ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND CÁC CẤP

Thứ hai - 28/02/2022 09:44

Qua thực tiễn địa phương, để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, các đại biểu cho rằng, hoạt động của HĐND phải có tính chủ động, đặc biệt là tính dự báo; phải tăng cường sự giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với HĐND các cấp cũng như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND, góp phần hoàn thiện thể chế cho sự phát triển của địa phương.

 

Qua Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa tổ chức mới đây, qua thực tiễn hoạt động của địa phương, để đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, các đại biểu cho rằng, hoạt động của HĐND phải có tính chủ động, đặc biệt là tính dự báo; phải tăng cường sự giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với HĐND các cấp cũng như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND, góp phần hoàn thiện thể chế cho sự phát triển của địa phương.

Hoạt động của HĐND phải có tính chủ động, đặc biệt là tính dự báo

Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh cho rằng, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác HĐND năm 2021 và triển khai các nhiệm vụ năm 2022 là việc đúng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hướng dẫn hoạt động của HĐND. Việc tổ chức Hội nghị tổng kết như vậy để đánh giá những mặt được, chưa được, đặc biệt chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của HĐND giữa các tỉnh, thành trên cả nước. Từ đó giúp cho UBTVQH trong định hướng về lãnh đạo, chỉ đạo cũng như hoàn thiện về chính sách pháp luật cho hoạt động của HĐND đạt được hiệu quả cao hơn.

Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh

Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh chia sẻ, ngay sau khi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm 2021-2026 thành công, HĐND tỉnh Bắc Kạn xác định việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND là điều kiện tiên quyết cho hoạt động của HĐND.

Thứ nhất, HĐND tỉnh Bắc Kạn đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổng kết Nghị quyết 14 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao hiệu lực, hiệu quả của HĐND. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành kết luận để tiếp tục thực hiện Nghị quyết này.

Thứ hai, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo UBND và Ban Thường trực UBMTTQ tỉnh Bắc Kạn để rà soát lại quy chế phối hợp, ban hành quy chế mới để tổ chức thuận lợi trong nhiệm kỳ. Trong đó tập trung vào các nội dung như hoạt động giám sát, hoạt động xây dựng các Nghị quyết chuyên đề của HĐND, hoạt động tiếp xúc cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Đây cũng là 4 nhiệm vụ trọng tâm của HĐND.

Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh nhấn mạnh, HĐND tỉnh Bắc Kạn không chờ Trung ương tập huấn mà Thường trực HĐND chủ động giao cho các ban của HĐND tỉnh chuẩn bị các nội dung để tập huấn cho đại biểu HĐND 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã) bằng hình thức trực tuyến, qua đó cung cấp kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND các cấp, tạo điều kiện cho HĐND các cấp thực hiện tốt ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh cho rằng, hoạt động của HĐND phải có tính chủ động, đặc biệt là tính dự báo. Dự báo các nội dung không chỉ riêng năm 2022 mà phải bàn tới cả một nhiệm kỳ, đây cũng là hoạt động xuyên suốt của HĐND. “Chẳng hạn như HĐND tỉnh Bắc Kạn, việc chủ trương đầu tư của HĐND là cả một nhiệm kỳ, đối với hoạt động giám sát, khi có chủ trương, chúng tôi phân công cho các Ban HĐND chủ động bám sát ngay từ đầu, giám sát từ việc lập dự án, đấu thầu, triển khai các dự án…”, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh nêu ví dụ. Các nội dung làm việc khác cũng vậy, Thường trực HĐND tỉnh giao các ban chủ động làm việc từ sớm, bám sát các ban soạn thảo, cùng với họ tham dự các hội thảo tổng kết, đánh giá, để có dữ liệu tốt nhất cho quá trình thẩm tra, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, giúp Nghị quyết của HĐND được thực thi nhanh chóng, sớm phát huy hiệu quả trong thực tế.

Cần tăng cường sự giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với HĐND các cấp, tăng cường sự gắn bó giữa các cơ quan của Quốc hội với HĐND các cấp

Trao đổi với HĐND tỉnh Tuyên Quang, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Thanh Trà nhấn mạnh, Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022 do Ủy ban Thường vụ Quốc vừa tổ chức là hội nghị hết sức ý nghĩa và thiết thực đối với HĐND các tỉnh, thành phố. Đây không những là diễn đàn để đánh giá khách quan các hoạt động của HĐND, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của HĐND cấp tỉnh mà còn nhằm tăng cường sự giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với HĐND các cấp, tăng cường sự gắn bó giữa các cơ quan của Quốc hội với HĐND các cấp. Qua đó, nâng cao vai trò, vị thế của HĐND các cấp.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Thanh Trà

Chia sẻ kinh nghiệm hay về hoạt động giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Thanh Trà nhấn mạnh đến giám sát chuyên đề bằng hình ảnh và cho biết, từ năm 2006, Tuyên Quang đã thực hiện giám sát chuyên đề bằng hình ảnh. Việc thực hiện giám sát chuyên đề bằng hình ảnh có lợi thế nổi trội. Cùng với những báo cáo bằng lời, những lời bình, hình ảnh minh họa trực quan, sinh động là sự phản ánh trung thực nhất những vấn đề đang giám sát, đặc biệt là những hạn chế, tồn tại mà cơ quan chức năng cần tập trung để triển khai khắc phục, trong khi đó văn bản và lời nói không thể mô tả hết được, do vậy có sự tác động rất lớn. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Thanh Trà cho biết, qua giám sát, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã chỉ ra được những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh và kiến nghị với cơ quan chức năng tập trung các giải pháp để khắc phục các hạn chế, tồn tại đó, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương.

Để nâng cao chất lượng hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Tuyên Quang Lê Thị Thanh Trà đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nhất là Luật Tổ chức chính quyền điạ phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, là những quy định và căn cứ pháp lý bảo đảm quyền hạn, trách nhiệm của HĐND trong hoạt động giám sát và trách nhiệm chấp hành của các đối tượng được giám sát trong các cuộc giám sát của HĐND. Đồng thời chú ý quy định cụ thể trình tự, cách thức tổ chức phù hợp đối với từng cuộc giám sát chuyên đề; chỉ đạo Văn phòng xây dựng, thực hiện quy trình tham mưu, phục vụ các cuộc giám sát của HĐND.

Thứ hai, hết sức coi trọng việc chọn nội dung giám sát, xác định phạm vi và đối tượng giám sát. Nội dung giám sát chuyên đề cần tập trung vào các vấn đề khó, bất cập, nổi cộm; vấn đề lớn, vấn đề trọng tâm, quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, có tầm ảnh hưởng rộng, được nhiều cấp, nhiều ngành, cử tri, Nhân dân quan tâm; có sự lồng ghép, phối hợp, tránh chồng chéo về nội dung, thời gian và đối tượng giám sát với các cuộc giám sát của các chủ thể giám sát khác. Bảo đảm giám sát toàn diện từ khâu chỉ đạo, tổ chức thực hiện đến kết quả thực hiện của đối tượng được giám sát.

Thứ ba, làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức giám sát.

Thứ tư, coi trọng giám sát chuyên đề bằng hình ảnh.

Thứ năm, hết sức chú trọng khâu “hậu giám sát”, đảm bảo hiệu quả của hoạt động giám sát. Đối với những vấn đề sau giám sát còn nhiều vướng mắc, chưa được các ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ, giải quyết dứt điểm sẽ được đưa ra giải trình, chất vấn tại các phiên giải trình, chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh hoặc phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của HĐND, góp phần hoàn thiện thể chế cho sự phát triển của địa phương

Trao đổi với HĐND tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên Đỗ Đức Công khẳng định, năm 2021, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rất quan tâm đến tổ chức và hoạt động HĐND các cấp. Hội đồng nhân dân các địa phương đã có nhiều sáng tạo, đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động, chính vì vậy mà mặc dù dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong năm qua, nhưng HĐND các tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quyền hạn được giao.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên Đỗ Đức Công 

Nêu lên cách làm hay của HĐND tỉnh trong năm qua, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên Đỗ Đức Công nêu rõ, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã đổi mới theo hướng linh hoạt, sáng tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, việc triển khai “phòng họp không giấy” là một trong những phương thức đột phá. Trước mỗi kỳ họp HĐND, phiên họp của Thường trực hoặc các cuộc họp của các Ban HĐND tỉnh, tài liệu đều được gửi đến các đại biểu theo hệ thống E-cabinet (phòng họp không giấy tờ). Tài liệu các kỳ họp HĐND tỉnh còn được công khai trên Trang thông tin điện tử HĐND tỉnh Thái Nguyên để Nhân dân theo dõi, giám sát. Việc triển khai “phòng họp không giấy” đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, với mục tiêu giảm văn bản giấy trong các kỳ họp, đẩy nhanh hiệu quả làm việc, tiết kiệm thời gian, chi phí, phù hợp với xu hướng và yêu cầu chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số mà tỉnh Thái Nguyên đang triển khai, thực hiện; tạo lập môi trường, phong cách làm việc hiện đại, hiệu quả và tiện lợi hơn cho người dân.

Công tác tiếp xúc cử tri tiếp tục được tổ chức linh hoạt theo hình thức trực tuyến tới điểm cầu tại tất cả các xã, phường, thị trấn, vừa đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 vừa dành thời gian để cử tri phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tình cảm và kiến nghị gửi đến kỳ họp.

Công tác điều hành kỳ họp được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ số, trình chiếu hình ảnh minh họa cho các báo cáo, tờ trình để tăng lượng thông tin cung cấp cho đại biểu, giảm thời gian nghe báo cáo, tờ trình tại hội trường, tăng thời gian để đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tự nghiên cứu, thảo luận, thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp. 

Nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh, thành phố trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên Đỗ Đức Công kiến nghị cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, góp phần hoàn thiện thể chế cho sự phát triển của địa phương. Quá trình đổi mới phải đảm bảo nguyên tắc lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của HĐND, nhất là nội dung hoạt động và công tác tổ chức và cán bộ.

Hai là, đổi mới về chương trình xây dựng Nghị quyết. HĐND tỉnh cần báo cáo với cấp ủy để xây dựng kế hoạch định hướng chương trình xây dựng Nghị quyết của cả nhiệm kỳ, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng Nghị quyết hằng năm. Nghị quyết cần được xây dựng theo quy định của pháp luật, Nghị quyết đại hội Đảng và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; giải quyết được những vấn đề mà cử tri và dư luận quan tâm, những vấn đề có tác động, ảnh hưởng đến đời sống xã hội của địa phương.

Ba là, quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động của HĐND, nhất là các pháp luật chuyên ngành bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo và khắc phục những vướng mắc từ thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của HĐND, bảo đảm hiệu lực của HĐND.

Bốn là, nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với đại biểu dân cử và đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu, phục vụ HĐND các cấp./.

Tác giả bài viết: Theo quochoi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây