Tại phiên họp thứ 8, UBTVQH đã tán thành với việc bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Tuy nhiên, trước thực trạng có nhiều vụ việc nổi cộm thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc sửa đổi Luật lần này vừa đảm bảo được tính minh bạch, công khai trong cơ chế tài chính vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện.
Sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh hướng đến mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm"
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ đã khẩn trương tiếp thu ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các cơ quan thẩm tra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 11/2021 để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); nhất trí với đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan có liên quan khẩn trương tổ chức soạn thảo bảo đảm chất lượng, tiến độ, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ dự án Luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến chậm nhất tại phiên họp tháng 4/2022 (dự kiến ngày 10/4/2022); trước đó gửi hồ sơ dự án Luật đến Ủy ban Xã hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội để thẩm tra theo quy định.
Thông báo kết luận nội dung phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đặc biệt lưu ý, trong quá trình soạn thảo cần nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, làm rõ ranh giới giữa y tế dự phòng với khám bệnh, chữa bệnh; giữa sử dụng thực phẩm chức năng với thuốc trong khám chữa bệnh; quy định giá dịch vụ khám chữa bệnh, các nội dung về sử dụng ngân sách nhà nước trong khám chữa bệnh, nguyên tắc, tiêu chí xác định chi phí khám chữa bệnh, mua sắm, sử dụng, quản lý vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh; việc khám chữa bệnh trong tình trạng đặc biệt; tiêu chí của các cơ sở khám chữa bệnh phi lợi nhuận…; đồng thời, làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ý kiến của chuyên gia để hoạch định chính sách, đề xuất các quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam, thông lệ quốc tế, có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) thể chế hóa quan điểm của Đảng đối với công tác khám bệnh, chữa bệnh thành 10 chính sách lớn. Trong đó mục tiêu “lấy người bệnh làm trung tâm” dự án Luật tập trung vào các chính sách nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của người hành nghề; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các điều kiện bảo đảm cho việc thực hiện khám bệnh, chữa bệnh. Các chính sách được xây dựng trong Luật lần này gồm tăng cường kiểm soát trình độ chuyên môn, năng lực hành nghề, quản lý hành nghề; sử dụng ngôn ngữ trong khám chữa bệnh tại Việt Nam; tăng cường quản lý hoạt động và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền trong quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa; đổi mới quy định về phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; quy định về khám chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A; bảo đảm an ninh cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, bảo vệ quyền, lợi ích, an toàn của người hành nghề; quy định về sử dụng sản phẩm điều trị suy dinh dưỡng; quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Phân định rõ các nội dung
Tại phiên họp, cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị trong báo cáo đánh giá tác động có đánh giá kỹ hơn dự kiến nguồn lực để thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) này. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nguồn lực mới là quan trọng, nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của xã hội trong lĩnh vực này. Cùng với đó là nguồn lực tài chính, ngân sách, trang thiết bị cho công tác khám, chữa bệnh khi mà thời gian qua có rất nhiều vụ việc nổi cộm lên vấn đề này. Do đó, trong lần sửa đổi này phải đảm bảo được tính minh bạch, công khai; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, có khuôn khổ rất rõ để thực hiện.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý có hai vấn đề quan trọng nhưng cũng rất dễ nhầm lẫn.
Một là y tế dự phòng và khám, chữa bệnh. Không tán thành với việc đưa ra khái niệm dự phòng chi bằng quỹ khám bệnh, chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, y tế dự phòng là chi bằng ngân sách nhà nước; còn quỹ khám, chữa bệnh là đóng - hưởng, “ai đóng thì người đó hưởng”.
Hai là còn lẫn lộn giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh. Thực phẩm chức năng là điều chỉnh bằng Luật Vệ sinh, an toàn thực phẩm, còn thuốc chữa bệnh điều chỉnh bằng Luật Dược.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, liên quan đến tài chính, ngân sách, trang thiết bị cho công tác khám, chữa bệnh thời gian qua cũng còn có nhiều sai sót, vi phạm nhưng dự thảo luật quy định còn rất chung. Vì vậy, cần phải nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề.
Đối với Điều 85 của Luật này là "ngân sách nhà nước chi cho công tác khám, chữa bệnh”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần phải nghiên cứu để bổ sung thêm quy định việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho công tác khám, chữa bệnh phải tuân thủ pháp luật về ngân sách, pháp luật về đầu tư và các quy định của pháp luật về chi ngân sách nhà nước, để đảm bảo mọi khoản chi từ ngân sách phải tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích; cần đấu thầu thì phải đấu thầu, cần đấu giá thì phải đấu giá.
Điểm a, điểm b khoản 2 Điều 86 là tài chính cho cơ sở khám, chữa bệnh, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần phải làm rõ cơ sở khám, chữa bệnh đáp ứng các điều kiện gì thì được coi là cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Trong luật này phải xác định rất rõ ràng tiêu chí để một cơ sở khám, chữa bệnh không vì mục tiêu lợi nhuận làm căn cứ xác định cơ sở khám, chữa bệnh không phải nộp thuế từ chênh lệch cao hơn giữa thu nhập và chi phí. Các cơ sở khác không đáp ứng yêu cầu này thì phải nộp thuế.
Nghiên cứu kỹ cơ cấu về giá dịch vụ khám, chữa bệnh
Đối với Điều 87 về giá dịch vụ khám, chữa bệnh cần phải nghiên cứu kỹ hơn, nhất là khái niệm chi phí chất lượng; cần phải làm rõ cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước bao gồm những loại gì trong này. Vì cơ sở khám, chữa bệnh nhà nước có rất nhiều mô hình như đơn vị sự nghiệp công lập, có loại là nhà nước đảm bảo 100%, có loại tự chủ cả chi đầu tư, chi thường xuyên, có loại tự chủ một phần chi thường xuyên, có loại là công ty cổ phần hoặc hoạt động liên doanh, liên kết… cần phải làm rõ hơn.
Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề cơ chế để quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân thì ai quyết định việc này? Cơ sở khám chữa bệnh có được tự quyết định không hay là ai quyết định việc này?
Điều 19 Luật Giá có quy định Nhà nước (cụ thể là Bộ Y tế) quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh của nhà nước. Như vậy để đồng bộ với Luật Giá thì chúng ta xử lý như thế nào? Ai là người ra quyết định đối với giá? Vừa qua, từ thực tiễn vướng mắc trong thanh toán chi phí khám chữa COVID-19, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải ban hành nghị quyết về việc xác định giá.
Nêu rõ, cơ cấu của giá dịch vụ khám, chữa bệnh phải cấu thành đủ chi phí và có phần lợi nhuận định mức, đây là chênh lệch thu, chi định mức. Chênh lệch thu, chi định mức này đối với đơn vị sự nghiệp công không phải vì mục tiêu lợi nhuận còn có phần tích lũy để tái đầu tư và đầu tư thêm cơ sở vật chất. Đối với cơ sở tư nhân có chênh lệch thu, chi thì mới làm. "Nếu quy định cơ cấu giá không nói phần này thì có hợp lý về mặt cấu thành về giá không?" Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề và đề nghị Bộ Y tế cùng Bộ Tài chính nghiên cứu kỹ cơ cấu về giá dịch vụ khám, chữa bệnh.
Ngoài ra, hiện nay cũng chưa có cơ chế để quy định giá đối với cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp liên doanh, liên kết. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập mà chưa tự chủ được hoàn toàn hoặc mới chỉ tự chủ chi thường xuyên thì cơ cấu giá dịch vụ có được tính khấu hao không…cũng là nội dung được Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đề nghị tính toán thêm.
Phiên họp thứ 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Mặt khác, dự thảo Luật quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc để đảm bảo thống nhất. Tuy nhiên, trong luật cũng có quy định về phân cấp cơ sở khám, chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn là khám, chữa bệnh ban đầu, cơ bản và chuyên sâu, cho nên chi phí khám, chữa bệnh mỗi cấp sẽ có khác nhau, chưa kể đến sự khác biệt về chi phí khám, chữa bệnh có thể theo vùng, miền. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Luật cũng cần quy định những nguyên tắc chung để xác định chi phí khám, chữa bệnh phù hợp cho từng trường hợp trước khi giao cho Chính phủ hoặc Bộ Y tế quy định. Trong luật có những điều khoản khung phân biệt đối với các cấp bệnh viện, cấp cơ sở khám, chữa bệnh, v.v..
Điều 89 về thiết bị y tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu để phân định giữa việc đầu tư mua sắm, quản lý, sử dụng thiết bị y tế từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn lực của các đơn vị sự nghiệp công lập để có những quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và nợ công.
Ngoài ra, các thiết bị y tế như chi phí vật tư, tiêu hao thuốc cho khám, chữa bệnh cũng rất lớn nên cũng cần phải nghiên cứu bổ sung quy định về việc mua sắm, quản lý, sử dụng một cách nguyên tắc và có thể giao Chính phủ quy định chi tiết việc này.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý lần sửa đổi này phải rà soát tổng thể để quy định những nội dung rất cụ thể cho việc khám, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa và dịch truyền nhiễm thuộc Nhóm A.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải ban hành Nghị quyết 12/NQ-UBTVQH15 vào ngày 30/12/2021 quy định rất nhiều nội dung cho công tác khám, chữa bệnh, trong đó có khám, chữa bệnh từ xa. Do đó cần ra soát lại để có thể có những quy định khung và có những quy định cụ thể để sau Chính phủ có thể linh hoạt hơn trong việc đối phó với những dịch bệnh rất nguy hiểm Nhóm A như COVID-19 vừa qua mà không cần phải dùng đến những nghị quyết đặc thù của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội như vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là luật rất quan trọng, liên quan đến chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, do đó, đòi hỏi cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đầu tư công sức để đảm bảo chất lượng cao nhất./.
Tác giả bài viết: Theo quochoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn