh nhận định.
 
Nguồn: BTV
Chuyển tải tiếng nói của cử tri
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đã hoạt động tích cực, phát huy trách nhiệm, tham gia nhiều ý kiến có chất lượng tại các buổi thảo luận ở tổ và hội trường.
Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chung của Quốc hội trong bàn bạc, thảo luận những vấn đề quan trọng của đất nước, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã chuyển tải những vấn đề, kiến nghị mà nhân dân, cử tri Bình Định gửi gắm.
Các vấn đề nêu ra đã tạo tác động lớn, đòi hỏi sự hành động của các bộ, ngành. Nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết của các đại biểu đã được tiếp thu trong các nghị quyết của Quốc hội, các dự án luật.
Theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh, các ĐBQH vẫn tiếp tục gửi các ý kiến, đề xuất đến Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành để có câu trả lời, hướng xử lý, giải quyết. Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục theo dõi, giám sát các cơ quan liên quan trong nghiên cứu, giải quyết các vấn đề mà cử tri kiến nghị, đề xuất.   
Nhân dân, cử tri trong tỉnh đã quan tâm, dõi theo hoạt động của Quốc hội nói chung, Đoàn ĐBQH tỉnh nói riêng tại kỳ họp thứ 4.
Ông Võ Ngọc Thái (76 tuổi, ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn) dành nhiều thời gian theo dõi các phiên thảo luận, chất vấn được tường thuật trực tiếp trên truyền hình. “Các phiên thảo luận tại hội trường diễn ra trong khí sôi nổi, dân chủ, thể hiện tinh thần “nói thẳng, nói thật” của các đại biểu. Tôi đặc biệt tâm đắc đối với tiếng nói đấu tranh của các đại biểu nữ tại hội trường khi thẳng thắn chỉ ra  hạn chế, vướng mắc trong thực hiện các chính sách, vấn đề nổi cộm về tình hình KT-XH của đất nước”, ông Thái nói.
Bày tỏ sự tin tưởng đối với sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trước vấn đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực khi thời gian qua, nhiều vụ án lớn được đưa ra xét xử, ông Nguyễn Văn Nghĩa (54 tuổi, ở phường Đập Đá, TX An Nhơn) góp ý thêm: “Mong thời gian tới, Quốc hội tiếp tục giám sát vấn đề chống tham nhũng, tiêu cực để tạo được niềm tin, sự ủng hộ trong nhân dân, tạo động lực phát triển KT-XH. Quốc hội tiếp tục quan tâm vấn đề liên quan đến giá cả hàng hóa, công tác khám chữa bệnh, chính sách BHYT, hạ tầng giao thông…”.

Nguồn tin: Theo NGUYỄN MUỘI - baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây