Thủ tướng: Nhiệm kỳ này, Chính phủ tập trung xây dựng thể chế
Thứ ba - 17/08/2021 15:25
Nhiệm kỳ này, Chính phủ tập trung xây dựng thể chế như rà soát vướng mắc của luật pháp, các quy định, luật do Quốc hội, Nghị định, chỉ thị, nghị quyết do Chính phủ ban hành.
Sáng nay 17.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì, điều hành Phiên họp Chính phủ chuyên đề về pháp luật tháng 8 năm 2021.
Phiên họp tập trung vào các nội dung: Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Nghị định về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần; Báo cáo về việc rà soát pháp luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ, nhiệm vụ sáu tháng, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhiệm vụ quan trọng nhiệm kỳ này, trong đó có xây dựng thể chế. Nhiệm kỳ này, Chính phủ tập trung xây dựng thể chế như rà soát vướng mắc của luật pháp, các quy định, luật do Quốc hội, nghị định, chỉ thị, nghị quyết do Chính phủ ban hành. Chính phủ tập trung chỉ đạo đột phá này bằng một số Bộ cụ thể, giao Bộ trưởng, Thủ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp rà soát thể chế. Ngay sau đó rà soát các vướng mắc, vấn đề thực tiễn đặt ra mà chưa có quy định, hoặc những vấn đề có quy định nhưng vượt thực tiễn. Đẩy mạnh xây dựng luật pháp, nâng cao chất lượng các quy định, quy chế. Tăng cường lực lượng con người, nhân lực cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo vấn đề này điều động và ưu tiên nhân lực cho việc này vì đây là việc khó như Luật Đất đai, Bộ Luật Hình sự.... phải đầu tư về thời gian, công sức, điều kiện bảo đảm, chế độ chính sách cho người làm luật. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ tập trung trên tinh thần 5 điểm cơ bản đó. Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN: Xây dựng Chính phủ đổi mới, kỷ cương, hành động, hiệu quả vì nhân dân phục vụ. Ngay lập tức không thể hoàn thiện, làm ngay được mọi việc, phải cân đối nguồn lực để làm có trọng tâm, trọng điểm. Cái gì thật cần thiết làm ngay. Có cái đề xuất một bộ luật sửa nhiều luật, có cái đề xuất thí điểm, phải bổ sung hoàn thiện. Dù có bổ sung bao nhiêu cũng không phủ hết được. Cái gì đã "chín", đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì triển khai ngay. Cái gì đã có mà thực tiễn vượt qua thì phải đề xuất, bổ sung, chỉnh sửa. Phải bình tĩnh, kiên trì, kiên định, có tổng kết, phát triển, đánh giá sâu sắc, tổng thể nhưng phải sát thực tiễn. Thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương tích cực rà soát cần bổ sung, hoàn chỉnh, xây dựng cái mới. Tuy nhiên, nhiều Bộ vẫn chưa thực sự quan tâm vấn đề này, vì vậy các bộ phải rà soát lại. Bộ nào chưa quan tâm thì phải tập trung công sức để làm, dứt khoát Bộ trưởng, Thủ trưởng, Chủ tịch UBND phải làm. Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay vẫn còn bộ chậm trễ, thờ ơ. Nhiều bộ, ngành đã có hai ba hướng dẫn vẫn ngồi im. Phải hoàn thiện thủ tục để thúc đẩy đầu tư công và sản xuất, có bộ ngành triển khai đầu tư công bằng không. Hết tháng này sẽ kiểm điểm lại theo Công điện mới nhất để ai làm tốt thì khen, ai không làm tốt thì xử lý. "Chúng ta xác định tinh thần tiến công, khó khăn, thách thức nhiều hơn là thuận lợi. Nếu thời cơ không tận dụng thì không bứt phá lên được trong bối cảnh dịch bệnh, sản xuất đình trệ"- Thủ tướng nói. Thủ tướng yêu cầu, các Bộ trưởng phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm vì dân vì nước, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tòan diện công tác, tập trung xây dựng thể chế, ba đột phát chiến lược. Chỗ nào còn vướng mắc thì kiểm điểm, xử lý theo các quy định của Đảng, Nhà nước. Tăng cường kỷ luật kỷ cương trong việc họp hành. Khi đã thống nhất rồi thì thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phục tùng tập thể, cấp dưới phục tùng cấp trên. Càng khó khăn, càng phức tạp càng thống nhất, càng cần chung một tiếng nói. Ở đâu, lúc nào cũng phải đoàn kết, người đứng đứng đầu chịu trách nhiệm. Vấn đề là cả nước cần cùng nhau đồng lòng, đoàn kết, thống nhất./.