Nâng cao hiệu quả giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội

Thứ tư - 04/10/2023 16:52

Sáng 4.10, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo “Quốc hội giám sát thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội - Lý luận và thực tiễn”.

 
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường phát biểu
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường phát biểu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa và Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường đồng chủ trì hội thảo.

Hội thảo là một trong những hoạt động triển khai kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2023 của Đề tài khoa học cấp Bộ: “Giám sát của Quốc hội đối với việc thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội ở Việt Nam” do Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa làm Chủ nhiệm.

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Thoa nêu rõ, trong thời gian vừa qua, hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng được quan tâm và có những đổi mới rất thực tiễn; các hoạt động giám sát cũng có hiệu quả ngày càng cao hơn. So với trước đây, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội cũng dần có những hiệu quả rất thiết thực. Tuy vậy, vẫn còn những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu và thảo luận để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát. Đặc biệt, điều này có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Quốc hội đang tiến hành tổng kết thực tiễn việc thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa phát biểu
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Thoa phát biểu

Đề tài sẽ là nguồn tài liệu tham khảo, có những đóng góp tích cực, cụ thể trong quá trình sửa đổi Luật và làm rõ hơn về lý luận và thực tiễn đối với các nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thi hành pháp luật của Chính phủ và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, quyền giám sát của Quốc hội và trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Quốc hội là hai mặt của một vấn đề với mục tiêu thống nhất là bảo đảm cho việc thực thi pháp luật, thực hiện đầy đủ quyền lực của Nhân dân. Các quy định của pháp luật liên quan đến quyền giám sát của Quốc hội và trách nhiệm giải trình của Chính phủ hiện khá đầy đủ, từ Hiến pháp đến các Luật như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Chính phủ… Hoạt động giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội cũng có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả tích cực. Nhiều chuyên đề giám sát đi vào những vấn đề lớn, “nóng” được cử tri quan tâm, thông qua đó nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội. Đồng thời, trên thực tế, Chính phủ cũng ngày càng thực hiện tốt hơn trách nhiệm giải trình với việc cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời tại các Kỳ họp cũng như phục vụ các hoạt động giám sát khác của Quốc hội.

Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, cơ sở pháp lý và hoạt động giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội còn có những hạn chế bất cập. Việc thực hiện các nghị quyết sau giám sát có trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu do chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, chưa có biện pháp và chế tài xử lý phù hợp.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát thi hành pháp luật của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, các đại biểu nhấn mạnh, cần tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn đối tượng, phạm vi, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội; bảo đảm hoạt động giám sát được tiến hành thường xuyên, liên tục, thường xuyên đánh giá việc thực hiện các nghị quyết, kết luận giám sát. Cùng đó, đổi mới hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội; gắn kết quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội với hoạt động lập pháp để kịp thời kiến nghị, đề xuất bổ sung, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật.

Tác giả bài viết: daibieunhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây