Bình Định kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

Thứ sáu - 26/08/2022 08:37

Sáng 25.8, Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH-CN&MT) Quốc hội do đồng chí Lê Quang Huy - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT - làm Trưởng đoàn, làm việc với UBND tỉnh về việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh tiếp và làm việc với đoàn.

 

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: TRỌNG LỢI

Báo cáo tại Hội nghị, thời gian qua, việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm phát luật, chương trình, kế hoạch, đề án về ứng phó với BĐKH tại Bình Định cơ bản được triển khai thuận lợi, đúng quy định và kịp thời. Nhận thức của người dân về BĐKH đã có những bước chuyển biến tích cực. Hoạt động ứng phó với BĐKH phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đã được các cấp chính quyền tăng cường, phù hợp với bối cảnh và điều kiện của tỉnh trong bối cảnh BĐKH của cả nước và toàn cầu.

Đài Khí tượng thuỷ văn, các trạm khí tượng, trạm thuỷ văn trên địa bàn tỉnh đã từng bước được đầu tư, nâng cấp, hoạt động ổn định và thực hiện công tác quan trắc, dự báo và nhận định về khí tượng thuỷ văn trên địa bàn tỉnh. Chính quyền các cấp đã chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; huy động tốt nguồn lực tại chỗ, tranh thủ sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân và nhân dân trong công tác phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai.

 

Phó Trưởng đoàn Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh trao đổi một số nội dung liên quan đến BĐKH tại Bình Định. Ảnh: TRỌNG LỢI

Từ năm 2016 - 2021, tỉnh đã ưu tiên bố trí hơn 521,3 tỷ đồng (vốn ngân sách và vốn viện trợ) để thực hiện 22 chương trình, dự án, đề án ứng phó với BĐKH. Từ năm 2021 - 2025, tỉnh tiếp tục lồng ghép nội dung ứng phó, kết quả giám sát BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH với 12 nhiệm vụ, tổng kinh phí hơn 450 tỷ đồng. Việc giảm phát thải khí nhà kính, các chất làm suy giảm tầng ô-zôn, phát triển năng lượng tái tạo; sản xuất và tiêu thụ thân thiện với môi trường; thu hồi năng lượng từ các chất thải cũng được các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình thực hiện với nhiều chương trình, dự án mang lại hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, việc triển khai các biện pháp ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn và bị động. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Nguyên nhân là do các tài liệu điều tra cơ bản về BĐKH trên địa bàn tỉnh còn thiếu; trang thiết bị phục vụ công tác quản lý nhà nước về BĐKH chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bộ máy quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn tuy được kiện toàn, nhưng chủ yếu là kiêm nhiệm, còn thiếu về số lượng và chuyên môn; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát yêu cầu tỉnh Bình Định trao đổi, làm rõ những nội dung liên quan đến việc ban hành, thực hiện chính sách pháp luật về ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Bình Định trong thời gian qua, như: Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH các giai đoạn, việc đầu tư ứng phó với BĐKH, đặc biệt là vấn đề trồng rừng thay thế liên quan đến việc phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời và các công trình thích ứng. Nguồn lực tài chính, nguồn ngân sách nhà nước và những vướng mắc trong triển khai các chính sách nhằm ứng phó với BĐKH. Nguồn vốn bố trí ngân sách nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ TN&MT, đầu tư, nghiên cứu khoa học, kết quả thực hiện của tỉnh trong lĩnh vực ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016 - 2020. Vấn đề đánh giá tác động của BĐKH, giải pháp thích ứng, giảm nhẹ thiên tai tại Thông tư 08/2016/TT-BTNMT quy định về đánh giá tác động của BĐKH và đánh giá khí hậu quốc gia…

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh tiếp thu các ý kiến của đoàn giám sát. Đồng chí cho biết, Bình Định là tỉnh thường chịu tác động của BĐKH. Để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do BĐKH gây ra, thời gian qua, chính quyền các cấp đã tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư. Huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình chống BĐKH, như các trạm quan trắc, trạm đo mưa, công trình đập dâng. Trồng rừng ngập mặn, rừng cảnh quan, đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng. Yếu tố môi trường luôn được tỉnh tính đến trong mỗi chương trình, dự án, quy hoạch phát triển của ngành, địa phương, theo hướng kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy sự tăng trưởng kinh tế.

 

Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TRỌNG LỢI

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đầu tư kinh phí cho việc cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Rà soát, điều chỉnh và bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với BĐKH nhằm đáp ứng công tác quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Đồng thời, kiến nghị với các bộ, ngành có liên quan cần quan tâm, tạo điều kiện cho các địa phương, trong đó có tỉnh Bình Định được tiếp cận với các chương trình, dự án quốc gia về ứng phó với BĐKH; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Xây dựng và trình Chính phủ quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, trong đó có các giải pháp quy hoạch đảm bảo chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng. Thường xuyên mở các lớp tập huấn cho các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai tại các địa phương…

 

Đồng chí Lê Quang Huy - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT Quốc hội phát biểu kết luận buổi làm việc với UBND tỉnh về việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh. Ảnh: TRỌNG LỢI

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT Quốc hội Lê Quang Huy đánh giá, Bình Định đã có nhiều nỗ lực và tích cực thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó BĐKH. Đồng chí đề nghị địa phương cần quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về BĐKH; có biện pháp bảo vệ hành lang an toàn công trình, đặc biệt là các công trình chống BĐKH; hạn chế tối đa hoặc không sử dụng diện tích rừng để làm năng lượng tái tạo; huy động các nguồn lực (vốn ngân sách, vốn viện trợ) đầu tư hoàn thiện các dự án chống BĐKH, đảm bảo phát huy hiệu quả như mục tiêu ban đầu của các dự án; nhanh chóng hoàn thiện báo cáo gửi đoàn giám sát…

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây