Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình
Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực hiện Nghị quyết số 266/2021/UBTVQH15 ngày 05 tháng 8 năm 2021 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 02 chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021” và “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”.
Căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Quy chế về tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội dự kiến bước đầu về cơ cấu, số lượng thành phần 02 Đoàn giám sát chuyên đề và xin ý kiến 02 Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách nội dung. Tiếp đó, Tổng Thư ký Quốc hội đã dự thảo 02 Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để gửi xin ý kiến các cơ quan chủ trì tham mưu về nội dung chuyên đề giám sát (Ủy ban Pháp luật và Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Quốc hội đã nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý và gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội 02 dự thảo:
1. Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, trong đó phân công đồng chí Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn.
2. Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021”, trong đó phân công đồng chí Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn.
Dự thảo các Nghị quyết bao gồm 04 Điều: Điều 1 quy định về danh sách thành viên và đại biểu mời tham gia Đoàn giám sát; Điều 2 về phạm vi, đối tượng và nội dung giám sát; Điều 3 về phân công thực hiện; Điều 4 về hiệu lực thi hành. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp thu, hoàn thiện và trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành; sau đó, xây dựng kế hoạch và các đề cương báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu
Phát biểu thảo luận tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, Phó Chủ tịch phụ trách, Trưởng Đoàn Giám sát thì có thể trùng nhau giữa hai Đoàn Giám sát, nhưng thành viên Đoàn Giám sát thì không nên trùng nhau để bảo đảm tối đa khối lượng công việc có thể hoàn thành.
Đối với Đoàn Giám sát về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị mời 01 đại diện Ban Tổ chức Trung ương tham gia. Về đối tượng giám sát, Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, không chỉ giám sát Chính phủ, chính quyền địa phương mà đợt sắp xếp này còn nhập cả Đảng bộ, Tòa án, Viện kiểm sát… Do đó, cần phải quy định rõ hơn về nội dung này.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một trong những khâu quan trọng của cuộc giám sát là đề cương giám sát cần được làm tốt. Nếu làm tốt đề cương thì đảm bảo hoàn thành gần 50% chương trình giám sát. Tuy trong quá trình giám sát, sẽ có những nội dung phải điều chỉnh, nhưng đa số vẫn bám sát đề cương đưa ra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến
Nhất trí với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, qua giám sát, công tác phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cần được làm mạnh hơn nữa. Đi vào một số vấn đề cụ thể của các dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị: rà soát lại thành viên Đoàn giám sát không nên để trùng nhau, mỗi người chỉ tham gia một Đoàn Giám sát; nhất trí mời thêm đại diện của Ban Tổ chức Trung ương tham gia Đoàn Giám sát đối với nội dung có liên quan; phạm vi, đối tượng và nội dung giám sát được quy định theo hướng mở, có thể bổ sung, điều chỉnh khi cần trong thực tiễn; đề cương, kế hoạch chi tiết phải chuẩn bị chu đáo. Trong giai đoạn cấp bách, nếu cần thiết Ủy ban Thường vụ có thể tổ chức Phiên họp đột xuất để cho ý kiến về một số vấn đề có liên quan.
Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu, hoàn thiện 02 Dự thảo Nghị quyết thành lập Đoàn Giám sát để trình ký ban hành. Trong đó, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh một số nội dung sau: Việc giám sát phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan ở trung ương và địa phương để tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình tổ chức giám sát; thành viên Đoàn Giám sát không được lặp nhau giữa hai đoàn và không được trùng lặp giữa các Đoàn giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Phạm vi, đối tượng và nội dung giám sát được quy định theo hướng mở, có thể bổ sung, điều chỉnh khi cần; Rà soát việc mời các chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan có liên quan tham gia Đoàn giám sát; quy định rõ Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tổ chức giám sát về nội dung chuyên đề; Đoàn Giám sát chủ động xây dựng kế hoạch và đề cương chi tiết để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết
Tại Phiên họp, thống nhất với những nội dung trong dự thảo Nghị quyết và những vấn đề bổ sung, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết thông qua Dự thảo Nghị quyết thành lập 02 Đoàn Giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.
Tác giả bài viết: Theo quochoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn