Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định góp ý một số dự án luật

Thứ năm - 21/10/2021 06:13

Trong khuôn khổ ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (họp trực tuyến), chiều 20.10, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định đã thảo luận tại tổ, đóng góp ý kiến vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Đồng chí Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định - chủ trì thảo luận.

Góp ý vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTHS, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi luật này, nhằm đảm bảo đúng lộ trình thực hiện cam kết của Việt Nam trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra; phù hợp với chủ trương đưa CA chính quy về xã.

 

Đại biểu Đoàn Bình Định thảo luận tại tổ. Ảnh: N. HÂN

Về tên gọi của dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng nội dung của dự thảo Luật không chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTHS (tại Điều 1) mà còn sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 44 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự (tại Điều 2). Như vậy, dự thảo Luật không thuộc loại văn bản sửa đổi, bổ sung một văn bản mà thuộc loại văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản. Tại khoản 2, Điều 28 Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, có quy định: “Tùy theo nội dung được sửa đổi, bổ sung, tên của văn bản sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản gồm có tên loại văn bản kèm theo cụm từ sửa đổi, bổ sung một số điều của văn bản được sửa đổi, bổ sung có cùng nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan được khái quát, hoặc liệt kê cụ thể tên các văn bản được sửa đổi, bổ sung”. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa tên của dự thảo Luật thành “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật TTHS và Luật Tổ chức cơ quan điều tra”.

Liên quan đến việc sửa đổi khoản 1, Điều 155, khoản 8, Điều 157 của Bộ luật TTHS để bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới khoản 1, Điều 226 của Bộ luật Hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, các đại biểu cho rằng: Qua nghiên cứu, đối chiếu với các điều khoản của Bộ luật TTHS hiện hành và các điều khoản liên quan của Hiệp định CPTPP, cho thấy quy định tại khoản 1, Điều 155, khoản 8, Điều 157 của Bộ luật TTHS hiện hành chưa tương thích với điểm g, khoản 6, Điều 18.77 Hiệp định CPTPP. Vì vậy, các đại biểu đồng tình việc sửa đổi khoản 1, Điều 155, khoản 8, Điều 157 của Bộ luật TTHS.

Đối với dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thống kê, các đại biểu cho rằng việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và đảm bảo số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất phục vụ công tác hoạch định, đường lối, chính sách và điều hành phát triển KT-XH của đất nước. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ ràng hơn, chi tiết hơn về danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo dự án Luật, nhằm thể hiện bao quát tình hình phát triển của đất nước và của từng địa phương. Đề nghị trong quá trình tổ chức thực hiện Luật, Chính phủ cần có kế hoạch, lộ trình đổi mới công tác thống kê, đảm bảo cung cấp số liệu thông tin chính xác, khách quan, kịp thời.

Tác giả bài viết: baobinhdinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây