Cần có chế độ ưu đãi cho giáo viên và học sinh người dân tộc thiểu số

Thứ sáu - 13/01/2023 10:31
Đó là đề xuất đáng chú ý của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Vân Canh (huyện Vân Canh), tại cuộc giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, do Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh làm trưởng đoàn, sáng 12.1.
Cùng tham gia giám sát còn có đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các Sở GD&ĐT, KH&ĐT, Tài chính, Tư pháp, Nội vụ; UBND huyện Vân Canh.
 
Đoàn giám sát Đoàn ĐBQH tỉnh làm việc tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Vân Canh. Ảnh: T.H
Báo cáo tại giám sát, ông Trương Xuân Tú - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Vân Canh, cho hay năm học 2022 - 2023, trường có 728 học sinh (226 học sinh khối THCS và 502 học sinh khối THPT).
Hiện trường có 51 giáo viên trực tiếp giảng dạy (khối THCS 18 giáo viên, khối THPT 33 giáo viên). 100% cán bộ, giáo viên tham gia đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đầy đủ các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo đúng yêu cầu để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trường đã bố trí 6 giáo viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu giảng dạy các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý. Trong năm học 2021 - 2022, năm học 2022 - 2023, nhà trường đã phân công các giáo viên này dạy tích hợp liên môn ở lớp 6, lớp 7. Ngoài ra, nhà trường căn cứ theo năng lực của giáo viên để phân công giảng dạy các môn học mới như hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp; giáo dục địa phương…
Trong các năm học vừa qua, nhà trường đã triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội và văn bản pháp luật các cấp về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của nhà trường bước đầu được quan tâm đầu tư tạo điều kiện thuận lợi trong thực hiện chương trình phổ thông 2018; trình độ giáo viên và chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến trao đổi, làm rõ những tồn tại, bất cập trong triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới tại nhà trường.
 
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Điển thông tin thêm một số vấn đề trong thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Ảnh: T.H
Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Đối với các môn học mới ở bậc THCS như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý theo quy định phân công 1 giáo viên giảng dạy, mặc dù giáo viên được bồi dưỡng để dạy tích hợp nhưng trong thực tế việc giảng dạy liên môn còn nhiều vướng mắc, khó khăn nhất định; chưa thể thay đổi ngay về phương pháp giáo dục học sinh theo tinh thần của chương trình. Học sinh đã quen với cách học truyền thống nên còn nhiều bỡ ngỡ trong tiếp cận với cách học của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đáng chú ý, ở bậc THPT năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, việc học sinh tự chọn lựa môn học gây ra nhiều khó khăn cho nhà trường trong sắp xếp lớp học, phân công giáo viên giảng dạy, dẫn đến tình trạng thừa - thiếu cục bộ giáo viên.
Bên cạnh đó, một vấn đề cũng được đặt ra mang tính đặc thù của khối trường THPT ở địa bàn miền núi là học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn gặp rất nhiều khó khăn trong việc trang bị sách giáo khoa. “Hiện tại có tình trạng 2 - 3 học sinh học chung 1 bộ sách”, ông Trương Xuân Tú nói.
Nhà trường đã kiến nghị đến đoàn giám sát về việc cần có chế độ ưu đãi cho học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng khó khăn trong việc trang bị sách giáo khoa. Có chế độ ưu đãi đặc biệt cho cán bộ, giáo viên thực hiện công tác giảng dạy ở các vùng có kinh tế đặc biệt khó khăn, đặc biệt là phụ cấp trách nhiệm đối với giáo viên THPT trong trường phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường dân tộc nội trú, trường nằm trên địa bàn kinh tế khó khăn.
Phát biểu tại buổi giám sát, bà Lý Tiết Hạnh ghi nhận các kết quả và đề xuất của trường, trên cơ sở đó tổng hợp để có báo cáo, kiến nghị lên các cấp và Quốc hội. Đồng thời, đề nghị ngành giáo dục và địa phương tiếp tục bố trí nguồn lực để thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đào tạo, bồi dưỡng và bố trí hợp lý giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy các môn học, hoạt động giáo dục mới…
• Nhân dịp này, đoàn tặng quà tết cho Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS & THPT Vân Canh và 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt của trường.
 
Đoàn tặng quà 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt của trường. Ảnh: T.H
• Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát tiếp tục thực hiện giám sát tại Trường THCS Trần Bá (huyện Tuy Phước).
 

Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây