Lần đầu tiên tổ chức Hội nghị triển khai chương trình giám sát; huy động sự tham gia của HĐND, Đoàn ĐBQH, MTTQVN; nêu rõ 42 cơ quan, đơn vị chậm nộp báo cáo đến Đoàn giám sát về quy hoạch;... là một số thay đổi trong cách thức tiến hành giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua. Không còn là khẩu hiệu mà là chỉ đạo trực tiếp và là hành động cụ thể. Điều này thể hiện rõ quyết tâm đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; hiện thực hóa Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội.
Cách thức triển khai giám sát không còn như thông lệ
Giám sát là nội dung hoạt động được Quốc hội đặc biệt quan tâm, chú trọng trong năm 2022. Theo chương trình hoạt động, trong năm 2022, Quốc hội tiến hành 4 chuyên đề giám sát. Trong đó có 2 cuộc giám sát tối cao của Quốc hội là việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Có 2 chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là về vấn đề sắp xếp các đơn vị hành chính và về giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân.
Với tinh thần chung của Quốc hội khóa XV là tiếp tục kế thừa những thành quả, kết quả trong công tác giám sát từ các Quốc hội khóa trước, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang trong quá trình chỉ đạo để xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội. Đây là một trong những nội dung nhằm triển khai thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Đặc biệt, lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai chương trình giám sát năm 2022. Không chỉ là các cơ quan của Quốc hội vào cuộc mà cả 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh thành và 63 Hội đồng nhân dân các cấp cũng đều tham gia vào những chuyên đề giám sát này, cùng với đó là phát huy hơn nữa vai trò của Kiểm toán Nhà nước.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc để triển khai chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022
Trong hoạt động giám sát của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn nhấn mạnh và quán triệt tinh thần giám sát là phải làm thiết thực và có hiệu quả. Giám sát phải làm đến nơi, đến chốn, có những kết luận rất rõ ràng, minh bạch, quy được trách nhiệm, xác định được trách nhiệm, xem xét trách nhiệm của tập thể và cá nhân. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội, cử tri và Nhân dân sẽ không chấp nhận có một bản giám sát chung chung. Suy cho cùng công tác giám sát của Quốc hội là để đảm bảo cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Với tinh thần đó, trong các buổi làm việc với các Đoàn giám sát, các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ luôn nhắc nhở các Đoàn giám sát của Quốc hội, các bộ, ngành được Chính phủ phân công phải tập trung tất cả mọi công việc, phối hợp làm cho tốt, chứ không phải hời hợt rồi theo lối mòn nếp cũ lặp lại. Ra Quốc hội không thể chỉ là nói ưu điểm thế này, nhược điểm thế này rồi thôi, không phải như thế, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Thực tiễn hoạt động của Quốc hội đã cho thấy, việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiều điểm mới, khác với thông lệ trước đây. Có thể kể đến như Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề; đồng thời, xác định cụ thể hơn về đối tượng, nội dung giám sát tại Kế hoạch chi tiết để tạo sự chủ động cho Đoàn giám sát. Căn cứ tình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, Đoàn giám sát sẽ lựa chọn cơ quan, địa phương và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi tổ chức giám sát trực tiếp tại cơ quan, địa phương, cơ sở. Hội đồng nhân dân tỉnh và các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức việc thực hiện giám sát và gửi báo cáo về Đoàn giám sát; đồng thời, huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương.
Thẳng thắn công khai trên phương tiện thông tin đại chúng
Tại phiên họp thứ 8 (tháng 2/2022) vừa qua, cho ý kiến về kết quả bước đầu triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kết quả ban đầu để định hướng những việc sẽ làm trong thời gian tới, cũng như xem xét để phê duyệt, cho ý kiến đối với kế hoạch tiếp theo để đảm bảo có chất lượng của công tác giám sát cũng là việc đổi mới trong cách thức tiến hành giám sát của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về kết quả bước đầu triển khai chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”
Trước việc tiến độ gửi báo cáo của các địa phương vẫn còn chậm, có báo cáo gửi đến Đoàn giám sát được ký ban hành không đúng thẩm quyền; một số báo cáo còn thiếu nội dung, không đúng theo yêu cầu tại đề cương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải có ngay văn bản hỏa tốc gửi tất cả các đầu mối để đôn đốc tổ chức thực hiện việc này. Đến một thời điểm nào đó công khai việc chậm trễ này trên các phương tiện thông tin truyền thông để Nhân dân, cử tri được biết. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, riêng phối hợp giám sát mà còn chậm như thế thì tổ chức thực hiện, trách nhiệm quản lý nhà nước thế nào; đồng thời nhấn mạnh việc gửi báo cáo đã có trong kế hoạch, báo cáo là dữ liệu đầu vào của giám sát do đó phải làm nghiêm túc khâu này.
Kết luận nội dung thảo luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Đoàn giám sát tiếp tục rà soát, sớm có văn bản đôn đốc các bộ ngành, địa phương gửi báo cáo theo đúng yêu cầu và cần thiết nếu nơi nào chậm trễ phải đăng công khai trên các phương tiện truyền thông. Và ngày sau khi kết thúc buổi làm việc, danh sách 42 cơ quan, đơn vị chưa gửi báo cáo về Đoàn giám sát của Quốc hội tính đến ngày 17/02 gồm 1 đơn vị thuộc các cơ quan bộ, ngành; 13 Uỷ ban nhân dân các tỉnh, 14 Hội đồng nhân dân các tỉnh và 14 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh/thành phố được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này cho thấy sự cương quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện giám sát.
Danh sách các cơ quan chưa gửi báo cáo tới Đoàn giám sát về quy hoạch tính đến ngày 17/02, theo báo cáo nhanh của Tổ giúp việc Đoàn giám sát
Hay tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo từ ngày 01/7/2016 - 01/7/2021, nghe báo cáo việc triển khai các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát, Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp nhắc đến Thanh tra Chính phủ trong việc gửi báo cáo đến Đoàn giám sát. Bởi đây là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ trong lĩnh vực tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng báo cáo sơ sài, không đáp ứng yêu cầu. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát có văn bản đôn đốc việc lập và gửi báo cáo của các cơ quan, địa phương đến Đoàn giám sát.
Yêu cầu về cá thể hóa trách nhiệm và xử lý dứt điểm
Cũng trong khuôn khổ phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi cho ý kiến về báo công tác dân nguyện tháng 1/2022 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Đoàn giám sát về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân sẽ báo cáo sơ bộ kết quả giám sát bước đầu và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kế hoạch giám sát chi tiết từ tháng 3 đến khoảng tháng 8/2022. Trên cơ sở 1.003 vụ việc do Thanh tra Chính phủ đã kiểm đếm, theo dõi và 501 vụ việc Bộ Công an kiến nghị, đề xuất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ rà soát và lập một danh mục các vụ việc thuộc diện Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo dõi, chỉ đạo. Sau này, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đưa chỉ tiêu này vào. Mỗi năm phải giải quyết được bao nhiêu; đến thời điểm nào phải giải quyết dứt điểm được việc này, không để phát sinh ra số mới và cơ bản giải quyết được những tồn đọng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau này trách nhiệm của anh nào, chủ trì ở Trung ương là ai, ở địa phương là ai, từng lĩnh vực một, chúng ta quy trách nhiệm rõ ràng thì công tác dân nguyện hàng tháng bàn như thế này mới có tác dụng thực tế. Đối với một số vụ việc cụ thể đã có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan nào được phân công cũng bám sát để làm đến nơi đến chốn, tránh chuyện đánh trống bỏ dùi, nêu ra thì nhiều nhưng phương án, kế hoạch giải quyết thì ít, nêu ra trách nhiệm chung chung chứ không cá thể hóa được trách nhiệm cho tập thể, cho cá nhân nên hiệu lực của công tác này có hạn chế.
Cá thể hóa trách nhiệm, quy rõ trách nhiệm được Chủ tịch Quốc hội nhắc đi, nhắc lại nhiều lần tại phiên họp, thể hiện quyết tâm của người đứng đầu cơ quan lập pháp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong việc giám sát phải đi đến cùng, để không còn những câu nói bên lề cho rằng giám sát của Quốc hội “dám nhưng không sát, sát nhưng không dám”.
Chủ tịch Quốc hội làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh các Đoàn giám sát lần này của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải được quan tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng; phải coi đây như là các chiến dịch để từ đó xác định cách thức tác chiến như thế nào để có được kết quả thắng lợi. Do đó công tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện là rất quan trọng. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nếu không đổi mới, cải tiến thì giám sát sẽ không hiệu quả. Do đó, giám sát lần này của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thực sự tạo được sự chuyển biến, hiệu lực hiệu quả, thực chất, có ý nghĩa tác động cho cả nhiệm kỳ Quốc hội.
Theo Chủ tịch Quốc hội mỗi cuộc giám sát vừa đảm bảo toàn diện vừa có những vụ việc nổi cộm mà khi giải quyết được sẽ có tác động lan tỏa, thực chất; đồng thời qua giám sát cũng phát hiện mô hình tốt cách làm hay, phê phán nơi trì trệ, vô cảm; cùng với đó là sức mạnh của truyền thông của công khai tạo ra sức ép để tiến độ giải quyết, giám sát chặt chẽ. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh giám sát toàn diện có trọng tâm trọng điểm, đưa ra kiến nghị từ lập pháp cơ chế đến tổ chức thực hiện, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, cá thể hóa trách nhiệm, làm kỹ, làm rõ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến về Dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội
Giám sát chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó theo đuổi đến tận cùng vấn đề, quy rõ trách nhiệm. Nếu như trước đây giám sát của chúng ta là “sợi dây rút kinh nghiệm dài và bất tận”, khi những đối tượng chịu sự giám sát nhận trách nhiệm nhưng vẫn chưa rõ nhận trách nhiệm gì, cho nên vấn đề cứ trôi. Do vậy, quan trọng nhất trong kết luận giám sát là định vị chế độ trách nhiệm như thế nào? Giám sát của Quốc hội phải đề cập trực tiếp hơn đến trách nhiệm của cá nhân, tổ chức. Về mặt chính trị, điều này có ý nghĩa quyết định đối với việc bảo đảm quyền uy của Quốc hội. Về mặt thực tiễn, một khi giám sát của Quốc hội càng sát sao, không nể nang, không né tránh thì càng tạo điều kiện cho Chính phủ, các bộ, ngành làm tốt hơn, với mục tiêu vì sự phát triển của đất nước, vì quyền lợi của người dân và doanh nghiệp./.
Tác giả bài viết: Theo quochoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn