Cần làm rõ nguyên nhân, thực trạng đối với các dự án bất động sản đang có vướng mắc, bị đình trệ
Thứ hai - 28/10/2024 17:04
(BĐ) - Sáng 28.10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”. Tham gia thảo luận tại hội trường, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh cơ bản nhất trí với báo cáo giám sát đã ghi nhận. Đồng thời, đại biểu (ĐB) Hạnh kiến nghị cần tập trung làm rõ các nguyên nhân, thực trạng đối với các dự án bất động sản đang có vướng mắc, bị đình trệ.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh phát biểu góp ý tại Hội trường. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh
Theo ĐB Hạnh, trong giai đoạn 2015 - 2023, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý thị trường bất động sản được ban hành tương đối đầy đủ, tạo khung pháp lý cho phát triển thị trường bất động sản. Tuy nhiên, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật chậm được ban hành, chất lượng chưa cao, chưa dự báo hết các vấn đề phát sinh và một số quy định chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tế. Vì vậy, ĐB Hạnh kiến nghị cần làm rõ hơn nguyên nhân của từng vướng mắc, tồn tại là do đâu? Do thiếu khung pháp lý hay là do công tác chỉ đạo, điều hành? Hay do tổ chức thực hiện ở các địa phương hoặc là do công tác kiểm tra, giám sát còn thiếu? Hay sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong triển khai thực hiện chưa tốt? ĐB Hạnh nêu đơn cử như mô hình condotel, Quốc hội đã đưa ra bàn thảo nhiều lần, Chính phủ cũng rất trăn trở về mô hình này, nhưng từ năm 2016 đến nay vẫn chưa có định hướng xử lý rõ ràng, các quy định pháp lý chưa phù hợp. Từ những khó khăn trong thực tiễn, ĐB Hạnh kiến nghị Chính phủ cần đặt trọng tâm nhiệm vụ xem xét, tháo gỡ vướng mắc pháp lý đối với các dự án bất động sản đang bị vướng mắc. Không nên hợp thức hóa sai phạm, nhưng cũng cần nghiên cứu cách xử lý phù hợp đối với các công trình, dự án đã xảy ra sai phạm, tránh lãng phí nguồn lực. Đồng thời, Chính phủ cần đưa ra khung pháp lý đối với từng nhóm vướng mắc, giao thẩm quyền cho địa phương trong xử lý các dự án cụ thể, kể cả điều chỉnh hay đề xuất điều chỉnh quy hoạch để đưa các dự án trên từng địa bàn vào khai thác, sử dụng phù hợp với thực tiễn phát triển KT-XH trên từng địa bàn. Tiếp theo, qua nghiên cứu thực tiễn, ĐB Hạnh nhận thấy quá trình xây dựng nhiều dự án nhà ở xã hội thì DN cũng đã thu tiền cọc của người dân thông qua các hợp đồng dân sự. Hiện nay, nhiều người mua nhà dạng này đang rất khó khăn, nhất là đối với những người mua nhà thông qua vay vốn từ các ngân hàng và đến nay chu kỳ ưu đãi lãi suất đã kết thúc. Ở tầm vĩ mô thì nếu có quá nhiều công trình dở dang chưa được đưa vào khai thác, sử dụng thì rõ ràng đây là sự lãng phí, kìm hãm sự phát triển của đất nước. ĐB Hạnh tỏ ra quan ngại những hệ lụy từ việc tiền của người dân đang đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội đang xây dựng dở dang. “Tiền thì không sinh ra được tiền, còn tài sản thì không sinh lợi và nhiều người có nhu cầu thực sự về nhà ở hoặc là kỳ vọng về đầu tư để sinh lợi nhưng đang bị túng thiếu ngay trên khối tài sản mà mình đang nắm giữ. Bên cạnh đó còn gây lãng phí nguồn lực đất đai, nguồn lực xã hội, có những trường hợp dẫn đến đẩy người dân vào thế tiến thoái lưỡng nan, khó khăn tài chính rất nguy hiểm, gây mất lòng tin nơi người dân”, ĐB Hạnh lo lắng. Do đó, ĐB Hạnh đề nghị cần có chính sách hỗ trợ để giúp những người mua nhà bị ảnh hưởng do các dự án đang bị đình trệ vượt qua khó khăn. Về xác định đối tượng được mua nhà ở xã hội, ĐB Hạnh kiến nghị Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn cụ thể hơn để UBND cấp xã có căn cứ xác định mức thu nhập của người dân khi xác định đối tượng là người lao động có mức thu nhập thấp theo quy định tại khoản 5, Điều 76 của Luật Nhà ở mà không có hợp đồng lao động.