Cử tri mong Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch

Thứ sáu - 08/10/2021 09:34
Ngày 7.10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định với Mặt trận, đại diện các tổ chức thành viên và các lực lượng đang tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 trước kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV.
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Phong Vũ chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lê Kim Toàn ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của cử tri, nhân dân để phản ánh lên Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết. Ảnh: NGUYỄN MUỘI

Tại buổi tiếp xúc, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh thông tin đến các đại biểu về dự kiến thời gian, nội dung, chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổng hợp, phản ánh với Đoàn ĐBQH tỉnh một số nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri, nhân dân trong tỉnh.
Cụ thể, cử tri mong Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp, các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho toàn dân; tiếp tục có giải pháp hữu hiệu tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhân dân, DN, cơ sở sản xuất kinh doanh khôi phục sản xuất, kinh doanh; tạo sinh kế cho người dân; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Tiếp tục đầu tư nhân lực, trang thiết bị y tế cho bệnh viện tuyến huyện, cơ sở, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ y tế cơ sở; mở rộng danh mục thuốc BHYT.
Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội, Bộ GD&ĐT xem xét lại tổng thể nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp với từng lứa tuổi, cấp học; đánh giá và điều chỉnh lại việc triển khai phương pháp học trực tuyến đối với học sinh tiểu học; xem xét lại tính phù hợp của độ tuổi về hưu của giáo viên mầm non vì quy định đến 60 tuổi như hiện nay là chưa phù hợp.
Chính phủ cần xem xét, mở rộng đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ người lao động khó khăn do dịch Covid-19. Hiện nay, một bộ phận người lao động có ký kết hợp đồng lao động nhưng không được tham gia đóng BHXH, không đủ điều kiện được hỗ trợ theo Nghị quyết 68; người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp thuộc DN phá sản, chủ DN nợ BHXH kéo dài… không được hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116. Đồng thời, sớm điều chỉnh chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương hưu từ năm 1993 trở về trước.
Quốc hội, Chính phủ có giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp; có chính sách phù hợp khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư nông nghiệp công nghệ cao; bổ sung chính sách phù hợp đối với cán bộ lâm nghiệp cấp xã.
Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo cơ quan xây dựng dự thảo luật cần chuẩn bị luôn các văn bản dưới luật để nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống.
Một số đại biểu đề xuất sớm triển khai chính sách tặng máy tính cho học sinh học trực tuyến; đề nghị sớm bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương TNXP vẻ vang”; tăng biên chế cho lực lượng y tế dự phòng…
Trưởng Đoàn ĐBQH Lê Kim Toàn ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của cử tri, nhân dân để phản ánh lên Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết. Đối với kiến nghị bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động chưa đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116, đồng chí Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH yêu cầu Sở LĐ-TB&XH nghiên cứu, đề xuất tỉnh để có phương án hỗ trợ phù hợp.
NGUYỄN MUỘI
 

Tác giả bài viết: Theo baobinhdinh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây