Cần đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo trong hệ thống các quy hoạch
Thứ sáu - 25/10/2024 14:26
(BĐ) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 25.10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.
Tham gia phát biểu tại phiên họp, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh cơ bản nhất trí với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; đồng thời, tham gia góp ý một số vấn đề đối với dự thảo Luật.
|
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh phát biểu góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại hội trường. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Đại biểu (ĐB) Lý Tiết Hạnh cho biết, quy hoạch đô thị và nông thôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều loại quy hoạch khác, gắn với các dự án đầu tư cụ thể, nên dự thảo Luật này liên quan đến nhiều pháp luật chuyên ngành khác nhau. ĐB Hạnh đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát các quy định của các dự án Luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo.
Đối với khái niệm đô thị và nông thôn, ĐB Hạnh cho rằng, tại khoản 1 và khoản 3, Điều 2 giải thích hai khái niệm này dựa trên mật độ dân số, lĩnh vực kinh tế là nông nghiệp hay phi nông nghiệp, tính chất trung tâm, vai trò thúc đẩy… Theo ĐB Hạnh, việc giải thích khái niệm như trên sẽ gây vướng mắc. “Trong thực tế, ở nước ta, thành phố có nội thành, ngoại thành; thị xã có nội thị, ngoại thị; nông thôn cấp huyện cũng có đô thị; nhiều vùng nông thôn có mật độ dân số cao, tỷ lệ làm nông nghiệp cũng đã giảm dần, ở nhiều vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng cũng như khả năng phát triển kinh tế rất tốt. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, giải thích khái niệm đô thị, nông thôn để nhận diện rõ nét, tường minh hơn”, ĐB Hạnh nói.
Về trách nhiệm, tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch đô thị và nông thôn, khoản 6, Điều 16 dự thảo Luật quy định: Cơ quan tổ chức có chức năng quản lý đầu tư xây dựng đất đai tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện giao. ĐB Hạnh cho rằng, cần có quy định nguyên tắc thống nhất về cơ quan chủ trì trong công tác tổ chức, lập nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết khu vực để đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi được UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện giao. ĐB Hạnh đề nghị, cần nghiên cứu kỹ để có sự thống nhất trên toàn hệ thống, tránh chồng chéo nhiệm vụ, đùn đẩy trách nhiệm, hoặc mỗi địa phương lại có cách giao nhiệm vụ khác nhau, dẫn đến không thống nhất, khó khăn trong triển khai thực hiện.
Về nội dung quy hoạch không gian ngầm đối với thành phố trực thuộc Trung ương, tại khoản 15, Điều 2 dự thảo Luật giải thích về Hạ tầng kỹ thuật khung, trong đó có tuyến truyền tải năng lượng cũng nằm trong quy hoạch không gian ngầm và tại khoản 5, Điều 33 dự thảo Luật quy định: “Quy hoạch không gian ngầm được phê duyệt là cơ sở để lập quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng công trình công cộng ngầm, lập dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khung hoặc công trình công cộng ngầm và là căn cứ để thực hiện quản lý, khai thác, sử dụng không gian ngầm”. Theo ĐB Hạnh, việc ngầm hóa hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chính của đô thị, nông thôn và khu chức năng là rất cần thiết, nhất là đối với các thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, quy định an toàn kỹ thuật hiện nay thì tuyến truyền tải năng lượng từ 220 kV trở lên khó có thể là công trình ngầm. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ các quy định về ngầm hoá tuyến truyền tải năng lượng cho phù hợp.
|
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phát biểu góp ý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn tại hội trường. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Từ ý kiến của các ĐB về vấn đề bán đô thị, nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị, siêu đô thị, hay là đô thị gắn với mô hình TOD (đô thị được thiết kế để tận dụng một cách tối đa các phương tiện giao thông công cộng, thúc đẩy sự phát triển của thành phố, đồng thời cân bằng được lợi ích của cộng đồng), đô thị nén, đô thị thông mình…, ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng, các vấn đề này chưa có thực tiễn, do đó đề nghị Bộ Xây dựng cần nghiên cứu thêm để có các văn bản dưới luật, còn nếu hiện đưa vào luật các nội dung này thì sẽ rất khó thực hiện.
Tham khảo các thành phố trên thế giới, ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho biết, thường được phân thành 3 vùng gồm: Nội thành, ngoại ô và nông thôn; đối với quy hoạch đô thị và nông thôn, đô thị gồm nội thị và ngoại ô, còn nông thôn vẫn là nông thôn. Định nghĩa “nội đô” là khu vực mật độ dân số cao, có nhiều đặc điểm, con người và được xây dựng nhiều nhà cao tầng, các trụ sở và cơ sở hạ tầng, có hệ thống giao thông công cộng tầm thấp, có điều kiện phát triển kinh tế và văn hóa đa dạng.
Còn “ngoại ô” là khu dân cư ngầm, ngoài nội đô, có mật độ dân cư thấp hơn, chủ yếu là nhà ở riêng lẻ, có nhiều công viên, trường học, có nhiều không gian xanh hơn khu nội đô, thường sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển đến trung tâm thành phố. Nông thôn là khu vực ngoài thị trấn và thành phố, dân cư thưa thớt, chủ yếu sống bằng nông nghiệp và các tài nguyên thiên nhiên.
Từ những nội dung nêu trên, ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, nông thôn là nơi giữ gìn văn hóa của mỗi đất nước, mỗi dân tộc, có thể hiện đại hóa nông thôn nhưng nên hạn chế đô thị hóa nông thôn để giữ gìn đặc trưng, văn hóa từng vùng cũng như phát triển quy hoạch về giao thông, trường học, bệnh viện tùy vào từng vùng này, như vậy sẽ ổn định hơn.
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn