Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 6.1, các ĐBQH đơn vị tỉnh Bình Định đã thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28.7.2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19; đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1.1.2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.
Đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ĐBQH Hồ Đức Phớc cho rằng phải đưa ra được những nội dung có thể tạo ra các đột phá trong tương lai, làm nền tảng cho quá trình phát triển bền vững của quốc gia.
ĐBQH Hồ Đức Phớc. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh. |
Theo đại biểu, cần tập trung vào 3 vấn đề.
Thứ nhất, trước tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở khu vực sông Mê Kông… cần tính đến các giải pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu, quy hoạch về xây dựng hạ tầng để có thể tập trung nguồn lực thực hiện trong tương lai.
Thứ hai, cần phải phát hiện những vùng kinh tế tiềm năng, kịp thời đầu tư nguồn lực để tạo sự phát triển đột phá trong tương lai. Tây Nguyên là một vùng rộng lớn, có nguồn lực lớn, có tiềm năng phát triển công nghiệp rất tốt. Để góp phần tạo sự đột phá và phát triển vùng Tây Nguyên, việc đầu tư đường cao tốc từ Tây Nguyên xuống Bình Định, kết nối với cảng biển là rất cần thiết.
Thứ ba, phải tạo khung vững chắc cho cơ sở hạ tầng của toàn bộ vào đất nước. Cần xác định cụ thể sẽ đầu tư bao nhiêu sân bay trọng điểm, cảng trọng điểm, hệ thống đường cao tốc, kết nối đường sắt và đường bộ…; từ đó dự tính được nguồn lực cho quy hoạch tổng thể này.
Cũng tham gia thảo luận nội dung này, ĐBQH Lý Tiết Hạnh cho rằng quy hoạch tổng thể quốc gia cần cân nhắc, xem xét kỹ đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, vùng kinh tế để có định hướng phát triển phù hợp, có tính kết nối, liên kết vùng. Theo đó, bà kiến nghị đưa Bình Định vào vùng động lực miền Trung. Đồng thời, đối với một số lĩnh vực như môi trường, công nghiệp nặng, năng lượng tái tạo… cần có định hướng sớm để thuận lợi cho các địa phương thực hiện.
ĐBQH Lý Tiết Hạnh. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh. |
Về Nghị quyết số 30/2021/QH15, đại biểu Hạnh kiến nghị cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện thống nhất trong những trường hợp khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh như vừa qua. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống y tế các cấp, nhất là ở cơ sở gắn với công tác đảm bảo về chế độ, chính sách, công tác đào tạo, tuyển dụng, đảm bảo số lượng, chất lượng nhân lực ngành Y tế; quan tâm công tác y tế dự phòng; xây dựng hành lang pháp lý đối với việc huy động các lực lượng tham gia vào công tác phòng, chống dịch… Mặt khác, cần phải tiếp tục rà soát các đối tượng có tham gia phòng chống dịch bệnh mà chưa được hưởng các chế độ theo quy định. Ngoài ra, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, có các gói an sinh xã hội nhằm hỗ trợ các đối tượng đến nay vẫn chịu các tác động, ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.
Về tầm nhìn đến năm 2050, nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị tại Quy hoạch tổng thể quốc gia, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần quy định, phân tích rõ hơn. Đối với việc nâng cao chất lượng sản phẩm trên các lĩnh vực, cần có quy định, cơ chế mở rộng hệ thống kiểm định quốc gia, khuyến khích tư nhân hóa và quốc tế hóa những trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Đại biểu cũng kiến nghị quan tâm phát triển các cơ sở giáo dục khuyết tật, đặc biệt là khuyết tật tâm thần. ĐB Cảnh cũng thảo luận về các vấn đề: phát triển văn hóa đọc, xây dựng nền công nghiệp văn hóa…
Tác giả bài viết: baobinhdinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn