Tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp với tiểu học là không đảm bảo
Thứ sáu - 07/04/2023 14:57
Chiều 24.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã làm việc với UBND huyện Phù Cát.
|
Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội (người đứng) phát biểu tại buổi giám sát. |
Ông Đinh Công Sỹ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn giám sát.
Tại buổi giám sát, huyện Phù Cát đánh giá Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội đã tác động trực tiếp đối với giáo dục phổ thông và được xem là bước đột phá để giáo dục Việt Nam có sự đổi mới mạnh mẽ, phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế.
|
Quang cảnh buổi giám sát. |
Trên cơ sở các nghị quyết, các bộ, ngành, tỉnh Bình Định và huyện Phù Cát đã kịp thời cụ thể hóa bằng các quy định, kế hoạch, đề án, chương trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Việc tổ chức quán triệt, học tập, tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được thực hiện thường xuyên, nhằm nâng cao và tạo sự chuyển biến về nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhà quản lý, đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh đối với các quy định mới về chương trình và sách giáo khoa. Công tác kiểm tra, thanh tra các hoạt động chuyên môn, tăng cường tiếp cận các yêu cầu đổi mới được tổ chức thường xuyên, kịp thời; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Tổng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cấp tiểu học, THCS của huyện Phù Cát là 1.427 người. Đến nay, cán bộ quản lý, giáo viên đã đăng ký và hoàn thành 6/9 mô đun bồi dưỡng theo kế hoạch của Sở GD&ĐT là 1.332 người. Đội ngũ giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí của cấp THCS đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tại giám sát, nhiều ý kiến trao đổi liên quan đến những khó khăn về đội ngũ giáo viên môn Khoa học tự nhiên; tình trạng quy định tỷ lệ giáo viên/lớp; số lượng sách giáo khoa cung cấp cho lựa chọn sách quá ít, chủ yếu được giới thiệu sách qua online, trực tuyến, mặt khác số lượng sách một số môn quá nhiều như môn Tiếng Anh (9 bộ)...
|
Ông Nguyễn Tấn Hưng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Cát, báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại huyện Phù Cát. |
|
Bà Lý Tiết Hạnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại giám sát. |
Huyện Phù Cát kiến nghị Bộ GD&ĐT quan tâm tham mưu Chính phủ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chế độ chính sách liên quan đến phát triển giáo dục vùng miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và hoàn cảnh khó khăn. Tăng tỷ lệ giáo viên tiểu học, bởi hiện tại 1,5 giáo viên/lớp là không phù hợp để đảm bảo điều kiện nhân lực thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình 2016 là 4.305 tiết/năm, chương trình giáo dục phổ thông 2018 là 4.830 tiết/năm).
|
Lãnh đạo các Trường Tiểu học Cát Hiệp và Trường THCS Cát Lâm chia sẻ tại buổi giám sát. |
Đề nghị cần có cách thức tính chỉ tiêu biên chế mang tính đặc thù của ngành GD&ĐT; đánh giá về chương trình giáo dục phổ thông mới, về việc triển khai các bộ môn mới trong chương trình như môn tích hợp…
|
Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Nguyễn Văn Hưng chia sẻ một số thông tin với đoàn giám sát. |
Phát biểu tại buổi giám sát, Trưởng đoàn Đinh Công Sỹ ghi nhận sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đối với sự nghiệp GD&ĐT và việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của huyện Phù Cát. Đoàn giám sát ghi nhận địa phương có nhiều cách làm hay, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao; về cơ bản giáo viên đã có sự tiếp nhận và chủ động khắc phục khó khăn của chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là thời gian đầu thực hiện có những bỡ ngỡ.
Đồng thời, Đoàn giám sát tiếp thu, ghi nhận các ý kiến của các thành viên trong đoàn giám sát, khắc phục tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai các nghị quyết, bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất trong việc dạy và học.
Một số vấn đề còn hạn chế là đội ngũ giáo viên trong giảng dạy các môn học mới, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy…
Đoàn giám sát sẽ tổng hợp các kiến nghị, đề xuất của địa phương; đồng thời đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, rà soát đội ngũ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng…
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn